Công an khuyến cáo việc đốt vàng mã ngày ông Công ông Táo và dịp cuối năm

Phòng chống cháy nổThứ Sáu, 02/02/2024 08:28:00 +07:00
(VTC News) -

Việc hóa lễ, đốt vàng mã cùng đặc thù thời tiết dịp đầu xuân làm tăng nguy cơ cháy nổ, dễ xảy ra những vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Ngày ông Công ông Táo và dịp cuối năm cũ, đầu năm mới, người Việt có truyền thống thắp hương, hóa vàng mã sau các lễ cúng gia tiên, thần linh, thổ công trong nhà. Nhiều người mang vàng mã đốt ngay trên vỉa hè, thậm chí dưới lòng đường khiến các con phố đỏ lửa, khói bay mù mịt khắp nơi, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Trước thực trạng trên, Công an Hà Nội đưa ra quy tắc an toàn phòng cháy, chữa cháy khi người dân thắp hương, đốt vàng mã trong dịp 23 tháng Chạp và những ngày Tết Nguyên đán.

Công an khuyến cáo, người dân cần bố trí nơi thắp hương, thờ cúng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy như: bát hương phải kê, đặt trên các thiết bị không cháy hoặc khó cháy; đồ thắp hương dễ cháy (như vàng mã) phải để xa bát hương; khi thắp hương phải có người trông coi đến khi hết tàn hương.

Việc đốt vàng mã giữa đường, gần xe máy, quần áo... dễ gây cháy nổ. (Ảnh: Đắc Huy)

Việc đốt vàng mã giữa đường, gần xe máy, quần áo... dễ gây cháy nổ. (Ảnh: Đắc Huy)

Đặc biệt, người dân khi hóa vàng mã phải đúng nơi quy định, không đốt vàng mã trong nhà ở, hành lang, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, trên vỉa hè các tuyến phố, nơi tập trung đông người và phương tiện tham gia giao thông qua lại.

Trước khi đốt vàng mã, người dân phải chọn nơi kín gió, hoặc sử dụng lư hương, có các biện pháp che chắn tránh gió cuốn tàn lửa sang các khu vực xung quanh gây cháy (các thùng lư hương hoặc đỉnh bằng vật liệu không cháy để đốt vàng, mã và đặt cách xa hàng hóa dễ cháy ít nhất 2m).

Khi đốt vàng mã phải có người trông coi đến khi không còn tàn lửa, bố trí bình chữa cháy hoặc xô chứa nước; đốt xong để nguội hẳn mới đổ tro.

Công an Hà Nội cũng đề nghị người dân sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như: tủ điện, ổ cắm điện…) ít nhất 0,5m. Mỗi hộ gia đình chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, lô gia, sân thượng, lên mái, sang nhà bên cạnh.

Khi xảy ra cháy trong hộ gia đình, người dân hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người trong nhà biết để mau chóng di chuyển ra ngoài. Khi thoát qua khu vực có khói, lửa hãy dùng khăn mềm thấm nước hoặc mặt nạ phòng độc, để che chắn mặt, cơ thể, tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh… Đồng thời, người dân cần báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo số máy miễn phí 114.

Video: 8 kỹ năng thoát nạn khi có cháy ở nhà cao tầng, chung cư

Trong dịp này, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng đưa ra khuyến cáo PCCC trên phạm vi toàn quốc, đối với các cơ quan tổ chức, các cơ sở kinh doanh, các khu dân cư, các hộ gia đình.

Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Người đứng đầu cần quan tâm tổ chức công tác tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ công nhân viên và người lao động chấp hành nghiêm nội quy, quy định PCCC; tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời khắc phục những thiếu sót có thể phát sinh cháy, nổ.

Các cơ sở kinh doanh phải sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; bảo đảm các điều kiện để lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động hiệu quả; tổ chức các ca trực trong quá trình sản xuất và ngoài giờ hành chính để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Đối với các khu dân cư: UBND địa phương cần xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng và các mô hình như Tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng; xây dựng phương án chữa cháy và tổ chức cho đội dân phòng thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy sát thực tế.

Tại các khu dân cư cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, công an, điện lực, cấp nước, y tế… để giải quyết các tình huống cắt điện, cấp nước chữa cháy, cứu thương, giao thông… Đối với các khu vực có nguồn nước tự nhiên cần xây dựng bến lấy nước để phục vụ công tác chữa cháy…

Đối với hộ gia đình: Cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện, bếp đun… để kịp thời khắc phục những nguy cơ gây cháy; tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã; trang bị phương tiện cảnh báo cháy sơm, báo rò rỉ khí gas, bình chữa cháy xách tay, xà beng, nước chữa cháy và hướng dẫn các thành viên trong gia đình cách sử dụng; chuẩn bị và thực hành phương án thoát nạn cho người và tài sản đề phòng cháy xảy ra.

Hơn 1 tháng qua, cả nước xảy ra nhiều vụ hoả hoạn thương tâm khiến nhiều người trong cùng gia đình thiệt mạng. Hầu hết các vụ hoả hoạn này xảy ra vào đêm hoặc rạng sáng.

Ngày 1/2, vụ hoả hoạn xảy ra lúc rạng sáng tại ngôi nhà cấp 4 diện tích khoảng 50m2 ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng khiến chị P.T.X (SN 1981) cùng con trai N.H.T.Đ (SN 2016) và con gái N.P.N.D (SN 2018) thiệt mạng.

Thời điểm xảy ra cháy, chồng chị X. đang đi làm, con gái lớn may mắn thoát nạn. Toàn bộ đồ đạc như xe máy, xe đạp, bàn ghế, giường tủ... bị thiêu rụi, mái nhà cũng bị sập.

Trước đó 3 ngày, ngôi nhà 3 tầng của vợ chồng anh L.N.T và chị T.T.L ở thôn 4, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá bốc cháy khi cả nhà 4 người đang ngủ. Người chồng đã dùng bình chữa cháy được trang bị tại gia đình để dập tắt đám cháy, nhưng không hiệu quả. Vụ hoả hoạn đã cướp đi tính mạng của 3 mẹ con chị T.T.L.

Ngày 24/12/2023, vụ hoả hoạn xảy ra lúc rạng sáng tại ngôi nhà 3 tầng ở thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc khiến chị Nguyễn Thị Thanh H. (SN 1997) và hai con nhỏ thiệt mạng. 

H.Thanh
Bình luận
vtcnews.vn