Cuộc đời thăng trầm của 'vua sách' phố Đinh Lễ

Đời sốngThứ Ba, 16/02/2021 18:11:00 +07:00
(VTC News) -

Từ một cậu bé mồ côi ở Đốc Tín, ông Luy vượt qua nghịch cảnh trở thành cán bộ công an và rồi là người đầu tiên ở Đinh Lễ mở cửa hàng sách tư nhân.

Nằm im lìm bên trong con hẻm như muốn tách biệt với sự náo nhiệt của phố thị, tiệm sách Mão ẩn mình một cách dung dị trên tầng hai của căn nhà nhỏ.

Tại không gian tri thức đầy hoài niệm đó, một cụ ông 86 tuổi vẫn đang hàng ngày cần mẫn chăm lo cho cửa hàng sách của mình. Cụ ông đó chính là Lê Luy, chủ nhân của nhà sách Mão – nhà sách đầu tiên tại phố Đinh Lễ, Hà Nội.

Cuộc đời thăng trầm của 'vua sách' phố Đinh Lễ - 1

Con phố Đinh Lễ quen thuộc.

Tuổi thơ cơ cực 

Những giọt lệ đã lăn trên khóe mắt nhuốm màu thời gian, ông Luy rưng rưng khi nhớ về những năm tháng tuổi thơ đầy khó nhọc. Những nỗi buồn cứ lặng lẽ bước vào cuộc đời ông. Cha của ông mất sớm, đến năm ông 7 tuổi thì mẹ ông cũng không may qua đời do đại bác bắn vào làng.  

7 tuổi, cái tuổi mà những đứa trẻ khác vẫn còn đang nũng nịu bố mẹ để được mua những món đồ hàng, được bố mẹ kèm cặp tận tình để chỉ cho từng bài toán cộng trừ nhân chia,... Tất cả đều như là một giấc mơ quá đỗi xa vời với ông Luy.

79 năm đã trôi qua nhưng những nỗi buồn như vẫn còn hằn lại mãi trong ký ức của ông “vua sách” phố Đinh Lễ. 7 tuổi ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải vào trong chùa để nương tựa. Lớn lên một chút, ông phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh và quan trọng nhất là để duy trì ước mơ lớn nhất đời ông lúc ấy: đi học.

Mò cua bắt ốc, chăn trâu, mổ lợn,... không có công việc nào là ông không từng làm để kiếm sống. Lúc đó ông mới 12 tuổi. “Trời có mắt đấy cháu ạ!”, ông Luy xúc động chia sẻ. 

Từ một cậu bé mồ côi, ông đỗ vào trường Nguyễn Công Trứ rồi tốt nghiệp phổ thông. Ông kể lại, hồi đi học tại trường Nguyễn Công Trứ, ở trên bảng danh dự chỉ có chỗ cho ba người và trong đó thì luôn có tên của ông.

Đối với ông, “nhân bất học bất chi lý”, ông đề cao sự học và theo ông, trên đời có 3 cách học: học qua sách vở, học qua trường lớp, học quả thực tiễn. Với tâm niệm cả đời hướng về tri thức, ông quyết tâm thi vào trường sư phạm để trở thành một giáo viên.

Trong thời điểm đó, để nuôi dưỡng đam mê và lẽ sống của mình, đã có lúc ông phải làm những công việc rất nặng nhọc tại các công trường xây dựng.  

Cuộc đời thăng trầm của 'vua sách' phố Đinh Lễ - 2

Ông Luy say sưa chia sẻ những câu chuyện đằng sau nhà sách.

Sau khi tốt nghiệp sư phạm, hành trình tiếp nối tri thức của ông được viết tiếp bởi những chuyến đi đến vùng Tây Bắc của Tổ quốc.

Tại đây, ông đã thỏa nguyện giấc mơ giáo viên của mình bằng việc trở thành một thầy giáo của trường Trung cấp Chăn nuôi thú y Mộc Châu, Tây Bắc. Vào năm 1966, ông được triệu tập về Hà Nội học đại học, sau đó được Bộ Công an chuyển sang làm công tác giáo dưỡng.

Vùng đất Tây Bắc lại tiếp tục trở thành đích đến của ông, vào năm 1970, ông là giáo viên trường phổ thông Công nông nghiệp Lào Cai – Bộ Công an.

5 năm sau, nhờ tài năng và sự nỗ lực của bản thân, ông được điều về giảng dạy các cán bộ công an chủ chốt tại thành phố Hà Nội. Ông đã được Nhà nước phong tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba qua việc đóng góp công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hành trình của ông là một câu chuyện đầy cảm hứng được viết nên bởi một nghị lực phi thường. Từ một cậu bé mồ côi ở Đốc Tín, ông đã vượt qua nghịch cảnh để trở thành một cán bộ công an xuất sắc.

Ông chia sẻ, cuộc đời của mình có nhiều điểm tương đồng với Nhà giáo nhân dân Nguyễn Khánh Trạch trong cuốn sách “Thiên thần và ác quỷ” bởi "cả hai đều là từ bùn lầy mà đi lên!”.

“Mình là người phức tạp trong tình yêu”

Bất cứ ông vua nào cũng có hoàng hậu của riêng mình, ông Lê Luy cũng không phải trường hợp ngoại lệ và “vị hoàng hậu” của đời ông chính là bà Mão.

Ông hay nói đùa rằng mình bị “mất tên”, người ta toàn gọi ông theo tên vợ là ông Mão chứ ít khi gọi theo tên thật của ông. Kể cả việc đặt tên nhà sách, ông cũng đặt theo tên của vợ.

Ông chia sẻ rằng các cửa hàng sách thời đó hay đặt tên theo tên của cả hai vợ chồng nhưng riêng tiệm sách của ông thì khác. Ông muốn đặt theo tên của vợ với lí do một phần là vì không thích sự nổi tiếng, một phần là vì ông quá yêu người vợ của mình.

Điều làm nên sự ý nghĩa cho cả một chặng đường không phải là đích đến mà là hành trình. Và trước khi đeo chiếc nhẫn vào ngón tay người vợ yêu dấu của mình, ông Lê Luy cũng đã có một “chuyến phiêu lưu” cùng tình yêu với đủ các cảm xúc hỉ - nộ - ái - ố.

Cuộc đời thăng trầm của 'vua sách' phố Đinh Lễ - 3

Tiệm sách nhỏ nhưng ấm áp tình thân.

Ông tự nhận mình là người phức tạp trong tình yêu và có lẽ chính vì nét phức tạp đó mà ông đặc biệt thích thơ của Xuân Diệu, nhất là bài thơ “Vì sao”. Thời sinh viên, ông Luy từng có một mối tình rất đẹp với một cô bạn học. Đây chính là nguồn cảm hứng để ông sáng tác bài thơ “Sinh viên với chiếc mũ rơm”.

Chuyện tình sinh viên trong trẻo đang chớm nở thì biến cố xảy ra. Sau khi ông về báo cáo với tổ chức để hai người tiến tới hôn nhau thì biết được tin chú của cô gái là tử tù.

“Vậy thôi, tôi đành chịu thôi...”, câu nói như một tiếng thở dài bất lực của ông Luy trước tình cảnh trái ngang khi ấy. Bài thơ “Sinh viên với chiếc mũ rơm” là một miền ký ức đẹp đẽ thời sinh viên của ông và được viết theo dạng thơ tả thực.

Mặc dù trong thực tế, cuộc tình đó có một cái kết buồn nhưng ông không đưa vào trong bài thơ của mình chi tiết đó vì ông chỉ muốn giữ lại những gì đẹp nhất thời sinh viên trong những áng thơ của mình.

Mối tình cũ dở dang khép lại để mở ra câu chuyện tình thứ hai. Tưởng rằng hạnh phúc lần này sẽ mỉm cười với ông nhưng không. Con đường tình duyên của ông thật lận đận khi cô gái năm ấy ông quen có một người chú “đi nhầm giày” (làm lính cho thực dân Pháp). Chuyện tình của ông gặp lắm sóng gió và “biển xanh” chỉ thực sự lắng lại khi ông gặp bà Mão – định mệnh của cuộc đời ông.

