Cuộc đời đẫm nước mắt của “nhà văn” bán vé số

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 07/02/2012 05:44:00 +07:00

(VTC News) - Những ngày ba mẹ con ôm nhau ngủ trên chiếc chõng che căng nilon mà chị ngẫm ngợi về cuộc đời nhiều hơn.

(VTC News) - Đọc tiểu thuyết “Tình yêu thầm lặng”, bạn đọc phần nào hiểu được cuộc đời của “nhà văn” bán vé số Nguyễn Thị Sáng, bởi nhân vật tên Sương chính là hóa thân của tác giả. Những éo le của nhân vật trong tiểu thuyết cũng là thân phận chung của cuộc đời những TNXP từng trải qua trận mạc khốc liệt, khói lửa và cả những quy tắc ngặt nghèo thời chiến về chuyện yêu đương. Còn nỗi đoạn trường của “nhà văn” bán vé số này chắc phải viết tiểu thuyết nhiều tập nữa mới nói hết được.


Chị Nguyễn Thị Sáng sinh ra ở miền quê nghèo, thuộc xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An. Chập chững biết đi thì bố vào chiến trường C biền biệt. Mẹ ốm yếu, bệnh tật quanh năm.

Sáng lớn lên trong những năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Khi đó, vùng Thanh Chương cũng là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt, vì nhiều cơ quan đầu não của tỉnh Nghệ An sơ tán về đây.

Năm 1966, trường học bị trúng bom Mỹ tan tành, học sinh phải sơ tán đi nơi khác. Lúc đó, mới học xong lớp 4, Sáng đành ở nhà phụ giúp mẹ công việc gia đình, đồng áng và nuôi em.

Thời gian đó, có mấy anh bộ đội ngoài Bắc đóng ở làng và thường ở nhà Sáng. Trong số đó, có chú Lâm, 22 tuổi, người Hà Nội, từng lao vào mưa bom, bão đạn, lấy thân mình che chắn, cứu bé Sáng khi đang trên đường đi học về gặp máy bay thả bom rải thảm.

Tiểu thuyết Tình yêu thầm lặng. 

Năm 1971, tròn 17 tuổi, Nguyễn Thị Sáng xung phong vào tuyến lửa Đường 7, phục vụ chiến trường C. Trong thời gian này, chị gặp lại anh Lâm khi anh bị thương và mối tình giữa hai người đã nảy nở. Rồi anh Lâm lại đi biền biệt.

Năm 1972, bị thương ở chiến trường Lào, sức khỏe yếu, chị được ưu tiên đi học nghề. Với trình độ lớp 4 thì biết học nghề ngỗng gì mà lựa với chọn. Sáng quyết định về Vinh xin học lớp sơ cấp Thương nghiệp rồi về Công ty Vật tư Chất đốt nhận quầy bán than.

Cũng trong thời gian này, chị gặp lại anh Lâm khi anh trên đường vào Nam chiến đấu. Những kỷ niệm về một đêm trăng thời chiến và mối tình đầu thức dậy. Sau câu tán tỉnh rất lãng mạn kiểu lính chiến: “Em có biết vì sao trăng ở đây đẹp hơn trăng Hà Nội không? Vì trăng ở đây có em!”, thì Sáng đã trao thân gửi phận cho anh.

Cái đêm trên chiếc cầu phao bỏ không cạnh làng chài, dưới sông Bến Thủy đó cũng là đêm cuối cùng họ gặp nhau. Anh Lâm đã vào chiến trường Buôn Ma Thuột rồi hy sinh ở đó vào tháng 3-1975. Bao nhiêu năm, chị một mình gặm nhấm nỗi đau câm lặng.

Chuyện Sáng quan hệ bất chính vỡ lở. Chị phải chịu kiểm điểm và bị chuyển từ công việc bán hàng sang bốc vác than. Khỏi phải nói, một cô gái yếu đuối, bị thương tật ngoài chiến trường làm việc bốc vác quần quật như một cửu vạn vất vả thế nào.

Năm 1983, chị lấy một người đàn ông thuộc hàng cầu bất cầu bơ. Việc nuôi gia đình nhọc nhằn quá, anh ta không thể gánh vác được nên đã bỏ theo gái mất tăm mất tích. Chị một mình nước mắt lưng tròng nuôi con.

Năm 1986, Công ty Vật tư Chất đốt vỡ nợ, một số lãnh đạo vào tù, Nguyễn Thị Sáng và các công nhân trôi dạt.

Ngày đó, ở khu vực phía Đông của nhà văn hóa Thiếu nhi có khu đất hoang rộng mênh mông, toàn hố bom nham nhở, không có bóng người. Ba mẹ con chị về đây dựng túp lều tre, cắt cỏ phơi khô lợp mái, rồi cuốc đất trồng rau, hàng ngày gánh vào Vinh bán. Để kiếm tiền nuôi con, chị phải làm đủ thứ nghề mạt hạng, vất vả nhất.

Hàng ngày, chị dậy từ 5 giờ sáng quét chợ kiếm 2.000 đồng. Ai thuê lấy hàng, giao hàng, bốc vác hàng hóa ở khu chợ, gánh nước thuê, giặt quần áo thuê... chị đều làm, miễn là kiếm được tiền. Đến chiều, khi xong những công việc gồng thuê gánh mướn ở chợ, chị lại đi thồ than tổ ong đến từng gia đình rao bán.

"Nhà văn" bán vé số Nguyễn Thị Sáng đang sáng tác. 

Do làm việc quá vất vả, mệt nhọc, ăn uống lại không ra sao, nên chị mắc đủ thứ bệnh. Có lần, đang gánh nước, vừa mệt vừa đói, chị lăn ra đường bất tỉnh. Khi người ta khiêng đến gần bệnh viện, chị tỉnh dậy, liền khăng khăng đòi về, chứ nhất định không chịu vào bệnh viện, vì không có tiền đóng viện phí.

Vết thương chiến tranh, rồi căn bệnh thoái hóa cột sống đã quật ngã chị. Thân thể khỏe, mạnh đầy sức sống của cô TNXP ngày nào, giờ teo tóp, quắt queo như một bà già, đi lại khó nhọc, khấp kha khấp khểnh.

Cũng từ ngày mắc bệnh thoái hóa cột sống, chị không còn sức bốc vác, đẩy xe thồ than nữa nên mở quán bán rượu ốc ban đêm. Quán thưa khách, chả kiếm được bao nhiêu, nên chị Sáng đã làm thêm nghề chân gỗ ghi số đề thuê cho một ông chủ. Được bữa trước, bữa sau đã bị công an bắt tạm giam.

Xét hoàn cảnh phạm tội lần đầu, một mình nuôi hai con, cha đẻ lại đang ốm nặng không có ai chăm sóc nên các đồng chí công an đã thả cho về. Tuy nhiên, đúng ngày được trả tự do thì chị nghe tin cha mất. Khi về đến Thanh Chương, mọi việc mai táng cho cha làng xóm đã làm xong.

Chưa trọn một ngày ngồi khóc bên mộ cha, chị lại phải tức tốc về Vinh tìm hai đứa con nhỏ, một đứa lên 10 và một đứa lên 3. Suốt mấy ngày tìm kiếm mới thấy chúng nằm cong queo ở một xó chợ, vừa đói, vừa rét. Không có người thân nào ở Vinh, nên khi mẹ bị bắt, chúng chị còn biết dắt díu nhau đi xin mày.

Chị Sáng và diễn viên Lan Hương. Diễn viên Lan Hương là hóa thân của chị Sáng trong bộ phim "Thầm lặng", chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết "Tình yêu thầm lặng".

Nỗi đau mất cha chưa nguôi, thì nỗi đau mất nhà ập tới. Đúng thời gian đó, thành phố có chủ trương giải tỏa đất lấn chiếm. Những người có trách nhiệm đã vận động nhiều lần nhưng mẹ con Sáng biết đi đâu về đâu... nên vẫn phải bám trụ. Thuyết phục không được, họ buộc dây vào cột nhà kéo rầm một cái đổ chỏng chơ, rồi bốc lên xe đổ tất ra bãi rác.

Trên nền đất mà trước kia là cái hố bom hốc hoác, chỉ còn lại duy nhất chiếc chõng che méo mó, ọp ẹp. Mẹ con chị phải khiêng chiếc chõng vào góc tường, mua tấm nilon căng lên để che nắng, trú mưa.

Suốt mấy năm trời, cứ tích cóp được đồng nào, dựng tạm căn lều lại bị họ kéo đổ. Chị cũng không hiểu vì sao rất nhiều nhà cũng lấn chiếm, cũng xây dựng như chị mà không hề hấn gì, còn mẹ con chị vừa nghèo túng, vừa tội nghiệp họ lại cứ nhè ra mà xử lý. Hơn nữa, mảnh đất chị lấn chiếm cách lúc bị giải tỏa đã 20 năm, theo luật đất đai thì đã là của chị rồi.

Nhưng từ ngày cuốn tiểu thuyết của chị ra đời, chị nổi tiếng, có được nhuận bút, dựng được túp lều, thì không thấy ai đến dọa giật đổ nhà nữa. Chị bảo, hình như các nhà chức trách cũng đọc sách, hiểu chị, thông cảm với chị nên không nỡ làm mẹ con chị khổ. Hóa ra, tiểu thuyết là cứu cánh cho cả nhà chị.

Chính từ những ngày ba mẹ con ôm nhau ngủ trên chiếc chõng che căng nilon mà chị ngẫm ngợi về cuộc đời nhiều hơn. Những đêm buồn, khó ngủ chị đọc mấy cuốn sách nhàu nhĩ ố vàng mà bà hàng xóm cho mượn. Lúc đó chị mới phát hiện ra mình là người ít chữ nhưng mê đọc sách. Chị đã đọc một mạch hết 10 cuốn sách, trong đó có cuốn Nhãn đầu mùa, X30 phá lưới, Hòn đất, Đội du kích thiếu niên Đình Bảng...

Cũng vì đọc những cuốn sách này mà chị nảy ra ý nghĩ: Sao không viết lại những gian lao khổ ải trong cuộc đời mình để sau này hai con đọc lại sẽ hiểu và thông cảm với cuộc đời đau thương của mẹ?

Có đêm màn trời chiếu đất nhìn trăng sao, nhớ lại câu nói lãng mạn của người yêu năm xưa: "Em có biết vì sao trăng ở đây đẹp hơn trăng ở Hà Nội không?", cảm hứng đột nhiên nảy sinh, câu chữ như tuôn trào trong đầu chị. Nhưng khốn nỗi, tiền mua rau cháo còn không có thì lấy đâu ra tiền mua giấy bút?

May quá, có chị Nguyễn Thị Châu, người gốc Vinh, sống ở Hà Nội về thăm "xóm liều", nghe chị Sáng kể việc muốn viết nhật ký cuộc đời mà đến giấy bút cũng không có, liền ra chợ mua tặng tập giấy cùng mấy chiếc bút.

Những ngày đầu, việc viết lách thực sự khó khăn. Những cảm xúc nảy sinh dồn dập, nhưng chị không biết thể hiện bằng câu chữ thế nào. Phải sau mấy ngày vật lộn, chị mới quen dần và những dòng nhật ký đầu tiên đã ra đời.

Suốt 4 tháng trời, cứ ngày đi quét chợ, gánh nước, giặt quần áo thuê, đêm bán ốc luộc, đến khuya chong đèn ngồi viết. Chị viết mê mải đến nỗi chị có cảm giác như chỉ có những dòng chữ nghều ngoào kia mới cứu vớt được cuộc đời chị. Những nhọc nhằn, đớn đau dường như chảy ra trang giấy, và lòng chị thấy thanh thản hơn. Cuối cùng, tập bản thảo nhật ký viết tay 300 trang cũng xong với nhan đề "Cuộc đời của mẹ".

Còn tiếp…

Trần Bình Thủy

Bình luận
vtcnews.vn