'Đại dịch' lừa đảo và buôn người ở biên giới Thái Lan

Tư liệuThứ Năm, 15/12/2022 08:40:26 +07:00
(VTC News) -

Với các băng nhóm tội phạm dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, vấn đề lừa đảo ở châu Á đã trở thành một đại dịch thậm chí còn có sức tàn phá lớn hơn COVID-19.

Câu chuyện của Kai

Chăm chú vào màn hình là ba kẻ lừa đảo ngồi trong một căn phòng ở Poipet, Campuchia. Họ vừa lừa một người chuyển 235.000 baht (hơn 6.500 USD) cho họ - số tiền dành dụm cả đời của người đàn ông này. Cầm đầu vụ lừa đảo là Kai, một thiếu niên Thái Lan. Bên cạnh hắn là quản lý người Trung Quốc, và giữa họ là một phiên dịch viên tiếng Thái.

Kai đang nói chuyện với “khách hàng” Thái Lan - tên chúng hay gọi những nạn nhân bị lừa tiền. Người đàn ông khóc lóc, van xin họ trả lại khoản tiền đặt cọc cho vay. Ông dự định vay một khoản tiền lớn từ Kai để chạy chữa thuốc thang cho mẹ già ốm yếu của mình. Nhưng giờ đây ông đã mất trắng vào tay nhóm lừa đảo.

Tuyệt vọng, nạn nhân bật camera và cầu xin. Quản lý ra lệnh Kai chế giễu người đàn ông vì đã quá cả tin. Đột nhiên, người đàn ông rút ra một khẩu súng lục và tự sát. Một màu đỏ chết chóc bắn lên ống kính. Quá choáng váng vì những gì vừa xảy ra, Kai không kìm được nôn ra sàn. Giờ đây anh không muốn gì hơn là trốn thoát khỏi "chỗ làm".

'Đại dịch' lừa đảo và buôn người ở biên giới Thái Lan - 1

10 công dân Trung Quốc bị bắt vì điều hành đường dây lừa đảo qua điện thoại và đánh bạc trực tuyến tại Bangkok. (Ảnh: Bangkok Time)

"Tôi muốn về quê, tôi không muốn làm những việc như vậy nữa." Kai kể lại. Nhưng Kai không thể trốn thoát dễ dàng, tuy toà nhà anh đang làm việc chỉ cách biên giới Thái Lan vài trăm mét. Vào tháng 6/2021, Kai đã vượt biên trái phép vào Campuchia, nghe theo quảng cáo việc làm tại một sòng bạc trái phép trên mạng. 

Trước khi kịp nhận ra, Kai đã bị mắc kẹt trong một thế giới ngầm của nô lệ mạng. Bị giam giữ như một tù nhân và bị bán từ "ông chủ" này qua "ông chủ" khác, Kai buộc phải đi lừa đảo từ sáng sớm tới tối muộn qua điện thoại thông minh có gắn SIM Thái Lan và máy tính để bàn trong các trung tâm lừa đảo. Anh lừa họ lấy tiền bằng cách mạo danh nhân viên cho vay, cảnh sát, thậm chí cả người thân của họ.

Trong khi đó, những nạn nhân của họ trải dài khắp tầng lớp. Một bác sĩ ở Bangkok mất 115 triệu baht khi vô tình nhấp vào một địa chỉ internet lừa đảo và để lộ thông tin cá nhân. Một người phụ tá đã về hưu bị lừa nộp 150.000 baht vào tài khoản lạ bởi một người giả danh quốc tịch Mỹ tại Singapore. 

"Tôi không hề muốn lừa ai hết. Chính tôi cũng bị lừa bán cho người Trung Quốc". Kai vô tình trở thành một "công nhân" trong ngành công nghiệp khổng lồ - một đại dịch lừa đảo đang càn quét Đông Nam Á.

"Đại dịch" lừa đảo và buôn người

Hấp dẫn bởi giấc mơ kiếm tiền dễ dàng, tìm lối thoát cho hoàn cảnh trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều người quyết định vượt biên trái phép để đi theo những quảng cáo, thông tin việc làm sai sự thật. Công dân từ nhiều quốc gia châu Á như Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia,... v.v bị buôn bán vào các khu vực biên giới và ép lừa đảo những đồng bào trong nước. Họ bị giam lỏng như một tù nhân tại vùng biên giới Thái Lan với Lào, Myanmmar và Campuchia - nơi lực lượng chính quyền kiểm soát chưa chặt chẽ. Bị mua đi bán lại, họ là công nhân bất đắc dĩ cho nhiều “xưởng” lừa đảo điều hành chủ yếu bởi các băng nhóm từ Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong. Một “đại dịch lừa đảo” đã bùng lên từ tình trạng thất nghiệp gia tăng, sự cô lập do phong tỏa của đại dịch và môi trường hoạt động internet phổ biến hơn. 

Những người bị giam lỏng tại đây không thể tìm sự giúp đỡ, bị ép làm việc nhiều giờ để lừa đảo chính đồng bào quê hương của mình trong chuỗi “cá lớn nuốt cá bé" khổng lồ. Những người phản kháng bị dọa bán vào nhà chứa, ổ mại dâm, ép quay nội dung khiêu dâm online hoặc làm việc trên tàu đánh cá. 

'Đại dịch' lừa đảo và buôn người ở biên giới Thái Lan - 2

Toà nhà được cho là trụ sở của tổ chức lừa đảo qua gọi thoại, tin nhắn tại Sihanoukville, Campuchia. (Ảnh: Diplomat)

Lừa đảo đang trở thành một vấn nạn toàn châu Á, đường dây tội phạm nhắm đến rất nhiều loại người. Có nhiều trường hợp, nạn nhân bị lừa mất trắng số tiền hàng trăm nghìn baht Thái - là số tiền họ tích cóp cả đời và bị đẩy vào đường cùng. 

Tại Singapore, người dân đã mất hơn 630 triệu SGD (458 triệu USD) vì các vụ lừa đảo vào năm 2021, gấp 2,5 lần so với năm 2020, theo số liệu từ phía cảnh sát. Họ cho biết ít nhất 90% các vụ lừa đảo ở Singapore bắt nguồn từ nước ngoài và mô tả những kẻ lừa đảo là “có tổ chức, có nguồn lực tốt và công nghệ tinh vi”. Vào tháng 5, Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan ước tính rằng các cuộc gọi lừa đảo đã tăng 270% và các tin nhắn SMS lừa đảo tăng hơn 50% vào năm 2021. Gần 50.000 đơn khiếu nại chính thức được ghi nhận, gấp đôi năm 2020.

Nhiều người được hứa hẹn một khoản lương hậu hĩnh, nhưng khi biết mình đã bị “lừa vào tròng" và muốn về nước, thì những “ông chủ" bắt họ phải trả lại số tiền đã bỏ ra để đưa họ vượt biên. Hơn nữa, các băng đảng này có thể hoạt động công khai trong khu vực chúng kiểm soát. Chúng thậm chí không lấy điện thoại của nạn nhân vì tự tin rằng mình là “bất khả xâm phạm” và không ai có thể cứu được nạn nhân. Các nạn nhân sau khi trở về có thể bị truy tố vì vượt biên trái phép cùng nhiều tội danh khác.

Lừa đảo từ lâu đã là một vấn đề ở châu Á và các nơi khác, nhưng dịch COVID-19 kéo dài khiến hiện tượng này trở thành một “đại dịch lừa đảo". 

Thiếu tướng cảnh sát Titawat Suriyachai, chỉ huy Phòng điều tra tội phạm mạng số 4 của Thái Lan cho biết lực lượng cảnh sát không thể theo kịp sự hoành hành của đường dây lừa đảo, đặc biệt khi thời điểm cách ly khiến mọi người có nhiều thời gian hoạt động trực tuyến nhiều hơn. Nạn thất nghiệp đẩy nhiều người vào cảnh tuyệt vọng, tin theo quảng cáo việc làm ở nước ngoài khiến họ sa lưới các băng đảng lừa đảo.

Với việc ngừng hoạt động du lịch nước ngoài, nhiều sòng bạc không còn có thể hoạt động hợp pháp dựa trên lượng khách du lịch nước ngoài ổn định. Thay vào đó, các sòng bài chuyển sang hình thức trực tuyến trái phép. Nhiều sòng bạc hoạt động ở các khu vực được kiểm soát lỏng lẻo ngay tại biên giới Thái Lan ở Myanmar và Campuchia hiện là mặt tiền cho các trung tâm lừa đảo.

Phía cảnh sát Thái Lan cho biết quy định quản lý SIM lỏng lẻo, cùng với sự tinh vi của các băng nhóm đã khiến hoạt động tội phạm lừa đảo qua cuộc gọi và tin nhắn ngày càng nghiêm trọng.

Đại diện của UNODC cho biết sự chồng chéo giữa game trực tuyến, lừa đảo, gian lận, buôn người và nội dung khiêu dâm trực tuyến ngày càng rõ ràng. Khác với các hàng cấm khác, giao dịch loại này chỉ cần hoạt động dựa trên internet và thanh toán online khiến cho phạm vi hoạt động của chúng “rất đáng báo động".

Tổ chức tội phạm còn sử dụng hình ảnh cảnh sát hoặc cựu cảnh sát đã nghỉ hưu để giả dạng, lừa nhiều người nhẹ dạ cả tin. Có trường hợp sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để giả lập các đoạn video sĩ quan mặc quân phục nói chuyện, tăng tính thuyết phục cho các "phi vụ". 

Đặc khu kinh tế - trung tâm tội phạm 

Jeremy Douglas, đại diện khu vực của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết nạn lừa đảo ngày càng tập trung vào các đặc khu kinh tế của Đông Nam Á, vốn được tạo ra để thu hút đầu tư hợp pháp từ nước ngoài. Giờ đây, nhiều sòng bạc và nghiêm trọng hơn là trung tâm tội phạm xuất hiện trong lòng các đặc khu này. 

'Đại dịch' lừa đảo và buôn người ở biên giới Thái Lan - 3

Sòng bạc Kings Roman tại khu vực Tam giác vàng. (Ảnh: Transborder news)

Với việc Trung Quốc tổ chức trấn áp hoạt động cờ bạc, dòng tiền bất hợp pháp đã chuyển từ Macao và Đài Loan sang Đông Nam Á. Dòng chảy đó ban đầu được đưa vào Campuchia, đặc biệt là Sihanoukville và các đặc khu khác. Trong năm 2019, tình hình ở Campuchia đã trở nên tồi tệ đến mức chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy quốc gia này cấm cờ bạc trực tuyến, tuy nhiên vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể.

Thiếu tướng Siriwish Chantechasitkul - người đứng đầu phòng tội phạm buôn người tại Cục Điều tra Đặc biệt thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan - cho biết tính đến tháng 8, hơn 1.000 người Thái được xác nhận là bị buôn bán và giam giữ ở Campuchia. Thiếu tướng thừa nhận con số này trên thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. 

Tướng Surachate Hakparn, người chịu trách nhiệm chung về cuộc chiến chống nạn buôn người tại Thái Lan, đã đưa ra số liệu hơn 3.000 người Thái bị mắc kẹt ở Campuchia nhưng nỗ lực tìm kiếm và giải thoát họ đôi khi bị cản trở, có thể do chính quan chức địa phương bắt tay với tội phạm. Surachate cho biết ông và một nhóm cảnh sát đã dành 8 ngày để cố gắng giải cứu một nhóm người bị giam giữ trong một tòa nhà ở Sihanoukville nhưng trở về trắng tay do đàm phán không thành công với chính quyền Campuchia. Cuối cùng nhóm người cũng được giải cứu khi ông đe doạ sẽ công khai chuyện này với báo giới. 

Tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở Myanmar và Lào, nơi có nhiều khu vực nằm ngoài tầm với của những cơ quan thực thi pháp luật.

Vào tháng 8, cảnh sát Thái Lan theo lệnh truy nã quốc tế đã bắt giữ She Zhijiang vì liên quan tới tổ chức cờ bạc bất hợp pháp. Hắn là một doanh nhân có ảnh hưởng tại đặc khu kinh tế Shwe Kokko, nằm ở phía Myanmar giáp biên giới Thái Lan.

Shwe Kokko tại Myanmar nằm trong khu vực do quân nổi dậy dân tộc Karen kiểm soát trước đây. Các thị trấn biên giới quan trọng của Tachileik và Myawaddy vẫn còn dưới sự kiểm soát của chính quyền quân đội Myanmar. Tại đây hoạt động đánh bạc và lừa đảo tràn lan do được hậu thuẫn bởi mạng lưới viễn thông hiện đại. She Zhijiang, người vừa bị bắt vào tháng 8 năm nay, được cho là đã thiết lập mạng lưới đánh bạc ở Campuchia, Myanmar và Philippines. 

Shwe Kokko dường như là nơi tập kết của nạn buôn người, theo lời chính trị gia Malaysia Sim Chon Siang - người đã giúp đỡ, giải cứu hơn 50 nạn nhân quốc tịch Malaysia. Ông miêu tả Shwe Kokko “giống như một mê cung” với 20 dãy nhà, mỗi dãy nhà có 52 phòng, và có tới 8 người bị ép chen chúc trong một phòng.

Một đặc khu khác có tên Tam giác vàng tại Lào là thiên đường của ma túy, buôn người, hối lộ rửa tiền và buôn bán động vật hoang dã, theo thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ. Bộ này đã ra lệnh trừng phạt một công dân Trung Quốc tên Triệu Vỹ vì “đứng sau một loạt hoạt động bất hợp pháp" tại đây. Các hãng thông tấn địa phương xác định được ít nhất ba địa điểm gần đó là "cái nôi" của các băng đảng lừa đảo. 

Nằm bên kia sông Mekong, sòng bạc Kings Romans nổi bật trong Đặc khu Tam giác Vàng ở tỉnh Bokeo, Lào. Dòng khách nườm nượp đổ vào đây đánh bài mỗi đêm. Nhưng bên dưới vẻ hào nhoáng bên ngoài là một ổ tội phạm khét tiếng. Triệu Vỹ là người điều hành sòng bạc này. Theo thông tin Bộ Tài chính Mỹ, sòng bạc chỉ là mặt tiền của tổ chức tội phạm lớn phía sau. Vào năm 2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính lúc đó là Sigal Mandelker cho biết Triệu Vỹ điều hành một “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, trải dài từ Sòng bạc Kings Romans ở Lào đến khắp Đông Nam Á”.

Nỗ lực của chính quyền

Với “đại dịch lừa đảo” vẫn tiếp tục lan rộng, các chính quyền trong khu vực hiện đang tích cực hành động, trấn áp vấn nạn này. 

Tại một cuộc họp ASEANAPOL gần đây tại Kuala Lumpur với sự tham gia của các đại diện lực lượng cảnh sát, nước chủ nhà bày tỏ lo ngại về số lượng người Malaysia bị buôn bán, tiếp tay lừa đảo ở Campuchia và Myanmar. Đầu tháng 8, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã gặp Cảnh sát trưởng Quốc gia Campuchia Neth Savoeun để thu thập thông tin về những người Indonesia bị mắc kẹt trong các vụ lừa đảo. Cô cũng đã gặp 62 công dân của mình được giải cứu khỏi các khu nhà ở Sihanoukville. Trong những tháng gần đây, 11 người Ấn Độ, 44 người Pakistan và 24 công dân của một số quốc gia châu Phi - chủ yếu là Kenya - đã được giải cứu khỏi Lào.

Hiện tại vẫn không rõ có thêm bao nhiêu người nước ngoài bị mắc kẹt ở phía bên kia biên giới Thái Lan. Nhưng một điều đáng báo động là vấn đề lừa đảo ở châu Á giờ đây đã trở thành một đại dịch thậm chí còn có sức tàn phá lớn hơn COVID-19.

Hoàng Linh(Nguồn: Nikkei Asia)
Bình luận
vtcnews.vn