Cục Báo chí: 39% đơn vị báo chí phải tự chủ hoàn toàn là mâu thuẫn lớn

Tin nóngThứ Sáu, 24/11/2023 17:37:00 +07:00
(VTC News) -

Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng 39% đơn vị phải tự chủ hoàn toàn, không chút hỗ trợ ngân sách là mâu thuẫn lớn, cơ quan chức năng đang xem xét lại việc này.

Nội dung này được bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí - nhấn mạnh tại Hội nghị tập huấn phổ biến nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023, diễn ra chiều 24/11.

Khái quát bức tranh toàn cảnh của báo chí Việt Nam, bà Đặng Thị Phương Thảo cho biết, hiện nay có hơn 800 cơ quan báo, tạp chí.

Trong đó có 6 cơ quan báo chí chủ lực (VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân), 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 318 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật).

Bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông).

Bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông).

"Về cơ bản quy hoạch báo chí đã thực hiện cơ bản xong. Còn một số địa phương, cơ quan lớn như Hà Nội, TP.HCM, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh..., Cục Báo chí đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục rà soát, hướng tới xây dựng tập đoàn báo chí đến năm 2025", bà Thảo thông tin.

Về kinh tế báo chí, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho hay, trong khối báo chí có 39% đơn vị tự chủ hoàn toàn, 25% đơn vị ngân sách Nhà nước đảm bảo và 36% đơn vị tự chủ một phần.

"39% đơn vị phải tự chủ hoàn toàn, không chút hỗ trợ nào về ngân sách, các đơn vị tự sản xuất nội dung, tự kinh doanh kinh tế báo chí để lấy kinh phí nuôi bộ máy nhân sự của mình là mâu thuẫn lớn", bà Thảo nói.

Theo bà Thảo, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông rất trăn trở về vấn đề báo chí là công cụ của Đảng và Nhà nước, sản xuất tin bài theo định hướng của Đảng và Nhà nước nhưng không có sự hỗ trợ nào.

"Bộ trưởng cũng đang giao cho Cục Báo chí cùng các cơ quan chức năng xem xét để có những chính sách hỗ trợ đối với các cơ quan báo chí", bà Đặng Thị Phương Thảo thông tin.

Đề cập đến vấn đề truyền thông chính sách, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho hay, theo cách làm cũ, chúng ta chỉ tập trung vào xử lý các sự vụ, sự kiện, chỉ cung cấp thông tin một cách khô cứng.

Bên cạnh đó, chúng ta chưa đánh giá tác động chính sách, tác động truyền thông trong quá trình bàn bạc, ban hành và thực thi chính sách; Chưa có phản xạ sử dụng số liệu để phân tích tình hình; Không có công cụ đo đếm, rà quét thông tin trên báo, trên mạng, không có số liệu thống kê theo thời gian thực để đánh giá...

Nêu rõ báo chí là kênh chủ lực cho truyền thông chính sách, bà Thảo nhấn mạnh: "Báo chí cách mạng thì Nhà nước phải có cơ chế và phải hỗ trợ. Báo chí dựa hoàn toàn vào thị trường thì sẽ thành báo chí thị trường".

Toàn cảnh hội nghị tập huấn.

Toàn cảnh hội nghị tập huấn.

Theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Thị Phương Thảo, cơ quan Nhà nước cần tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để lan toả thông tin chính thống, tích cực trên báo chí, trên mạng. Bà lưu ý việc đặt hàng, giao nhiệm vụ không ảnh hưởng, mâu thuẫn với cơ chế tự chủ của cơ quan báo chí.

Đồng thời, cơ quan Nhà nước phải thay đổi một số phương thức cung cấp thông tin cho báo chí để giành quyền chủ động về mình như tổ chức họp báo thường xuyên; cung cấp thông cáo báo chí ngắn gọn thay cho trả lời phỏng vấn...

Bà Thảo cũng cho rằng, các cơ quan Nhà nước nên tránh việc tiếp xúc cùng một lúc nhiều cơ quan báo chí khi hẹn lịch làm việc (khi hẹn thì một cơ quan báo chí hẹn nhưng khi đến thì nhiều cơ quan), trừ hội nghị, họp báo.

Cùng đó là hạn chế mời phóng viên theo dõi các hội nghị bàn công việc từ đầu đến cuối, vì không kiểm soát được khai thác thông tin và thông điệp cần truyền đạt...

"Bộ Thông tin và Truyền thông rất sẵn sàng hỗ trợ các Sở Thông tin và Truyền thông để địa phương ứng xử với các cơ quan báo chí một cách hiệu quả, cung cấp thông tin báo chí để báo chí thực sự là báo chí cách mạng, là cánh tay nối dài truyền tải thông tin mà Đảng, Nhà nước, địa phương hướng đến người dân", bà Đặng Thị Phương Thảo nói thêm.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn, ông Đỗ Công Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố hình thành Mạng lưới truyền thông ngành Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng được mạng lưới truyền thông thống nhất, kết nối các cơ quan, đơn vị của Bộ, của ngành với các cơ quan báo chí.

Ông Đỗ Công Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Ông Đỗ Công Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Ông Công Anh cho biết, mạng lưới truyền thông bao gồm 32 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đều có đại diện lãnh đạo và chuyên viên phụ trách về truyền thông và phối hợp thường xuyên với Trung tâm Thông tin để bảo đảm trao đổi, cung cấp kịp thời những thông tin chính thống phục vụ công tác truyền thông.

Bên cạnh đó, 63/63 Sở Thông tin và Truyền thông đều có lãnh đạo Sở và cán bộ phụ trách truyền thông phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thông tin của Bộ để thực hiện thống nhất nội dung truyền thông về các hoạt động của Bộ, của ngành và các địa phương trong cả nước.

"Đặc biệt, có sự tham gia của gần 80 nhà báo, phóng viên chuyên trách của trên 50 cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng phục vụ tốt công tác truyền thông, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong hành động để làm nên những thành công bước đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ và trọng trách của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông được Đảng, Nhà nước giao", ông Công Anh nói.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn