Đại biểu HĐND Đà Nẵng: Sau giải tỏa, nhiều hộ chỉ còn 1 lô đất, sống chen chúc

Tin nhanh 24hThứ Tư, 14/12/2022 11:47:00 +07:00
(VTC News) -

Đại biểu HĐND Đà Nẵng cho biết rất áy náy khi trước đây người dân có đất đai rộng, sau đền bù giải tỏa thì chỉ còn một lô đất, nhiều thế hệ sống chen chúc.

Ngày 14/12, tại phiên thảo luận chung Kỳ hợp thứ 10, Khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) HĐND TP Đà Nẵng, đại biểu Lê Phú Nguyện (Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng) nêu ý kiến cần quan tâm những hộ dân đã ủng hộ chủ trương giải tỏa đền bù để rồi về sinh sống trong những căn nhà chật hẹp.

Chuyển nguyện vọng của cử tri phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đến HĐND thành phố, ông Nguyện cho biết, nhiều hộ dân trước đây nhà, vườn rộng đến 2.000-3.000 m2, thậm chí là 5.000-7.000 m2 nhưng sau khi giải tỏa, họ chỉ đủ để xây nhà và nộp tiền tái định cư. Đến nay sau 5-10 năm, con cái họ lớn lên và thêm 5-7 đứa cháu trong một căn nhà nên vấn đề nhà ở rất gay gắt vì sống chật chội.

Cử tri các phường của quận Sơn Trà kiến nghị thành phố nên có chính sách ưu tiên đối với những hộ trước đây thành phố đã thu hồi nhiều phần đất nhưng hiện trạng nhà ở rất khó khăn.

Đại biểu HĐND Đà Nẵng: Sau giải tỏa, nhiều hộ chỉ còn 1 lô đất, sống chen chúc - 1

Tổ 89, phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng nằm trong vùng quy hoạch dự án từ năm 2001, nhiều lần chính quyền tổ chức kiểm định, áp giá đền bù nhưng người dân chưa thống nhất vì đất tái định cư chưa phù hợp.

Ông Lê Phú Nguyện cho biết, đặc điểm phát triển của thành phố hơn 15 năm qua nổi bật nhất là khai thác quỹ đất để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, chính từ đặc điểm phát triển đó cũng để lại tồn tại đặc thù.

"Cụ thể là không ít hộ dân vốn trước đây có đất ở, đất vườn rất rộng, sau khi thu hồi đất, người ta được bố trí 2-3 lô thì bán 1 lô để nộp tiền, bán 1 lô lấy tiền làm nhà nên chỉ còn 1 lô đất với 5-7 đứa con và mười mấy đứa cháu sống rất khó khăn”, ông Nguyện nói và cho biết vấn đề này diễn ra theo tiến trình mở rộng không gian đô thị, bắt đầu cánh phía Nam của Hải Châu, qua Sơn Trà, lên phía Tây Bắc Thanh Khê, mở rộng ra Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn.

Chúng ta phải quan tâm trở lại, ngoài số đông người dân được hưởng lợi từ chính sách này, làm giàu chính đáng thì cũng còn một bộ phận người dân gặp khó khăn từ chính sách này”, ông Nguyện nêu.

Đại biểu Lê Phú Nguyện cho rằng, Đà Nẵng đã có chính sách nghề và chuyển đổi nghề nhưng không phải tất cả nông dân của thành phố khi đô thị hóa thì trở thành cư dân đô thị ngay.

Trên đường đi làm chúng ta vẫn thấy những vườn rau bên đường phố, báo chí cũng đưa tin thỉnh thoảng có những đàn bò vào thành phố. Khi không còn đất, không còn vườn thì họ phải làm lao động phổ thông nên rất khó khăn để lo cho con cái, có được nhà ở. Người dân ủng hộ chủ trương thành phố để giải tỏa đền bù, để phát triển từ nguồn lực đất đai thì chúng ta phải quan tâm lại đối tượng này”, ông Nguyện chia sẻ.

Đại biểu Nguyện kiến nghị trong chương trình phát triển nhà ở điều chỉnh sắp tới, nhóm các hộ khó khăn về nhà ở cần được ưu tiên trong chính sách về nhà ở.

Tôi đề nghị bổ sung thêm đối tượng này vào vì họ đã có những ủng hộ, đóng góp lớn cho sự phát triển thành phố, hỗ trợ cho họ đảm bảo chỗ ở. Rất mong lãnh đạo thành phố quan tâm đến ý kiến này của cử tri Sơn Trà”, ông Nguyện nhấn mạnh.

CHÂU THƯ
Bình luận
vtcnews.vn