Đắk Lắk: Tạo đột phá cho cải cách hành chính nhiệm kỳ 2020 – 2025

Tin nhanh 24hThứ Ba, 19/10/2021 10:58:00 +07:00
(VTC News) -

Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá.

Song thực chất, hiệu quả “đột phá” này là gì, có bài học kinh nghiệm nào để nhiệm kỳ mới 2020 – 2025, Đắk Lắk sẽ phát huy thành quả, tăng thêm quyết sách hữu hiệu?

Soi thực tiễn thấy kinh nghiệm

Báo cáo nhiệm kỳ 2015 – 2020 của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk cho thấy, lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Song kết quả CCHC này chỉ tạo những chuyển biến về nền tảng hệ thống ứng dụng công nghệ quản lý Nhà nước, trong bộ máy công chức, viên chức, chưa đạt chỉ số hài lòng của người dân như mong muốn. 

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác CCHC được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm, từ xây dựng kế hoạch, nắm tình hình, định hướng các mục tiêu, đến phân công nhiệm vụ cụ thể, giải quyết các khó khăn vướng mắc, để lấy CCHC làm động lực chuyển biến về nhận thức của đội ngũ.

“Chốt lẫy” định hướng này là Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 18/4/2017) về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước.

Theo đó, hàng năm, tỉnh đã lựa chọn những chủ đề trọng yếu để tạo khâu đột phá về CCHC, như tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xây dựng nền hành chính phục vụ (năm 2018); sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Nhà nước các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (năm 2019); năm hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (năm 2020).

Qua các chủ đề này, hàng năm, UBND tỉnh định kỳ đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC ở các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh đã kiểm tra 189 đợt tại 100% sở, ban, ngành, 100% UBND cấp huyện và phần lớn UBND cấp xã.

Đắk Lắk: Tạo đột phá cho cải cách hành chính nhiệm kỳ 2020 – 2025 - 1

 Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị kiểm tra hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh năm 2019.

UBND tỉnh đã cụ thể hóa các cơ chế chính sách, ban hành trên 1.220 văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc hoạt động CCHC. Đặc biệt ở các cơ quan, đơn vị có nhiều giao dịch hành chính liên quan trực tiếp đến công dân, doanh nghiệp như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND thành phố Buôn Ma Thuột…, công tác kiểm tra được tiến hành thường xuyên.

Đến cuối năm 2020, tỉnh đã đạt 3/4 mục tiêu cải cách theo Nghị quyết 07. Một số nội dung được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm như nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện CCHC; họp mặt doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc; đưa Trung tâm Phục vụ Hành chính công vào hoạt động; đưa chữ ký số vào xử lý, ban hành văn bản; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ở các lĩnh vực liên quan doanh nghiệp và người dân, như thuế, kho bạc, hải quan, đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tư pháp hộ tịch.

Người dân chưa hài lòng 

Tuy nhiên, theo ông Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ, cải cách TTHC được tỉnh quan tâm thường xuyên, nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu của người dân. 

Thực tế sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 07, tỉnh đã gắn kết công tác CCHC với thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở, ghi nhận sự tham gia của người dân vào các vấn đề chung ở địa phương. Đã có hơn 10.670 lượt người dân, doanh nghiệp được lấy ý kiến về dịch vụ công, nhằm đo lường sự hài lòng của cộng đồng với một số dịch vụ y tế và giáo dục công.

Trong đó, có 50% ý kiến được khảo sát cho rằng, cần tiếp tục đơn giản hóa TTHC và cần rút ngắn thời gian thực hiện dịch vụ công. Đánh giá từ Chỉ số hài lòng của người dân đối với TTHC (PAPI) của tỉnh ở các dịch vụ chứng thực, xác nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… vẫn thuộc nhóm 16 tỉnh thấp nhất cả nước.

Thống kê Sở Nội vụ cho thấy, từ năm 2016 tới nay, chỉ có 27.036 hồ sơ được nộp, tiếp nhận và giải quyết trực tuyến với mức độ 3, trên tổng số 754.203 hồ sơ được nộp trực tiếp trên hệ thống iGate, chiếm tỷ lệ 3,58%. Có 19.261 hồ sơ được nộp, tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 4, trên tổng số 754.203 hồ sơ được nộp trực tiếp trên hệ thống iGate, chiếm tỷ lệ 2,55%.

Một số địa bàn cơ sở vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi tiếp nhận, giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp. Kết quả điều tra PAPI từ Bộ Nội vụ cho thấy, chỉ có 33,93% hồ sơ trễ hẹn trên địa bàn tỉnh nhận được thông báo của cơ quan hành chính Nhà nước, và chỉ có 19,64% hồ sơ trễ hẹn được cơ quan xin lỗi vì trễ hẹn.

Đắk Lắk: Tạo đột phá cho cải cách hành chính nhiệm kỳ 2020 – 2025 - 2

Đoàn công tác Thường trực Tỉnh ủy tham quan vườn bơ booth của Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên năm 2020.

Từ thực tế đó, theo kết quả đánh giá của Bộ Nội vụ công bố hàng năm, có thể thấy các Chỉ số về CCHC của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa đạt kết quả đề ra, thậm chí còn chuyển dần về phía cuối bảng xếp hạng tỉnh thành cả nước. Địa phương còn thiếu sáng kiến mang tính đột phá, nhất là về cải cách chi tiêu tài chính công và ứng dụng hiện đại hóa hành chính.

Đặc biệt, các khảo sát, điều tra xã hội học của Bộ Nội vụ cũng cho thấy, người dân chưa đánh giá cao công tác CCHC của tỉnh. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa bám sát thực hiện Bộ chỉ số CCHC.

Đội ngũ công chức, viên chức vẫn còn hiện tượng giao tiếp chưa tốt, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp cả ở cấp tỉnh, huyện và cấp xã. Chỉ số hài lòng về công chức Đắk Lắk nói chung đạt 73,49% và thấp hơn mức trung bình của cả nước. 

Tất cả cho thấy, “đột phá” CCHC của tỉnh Đắk Lắk đang rất cần hướng vào kết quả phải đảm bảo cho được mức độ hài lòng của người dân. Đây cũng là yêu cầu then chốt để Đảng bộ địa phương trong nhiệm kỳ mới cần đặt ra, và mạnh dạn có những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện.

Thanh Hải - Kim Bảo
Bình luận
vtcnews.vn