Đại sứ nước ngoài khám phá vẻ đẹp đất Kinh Bắc trong 'Ngày tìm hiểu về Việt Nam'

Tin nóngThứ Sáu, 07/04/2023 20:23:08 +07:00
(VTC News) -

Các Đại sứ, Trưởng đại diện từ các Ngoại giao đoàn đã được trải nghiệm văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc trong "Ngày tìm hiểu về Việt Nam" năm 2023.

Chiều 7/4, tại tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ ngoại giao tổ chức Chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023 - Vẻ đẹp Bắc Ninh - Kinh Bắc”.

Đến dự chương trình có có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và gần 150 đại biểu là các Đại sứ, Trưởng đại diện từ các Ngoại giao đoàn và Tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các Đại sứ Việt Nam mới được bổ nhiệm, Nhóm Phụ nữ cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH) và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Đại sứ nước ngoài khám phá vẻ đẹp đất Kinh Bắc trong 'Ngày tìm hiểu về Việt Nam' - 1

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và các Đại sứ, Trưởng đại diện từ các Ngoại giao đoàn xem múa rối nước trong "Ngày tìm hiểu về Việt Nam" năm 2023.

Tại chương trình, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, những năm qua tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm đến việc đảm bảo hài hòa, bền vững giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong việc kết nối, lan tỏa, quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa truyền thống, môi trường đầu tư hấp dẫn của tỉnh Bắc Ninh với thế giới. Đặc biệt, bằng uy tín ngoại giao, các đại biểu giúp tỉnh Bắc Ninh thúc đẩy, vận động UNESCO xem xét để đưa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại trong năm 2024. 

Đại sứ nước ngoài khám phá vẻ đẹp đất Kinh Bắc trong 'Ngày tìm hiểu về Việt Nam' - 2

Các đại biểu tìm hiểu và trải nghiệm làm tranh dân gian Đông Hồ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc chia sẻ, là đất nước nghìn năm văn hiến, Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa, coi văn hóa là cội nguồn sức mạnh dân tộc, mong muốn phát huy các giá trị văn hóa của mình để phát triển bền vững đất nước và làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Trong quá trình đó, Bộ Ngoại giao sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương, trong đó, có tỉnh Bắc Ninh, tiếp tục gìn giữ và giới thiệu những tinh hoa văn hóa đặc sắc của mình tới bạn bè quốc tế.

Chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam” là sự kiện thường niên được Bộ Ngoại giao tổ chức từ năm 2015, nhằm cập nhật các thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.

Đại sứ nước ngoài khám phá vẻ đẹp đất Kinh Bắc trong 'Ngày tìm hiểu về Việt Nam' - 3

Trải nghiệm cách làm tranh dân gian Đông Hồ.

Trước đó, các đại biểu đã đi thăm Trung tâm bảo tồn tranh Dân gian Đông Hồ, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) và được các nghệ nhân hướng dẫn cách làm tranh dân gian Đông Hồ; thưởng thức tiết mục múa rối nước Đồng Ngư và ẩm thực phong phú, đa dạng của vùng đất Kinh Bắc; trải nghiệm trang phục áo tứ thân và lắng nghe những làn điệu Dân ca Quan họ -Bắc Ninh-loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009.

Dịp này, Nhóm Phụ nữ cộng đồng ASEAN tại Hà Nội đến thăm, tặng quà tại Trung tâm nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh-Kinh Bắc nổi danh là vừng đất địa linh, nhân kiệt. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các thế hệ cha ông vùng Kinh bắc đã sáng tạo, gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ ngày nay kho tàng di sản văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được phục hồi, truyền dạy và phát huy giá trị hiệu quả, trong đó có Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tỉnh Bắc Ninh đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm. Tuy nhiên, đến nay, còn 3 hộ gia đình với khoảng 30 người thuộc 4 thế hệ có thể làm tranh dân gian Đông Hồ gồm gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh và nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả (cùng ở Song Hồ- Thuận Thành). Hiện nay, Nghề đang đối diện với nguy cơ mai một và bảo vệ khẩn cấp. Nhiều hộ gia đình vẫn còn mong muốn trở lại với Nghề làm tranh vì nghề này như một phần di sản của họ. Điều này cho thấy cần trao truyền tri thức Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ cho thế hệ trẻ.

Để bảo tồn và phát huy giá trị Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, Chính phủ Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh với sự tham gia tích cực của cộng đồng đã xây dựng hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO để xem xét ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Văn Chương
Bình luận
vtcnews.vn