Điều đầu tiên mà ông ấn tượng ở bà Mão chính là sự tài giỏi. Hồi còn đi học, bà Mão thường xuyên thuộc nhóm học sinh tiêu biểu được gặp gỡ Bác Hồ. Về sau, bà tốt nghiệp thủ khoa về Vật lý của trường Đại học Tổng hợp và đi làm cho Tổng Công ty Phát hành sách Trung ương.

Mặc dù cuộc sống thời đó còn nhiều khó khăn nhưng tiếng gọi của tình yêu lại được vang lên một cách thuận lợi khi hai con tim cùng chung một nhịp đập. Ông vẫn còn nhớ như in một kỷ niệm sau ngày thống nhất đất nước, chính phủ cho bắn pháo hoa để ăn mừng chiến thắng. Ông cùng với nhóm bạn trong đó có bà Mão ra ngoài phố chơi.

Tuy nhiên chỉ một lúc sau, ông và bà Mão tách ra khỏi đoàn, cùng nhau đi dạo trên con đường Thanh Niên để ngắm nhìn những tràng pháo hoa tuyệt đẹp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất. Từ đó, câu chuyện tình yêu của ông được mở ra một chương mới có tên là hạnh phúc.

Cửa hàng sách đầu tiên phố Đinh Lễ

Nghỉ hưu vào năm 1990, đúng lúc gia đình ông đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn, ông Lưu đã phải bươn trải bằng đủ thứ nghề để kiếm tiền lo cho gia đình nhỏ của mình.

Một người từng là giáo viên của bao cán bộ công an sẵn sàng rũ bỏ mọi ánh nhìn phán xét từ thiên hạ để đi làm công việc rao bánh mỳ. Nhiều người sẽ cảm thấy ái ngại nhưng với ông thì khác, ông quan niệm lao động là vinh quang và đồng tiền lương thiện được kiếm ra từ sự nỗ lực của bản thân thì luôn luôn đáng quý.

Cuộc đời thăng trầm của 'vua sách' phố Đinh Lễ - 4

Hình ảnh nhìn từ phía ngoài của nhà sách Mão.

Khoảng thời gian ngắn sau đó, bà Mão cũng về hưu. Lúc này, với kinh nghiệm từng làm tại Tổng công ty Phát hành sách Trung ương, hai ông bà đã quyết định cùng nhau quay sang kinh doanh sách.

Khoảng thời gian đầu thực sự là một thử thách khó nhằn cho cả ông Luy và bà Mão khi thứ gần như quan trọng nhất trong kinh doanh là vốn thì cả hai lại không có.

Sau khi chạy vạy vay mượn khắp nơi, cuối cùng hai vợ chồng ông cũng có được một chiếc xe và một thùng sách với 20 đầu sách khác nhau. Từ tháp Hòa Phong cho đến trụ sở bưu điện Hà Nội, tất cả đều là những nơi mà hai ông bà đã từng ngồi bán sách.

Hình ảnh cặp đôi ngồi cạnh thùng sách được bày trên vỉa hè Bờ Hồ đã trở thành dấu ấn khó quên trong tâm trí những người dân sống ở quận Hoàn Kiếm những năm 90.

Từ chỗ 3 năm phải ở nhờ nhà họ hàng, việc kinh doanh sách đã giúp ông có thể mua được một căn nhà nhỏ trên tầng 2 số 5 Đinh Lễ. Vào năm 1994, ông Luy chính thức trở thành người đầu tiên ở Đinh Lễ mở cửa hàng sách tư nhân và tên gọi “Nhà sách Mão” cũng được bắt nguồn từ đây.

Cuộc đời thăng trầm của 'vua sách' phố Đinh Lễ - 5

Một không gian tri thức đầy hoài niệm.

30 năm bán sách, vợ chồng ông bà xuất bản độc quyền hơn 400 đầu sách của các tác giả trong và ngoài nước. Nhiều đầu sách ông bà nhận in ấn chỉ vì những cuốn sách đó giàu giá trị tri thức.

Chính vì làm nghề bằng cả cái tâm nên nhà sách nhận được sự yêu quý từ rất nhiều thế hệ độc giả. Ông Luy kể có những gia đình 3 thế hệ mua sách nhà ông và bây giờ vẫn tiếp tục là khách quen tại cửa hàng.

Ông chia sẻ ngày xưa, lúc kinh tế còn khó khăn, nhiều cô cậu sinh viên không có tiền mua sách, ông cho đến đây đọc thoải mái, thậm chí còn tặng cho nhiều bạn sách hay để đọc. Đối với ông, kinh doanh chỉ là một phần, quan trọng là cái tâm với nghề mà cái tâm ấy bắt buộc phải xuất phát từ trái tim.

Cuộc đời thăng trầm của 'vua sách' phố Đinh Lễ - 6

Địa chỉ của nhà sách Mão trong suốt hơn 30 năm.

Năm 2017, bà Mão qua đời, tiệm sách đã mất đi bà chủ của nó. Không khí nơi đây như trầm lại vì đã mất đi những tiếng cười nói quen thuộc. Có nhiều khách hàng từ nước ngoài bay về Việt Nam để thắp nén nhang tưởng nhớ hình ảnh một người bà dung dị gắn chặt với tuổi thơ của họ.

Cách nhà sách mấy bước chân là căn nhà của ông Luy, một căn nhà nho nhỏ với rất nhiều sách và giấy khen. Thỉnh thoảng ông vẫn hay từ nhà mình qua hàng sách để chăm lo, kiếm đếm sách.

Bây giờ việc kinh doanh sách chẳng còn mang lại lãi như ngày xưa, có những tháng còn lỗ nặng nhưng ông vẫn quyết không từ bỏ sứ mệnh gìn giữ và lan tỏa trí tuệ.

Căn bệnh Parkinson khiến cho ông Luy gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày nhưng ông vẫn quyết định sống một mình chứ không cần sự trợ giúp từ ai.

Tay của ông có thể run, chân của ông có thể đứng không vững nhưng những lời nói và suy nghĩ của ông vẫn toát lên sự minh mẫn, hóm hỉnh và đầy nhiệt huyết.

Hành trình của "vua sách" Đinh Lễ vẫn còn đang được viết tiếp, khách hàng vẫn còn yêu thương, ủng hộ cho nhà sách Mão và các giá trị về văn học sẽ tiếp tục được lan tỏa trong xã hội từ căn nhà nhỏ ở số 5 Đinh Lễ.

Sinh viên với chiếc mũ rơm

Cùng em bện chiếc mũ rơm

Em vuốt từng sợi tay vờn như hoa

Cùng nhau bện mũ lân la

Giao tiếp mặ mà tình lại thương thương

Mắt nhìn đau đáu vấn vương

Đội mũ đến trường xao xuyến lòng ai

Sao hôm như gọi sao mai

Gợi thương gợi nhớ hoa nhài tỏa hương

Lũy tre bao nỗi vấn vương

Đầm sen hương tỏa con đường em quen

Nhìn em như những bông sen

Ghi sâu ký ức êm đềm trong anh

Gió đưa phảng phất trong lành

Đầm sen tươi mát trong xanh hiền hòa

Xốn xang thúc giục hồn ta

Như diều gặp gió mặn mà thương ai

Bình minh trong buổi ban mai

Hẹn ước đã ước một hai em chờ

Chiều chiều như thực hay mơ

Giông bão thế này đâu có nề chi

Hồ Gươm sóng lượn thầm thì

Tình ai thắm đượm ta ghi tình nồng

Chiều chiều ra đứng ngóng trông

Tình ai thắm đượm mà không nỡ về.

Lê Luy 

Thanh Vũ
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp