Đây có thể là gương mặt của phi tần và con trai của Tần Thủy Hoàng chết thảm trong vụ thảm sát hoàng gia

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 16/07/2018 07:51:00 +07:00

Công nghệ phục dựng khuôn mặt phác họa chân dung 2 người, có thể là con trai và phi tần của Tần Thủy Hoàng, những người thiệt mạng trong vụ thảm sát hoàng gia cách đây hàng nghìn năm.

Giới khảo cổ Trung Quốc mới đây tìm thấy phần hài cốt bị phân xác của một cô gái 20 tuổi, nằm trong khu phức hợp 100 ngôi mộ được phát hiện ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng tại Tây An, Trung Quốc. 

Các thi hài trong 100 ngôi mộ này đều là phụ nữ trẻ. Xét từ các đồ vật được tìm thấy, các nhà khảo cổ tin rằng, đây có thể là các phi tần của hoàng đề và người hầu của họ. Với việc các thi hài có sự khác biệt lớn về tuổi tác cũng như tước vị, người ta cho rằng các phi tần này là những nạn nhân bị tuẫn táng theo vua. 

Nhóm nhà nghiên cứu sau đó phục dựng lại gương mặt của một trong những người phụ nữ có địa vị cao trong ngôi mộ, được cho là phi tần của Tần Thủy Hoàng. Theo hình ảnh sau khi phục dựng, người phụ nữ có đôi mắt to tròn cùng chiếc mũi nhỏ. 

1 4

Ảnh phục dựng được cho là phi tần của Tần Thủy Hoàng.  

Điều thú vị là, những đặc điểm trên khuôn mặt này không giống với gương mặt điển hình của người Hán. Thay vào đó, các nhà khảo cổ cho rằng người này có tổ tiên là người Trung Á hoặc châu Âu. 

Trong khi đó, bộ hài cốt của người đàn ông được tìm ra trong một khu mộ riêng biệt tại làng Shangjiao, phía Đông của tỉnh Tây An cho thấy, người này bị bắn chết trước khi chôn. Một phần mũi tên bằng đồng được tìm thấy bên dưới xương thái dương gần đáy sọ của cái xác. Đầu và chân tay của người đàn ông bị tách ra khỏi cơ thể và đặt trên một rương châu báu trong chiếc quan tài nhiều lớp. 

Những hình ảnh sau khi phục dựng cho biết, người đàn ông có thể là hoàng tử nhà Tần, khoảng 30 tuổi, có gương mặt thuôn dài và cánh mũi to. 

1 3

  Gương mặt người đàn ông được cho là hoàng tử nhà Tần. 

Ông Li Kang, Giáo sư tới từ Trường Khoa học và Công nghệ Thông tin, thuộc Đại học Đông Bắc Tây An, nơi phát triển phần mềm phục dựng khuôn mặt nói rằng: Ông rất tin tưởng vào kết quả mà nhóm nghiên cứu của ông thu được, bởi công nghệ này được Bộ Công an sử dụng rộng rãi trong quá trình điều tra, truy bắt tội phạm. 

Trong khi đó, ông Zhang Weixing, một trong những đầu não của chương trình phục dựng gương mặt, là trưởng bộ phận nghiên cứu của Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng cho rằng còn quá sớm để đưa ra một kết luận, cần có những bằng chứng vững chãi hơn.

Video: Khám phá ngôi mộ cổ khổng lồ chứa đầy châu báu

Cũng theo ông Zhang, bảo tàng của ông lên kế hoạch phân tích mẫu DNA trên 2 hài cốt và hy vọng sẽ tìm ra manh mối về các thành viên trong hoàng tộc nhà Tần. Ông cũng nói thêm, không loại trừ khả năng 2 người được tìm thấy có thể là quan lại hoặc người từ triều đại trước. 

Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc không lập hậu mà sắc phong tước vị phi tần cho nhiều mỹ nữ được thu nạp trong cả nước. Các phi tần hạ sinh cho vua khoảng 40 hoàng tử và công chúa. 

Sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà vào năm 210 (sau Công nguyên), con thứ của ông Hồ Hợi chiếm ngôi vua bằng cách che giấu cái chết của cha, giả mạo thánh chỉ, ép huynh trưởng là Doanh Chính tự sát. Sau đó, Hồ Hợi hạ lệnh bất cứ phi tần nào không có con với cha mình đều phải chết trong cung. 

Theo Sina, một lượng lớn các phi tần bị tuẫn táng theo Tần Thủy Hoàng và được chôn trong lăng mộ của ông. Một số ghi chép nói rằng họ bị chôn sống nhưng không có bằng chứng chứng minh thông tin này. 

Không dừng lại ở đó, Hồ Hợi còn tiếp tục bức hại anh chị em của mình vì sợ những người này lăm le soán ngôi: 18 hoàng tử bị hành quyết công khai, 4 hoàng tử khác bị ép tự sát, 10 công chúa cũng phải chịu cái chết thương tâm. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn