'Công nghiệp dạy thêm' Trung Quốc: Chi tiền tỷ cải thiện điểm số cho con

Diễn đànThứ Bảy, 29/07/2023 17:54:24 +07:00

Trung bình mỗi phụ huynh Trung Quốc chi 120.000 NDT - hơn 394 triệu đồng mỗi năm vào việc dạy kèm ngoại khóa cho con, một số người còn bỏ ra gần 1 tỷ đồng.

Sự cạnh tranh học thuật khốc liệt và văn hóa coi trọng điểm số khiến "ngành công nghiệp dạy thêm" sau giờ học ở Trung Quốc đã tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm gần đây và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của học sinh, sinh viên quốc gia tỷ dân này.

Khởi nguồn của việc dạy thêm-học thêm ở Trung Quốc được cho là bắt nguồn từ hệ thống thi cử cổ đại. Trong lịch sử, khoa cử, giáo dục là một con đường khẳng định bản thân duy nhất và thành công trong các kỳ thi giúp các thí sinh đảm đương vị trí chức quyền trong triều đình.

Áp lực học hành lên đỉnh điểm khi học sinh phải chuẩn bị cho kỳ thi đại học cam go.

Áp lực học hành lên đỉnh điểm khi học sinh phải chuẩn bị cho kỳ thi đại học cam go.

Thành ngữ Trung Quốc có câu “Bẻ quế cung trăng” hay “Thiềm cung chiết quế” ám chỉ tầm quan trọng của việc đỗ đạt trong khoa cử thời xưa.

Ngày nay, tầm quan trọng của giáo dục và thành tích học tập tiếp tục ăn sâu vào xã hội Trung Quốc. Sau những cải cách kinh tế của nước này vào cuối thế kỷ 20, nhu cầu về lao động có tay nghề cao tăng cao, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt để giành được những vị trí trong các trường đại học hàng đầu. Môi trường cạnh tranh này dẫn đến việc ngày càng có nhiều phụ huynh tìm kiếm sự hỗ trợ giáo dục bổ sung cho con cái của họ.

4 yếu tố thúc đẩy

Cuộc thi học thuật khốc liệt: Hệ thống giáo dục của Trung Quốc đặt trọng tâm vào các kỳ thi tiêu chuẩn hóa, đặc biệt là Gaokao- kỳ thi tuyển sinh đại học. Vào năm 2021, khoảng 10,78 triệu học sinh đã tham gia Gaokao, cạnh tranh cho khoảng 9,09 triệu điểm vào đại học. Vào năm 2023, tổng cộng 12,91 triệu thí sinh đăng ký dự thi, tăng 980 nghìn người so với năm 2022, lập kỷ lục về số lượng thí sinh dự thi, theo Thời Báo Hoàn Cầu.

Kỳ vọng cao của cả gia đình: Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2020, gần 80% phụ huynh Trung Quốc thừa nhận đã gửi con đến các lớp học thêm sau giờ học. Hiệp hội Giáo dục Quốc gia cho biết các bậc cha mẹ Trung Quốc chi trung bình 120.000 NDT (khoảng hơn 394 triệu đồng/năm cho việc dạy kèm ngoại khóa cho con cái và một số người bỏ ra tới 300.000 NDT (hơn 985 triệu đồng), theo The South China Morning Post. 

Theo một cuộc thăm dò trực tuyến, hơn 40% phụ huynh cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi con đến các lớp học sau giờ học vì sự cạnh tranh khốc liệt trong hệ thống giáo dục. Họ đặt nhiều kỳ vọng vào thành tích học tập của con mình và 60% phụ huynh tin rằng học phí sau giờ học giúp cải thiện đáng kể điểm số của con họ.

Hơn 60% học sinh tiểu học ở Trung Quốc được dạy kèm bên ngoài lớp học trong các môn học chính như Tiếng Anh, Văn học và Toán học, theo báo cáo được công bố tại cuộc họp thường niên của giới chuyên gia.

Theo một báo cáo, 60% trẻ em Trung Quốc đại lục từ 3-15 tuổi đang được dạy thêm bên ngoài lớp học.

Theo một báo cáo, 60% trẻ em Trung Quốc đại lục từ 3-15 tuổi đang được dạy thêm bên ngoài lớp học.

 “Nhiều bậc cha mẹ không có quan điểm riêng về cách giáo dục con cái và họ chỉ mù quáng làm theo người khác. Ví dụ, một người bạn của tôi nói rằng cô ấy định gửi hai đứa con 5 tuổi đến một trường quốc tế chỉ vì một vài người bạn của cô ấy đã làm như vậy”, nhà nghiên cứu giáo dục Wu Hong từ Trùng Khánh nói.

Chương trình giảng dạy theo định hướng thi cử: Học sinh Trung Quốc dành một lượng thời gian đáng kể để chuẩn bị cho các kỳ thi. Nhiều chương trình học được định hướng phục vụ kỳ thi, không phải kiến thức mà học sinh đạt được.

Tiến bộ công nghệ nhanh chóng: Với sự gia tăng của các nền tảng học-dạy trực tuyến, ngành dạy thêm sau giờ học đã chứng kiến sự chuyển đổi kỹ thuật số đáng chú ý. Năm 2022, thị trường giáo dục trực tuyến của Trung Quốc ước tính trị giá hơn 638 tỷ NDT (tương đương 2,277 tỷ đồng).

4 tác động trái chiều

Kết quả học tập: Những học sinh học thêm thường có thành tích tốt hơn trong các kỳ thi. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2021 cho thấy rằng những học sinh tham gia các lớp dạy kèm cho thấy điểm thi của họ cải thiện trung bình 12%.

Sức khỏe tinh thần và thể chất: Áp lực mạnh mẽ để trở nên xuất sắc trong học tập đã dẫn đến tỷ lệ căng thẳng và kiệt sức đáng báo động ở học sinh. Vào năm 2022, có báo cáo rằng khoảng 70% học sinh Trung Quốc đã trải qua mức độ căng thẳng cao độ trong học tập.

Bất bình đẳng giáo dục: Có sự khác biệt đáng kể trong việc tiếp cận với việc học thêm sau giờ học dựa trên tình trạng kinh tế xã hội. Ở thành thị, khoảng 75% học sinh đi học thêm, trong khi ở nông thôn, con số này giảm xuống còn 40%.

Thị phần trong nền kinh tế: Ngành công nghiệp dạy thêm ngày càng chiếm thị phần lớn trong nền kinh tế Trung Quốc. Chính phủ nước này định vị lĩnh vực này trị giá 100 tỷ USD (khoảng 2.365 tỷ đồng) nhưng đang "mở rộng vốn một cách vô trật tự”.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn