Cựu đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch: Bộ Tư pháp lên tiếng

Đời sốngThứ Sáu, 27/11/2020 17:18:00 +07:00
(VTC News) -

Đại diện Bộ Tư pháp trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc cựu đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch.

Chiều 27/11, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề quản lý về quốc tịch đối với cán bộ sau vụ việc cựu đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch gây xôn xao dư luận vừa qua, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, việc đảm bảo nguyên tắc một quốc tịch là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Bản thân người cán bộ, đảng viên phải chân thực, minh bạch. Ông Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch đó là trách nhiệm của ông ấy, cán bộ phải có thông tin với cơ quan quản lý mình”, ông Hải nói.

Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực khẳng định, đối với luật, nguyên tắc của Việt Nam là nguyên tắc một quốc tịch. Nhà nước Việt Nam chỉ công nhận công dân có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, không có quốc tịch thứ 2.

Còn ai đó có quốc tịch thứ 2 là việc của người ta. Anh vào nhà người khác mà họ cho anh đó là việc của anh”, ông Hải nói.

Cựu đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch: Bộ Tư pháp lên tiếng - 1

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) trả lời tại họp báo.

Trước đó, tháng 8/2020, Hãng tin Al Jazeera (Qatar) tung loạt bài viết cho biết chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD có thể sở hữu hộ chiếu nước này. Ông Phạm Phú Quốc và vợ nằm trong danh sách những người nước ngoài sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp.

Sau đó, ông Phạm Phú Quốc thừa nhận có quốc tịch Síp từ giữa năm 2018, tuy nhiên quốc tịch này là “do gia đình ông bảo lãnh”.

Chiều 3/11, tại kỳ họp Quốc hội thứ 10, sau phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khoá XIV đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. 

Kết quả kiểm phiếu cho thấy, Quốc hội đã thống nhất bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc với 467 phiếu đồng ý (chiếm 96,8% tổng số đại biểu Quốc hội).

Dự thảo Nghị quyết bãi nhiệm cũng đã được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày và các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua với 429 đại biểu tán thành (chiếm 89% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nghị quyết nêu rõ, ông Phạm Phú Quốc không trung thực trong việc báo cáo với tổ chức, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sự việc ông Phạm Phú Quốc xin nhập quốc tịch Cộng hòa Síp và đã có quốc tịch Cộng hoà Síp nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội.

Sai phạm của ông Phạm Phú Quốc là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong công luận và nhân dân, khiến uy tín của ông Phạm Phú Quốc bị giảm sút. Cử tri, nhân dân, thông qua Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ sự không tín nhiệm và đề nghị Quốc hội bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc.

Sự việc ông Phạm Phú Quốc xin nhập quốc tịch Cộng hòa Síp và đã có quốc tịch Cộng hòa Síp nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội. 

Xuân Trường - Ngọc Trang
Bình luận
vtcnews.vn