Đầu năm về Bắc Ninh tham quan các đền chùa cổ kính, linh thiêng

Đời sốngThứ Hai, 12/02/2024 14:30:00 +07:00
(VTC News) -

Về Bắc Ninh dịp đầu xuân, du khách có thể tìm hiểu nhiều nét văn hóa Kinh Bắc như nghe quan họ, tham quan các không gian tâm linh, đền chùa cổ kính, linh thiêng.

Bắc Ninh không chỉ là quê hương của những làn điệu quan họ say đắm lòng người mà còn là mảnh đất có nhiều ngôi đền, chùa cổ tuổi đời hàng trăm, hàng nghìn năm.

Đầu xuân, nếu có dịp đến mảnh đất Kinh Bắc, bạn nhớ ghé thăm những ngôi đền, chùa nổi tiếng này để cầu bình an, sức khỏe cho gia đình.

Lăng Kinh Dương Vương

Lăng Kinh Dương Vương.

Lăng Kinh Dương Vương.

Khu di tích đền thờ Kinh Dương Vương thờ vị vua đầu tiên của đất nước, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993.

Lăng Kinh Dương Vương được xây dựng tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, là cái nôi chốn tổ của đất Việt, không những là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân, mà còn là một địa điểm lịch sử của cả dân tộc.

Khu lăng mộ Kinh Dương Vương có kiến trúc gồm cổng lăng, qua cổng lăng đi thẳng vào là phần mộ vua Kinh Dương Vương, hai bên tả hữu là bốn nhà Văn chỉ, Võ chỉ và nhà khách. 

Vào ngày 18/1 âm lịch hàng năm, người dân làng Á Lữ sẽ tổ chức lễ hội Kinh Dương Vương tại khu vực này để tưởng nhớ đến vị vua đầu tiên của nước Việt, Đại đế Lạc Long Quân và Hoàng hậu Âu Cơ.

Đền Đô

Đền Đô thờ 8 vị vua đầu tiên của nhà Lý.

Đền Đô thờ 8 vị vua đầu tiên của nhà Lý.

Đền Đô (tên chữ là Cổ Pháp điện, còn được gọi là Đền Lý Bát Đế) nằm ở phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thờ 8 vị vua đầu tiên của nhà Lý. Đền Đô đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa theo Quyết định số 154 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 25/1/1991. Năm 2014, nơi đây cùng với khu lăng mộ các Vua nhà Lý đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Hai bên cổng chính nội thành Đền Đô, phía bên trái ghi bức cuốn thư “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Phía bên phải là bài thơ "Nam quốc sơn hà" hào hùng của Lý Thường Kiệt.

Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích nằm trên núi Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Chùa Phật Tích nằm trên núi Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Chùa Phật Tích còn gọi là Vạn Phúc Tự, được xây dựng từ năm 1057, dưới thời nhà Lý. Ngôi chùa sở hữu những công trình nổi tiếng như bức tượng Phật A Di Đà cao 27m nằm trên đỉnh núi từ thời nhà Lý, hay Tháp Quang Phổ đậm dấu ấn lịch sử. Nơi đây còn nhiều sảnh thờ đầy nét cổ kính và rất yên bình.

Chùa Phật Tích nằm ở phía Nam của núi Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, lễ hội của Chùa được tổ chức từ ngày mùng 3 đến mùng 5 Tết Nguyên đán. 

Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp.

Chùa Bút Tháp.

Chùa Bút Tháp (Ninh Phúc Tự) nằm ở bên đê hữu ngạn sông Đuống, thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành. Người dân trong vùng còn gọi chùa Bút Tháp là chùa Nhạn Tháp, chùa Thấp. Tên cũ của chùa trước đây gồm có: Thiếu Lâm Tự, Hoàng Cung Tự. Chùa Bút Tháp là Di tích quốc gia đặc biệt.

Chùa có tháp Báo Nghiêm thờ Hoà thượng Chuyết Chuyết, đỉnh tháp là ngọn bút trông giống như cây bút khổng lồ vươn thẳng tới trời cao thanh vắng. Tháp cao 13,05m gồm 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh.

Năm góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ. Ở tầng dưới cùng của toà tháp này có 13 bức chạm đá lấy đề tài chủ yếu là các con thú. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt xưa.

Chùa Dâu

Chùa Dâu ở phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành.

Chùa Dâu ở phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành.

Chùa Dâu (còn có tên là Diên Ứng hay Cổ Châu) nằm ở phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành. Đây là trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của Việt Nam, đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. 

Ngôi chùa được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam. Chùa là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa nay. 

Cũng như nhiều chùa chiền trên đất Việt Nam, chùa Dâu được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc", gồm 4 dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh 3 ngôi nhà chính: tiền đường, thiêu hương và thượng điện.

Đền Bà Chúa Kho

Dịp đầu năm, nhiều người dân đến đền Bà Chúa Kho làm lễ xin bà cho vay lộc rơi lộc vãi.

Dịp đầu năm, nhiều người dân đến đền Bà Chúa Kho làm lễ xin bà cho vay lộc rơi lộc vãi.

Đền Bà Chúa Kho ở phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh là một di tích lịch sử đã được Nhà nước công nhận.

Tương truyền rằng vào thời nhà Lý, tại làng quê thanh bình Quả Cảm có người con gái vừa xinh đẹp, nết na vừa giỏi giang, khéo léo. Người con gái đó không chỉ có nhan sắc tuyệt trần mà còn biết tổ chức sắp xếp các công việc sản xuất, tích trữ lương thực, thực phẩm, giúp dân chống đói, giúp quân chống giặc.

Một lần hành quân qua làng Quả Cảm, vua Lý đã đem lòng cảm mến người con gái tài sắc vẹn toàn đó và đưa bà vào cung làm hoàng hậu.

Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hóa, bà xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang. Bà đã mở rộng khai hoang vào tận vùng Nghệ An.

Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh). Bà đã bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077).

Nhà vua thương tiếc phong cho bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi bà với một niềm tôn kính là Bà Chúa Kho.

Với quan niệm “đầu năm vay bà, cuối năm trả nợ”, nhiều người dân đến đền Bà Chúa Kho đầu năm làm lễ xin bà cho vay lộc rơi lộc vãi, rồi sau một năm lao động, mọi người quay lại "trả nợ". 

Đền Cùng - Giếng Ngọc

Đền Cùng - Giếng Ngọc ở phường Hòa Long, TP Bắc Ninh.

Đền Cùng - Giếng Ngọc ở phường Hòa Long, TP Bắc Ninh.

“Dù ai đi lễ bốn phương/Không bằng linh hiển thắp hương Đền Cùng". Với những câu chuyện nhiệm màu, linh thiêng được kể bao đời, Đền Cùng - Giếng Ngọc ở phường Hòa Long, TP Bắc Ninh là điểm đến tâm linh thu hút dòng khách thập phương từ muôn nơi đổ về, nhất là dịp đầu xuân năm mới. 

Đền Cùng là nơi thờ tự hai nàng công chúa triều Lý vốn có công lập làng và truyền nghề cho dân.

Nằm giữa sân Đền Cùng là Giếng Ngọc. Giếng Ngọc có hình bán nguyệt, rộng chừng 20m2, gồm 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim ở sát mép giếng. Dưới đáy giếng là lớp đá ong tự nhiên sâu khoảng 10m, nước giếng Ngọc màu xanh trong, có thể nhìn xuống tận đáy.

Người làng Diềm thường lấy nước giếng Ngọc về để pha trà đãi khách, nấu rượu dùng trong các dịp trọng đại của gia đình và dòng họ. Đối với du khách đến tham quan và cúng lễ Đền Cùng, nước Giếng Ngọc không chỉ đơn thuần là giải khát, mà còn tin rằng giúp khỏe mạnh, minh mẫn. Do đó, nhiều người mang theo cả bình đựng để xin nước giếng mang về với mong ước rước may mắn, tài lộc đến cho gia đình.

Văn Chương
Bình luận
vtcnews.vn