Con trai cả của bác học Lương Định Của qua đời vì COVID-19

Đời sốngThứ Bảy, 04/09/2021 19:57:49 +07:00

'Không hiểu sao, trưa qua tôi thấy người khó chịu, nằm không được, ngồi không yên...có lẽ thần giao cách cảm là thật vì sau đó bỗng nhận tin Lương Hồng Việt đã mất'.

Một thời đèn sách

Ông Đào Quang Vinh - nguyên cán bộ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm kể do cảm thấy bất an nên mới viết mấy câu trực tiếp trên điện thoại: “Ôi! Chưa có năm nào. Buồn như năm nay. COVID bốn mặt vây đầy. Buộc mọi người giãn cách. Anh em con cháu chia xa. Ngày giỗ mẹ cha cũng không về được. Nhìn nhau, ai cũng ngỡ F0. Suốt ngày loanh quanh. Cố thủ trong nhà. Vào ra ngột ngạt. Quyền ra đường. Cũng không còn nữa. Nói gì sản xuất, mưu sinh. Vô hình mà hoá hữu hình. Toàn cầu điêu đứng thất kinh. Bao người ra đi mãi mãi".

Con trai cả của bác học Lương Định Của qua đời vì COVID-19 - 1

Ông Lương Hồng Việt, con trai của Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của, phát biểu tại Lễ Khánh thành Tượng đài Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của ngày 16/7/2021. (Ảnh: Trọng Linh)

Vừa post mấy dòng tâm trạng đó lên facebook khoảng 15 phút thì nghe bạn ông từ TP.HCM báo tin: "Lương Hồng Việt (con trai đầu ông Lương Định Của - PV) mất rồi”. Nghe xong cả hai vợ chồng ông đều choáng váng mặc dù đã biết ông Việt mắc COVID-19 trước đó mấy ngày. Bao kỷ niệm thời đi học, rồi sau này, các lần ông Việt cùng mẹ mình đến thăm khiến họ nước mắt dâng trào.

Ông Vinh kể tiếp: “Lớp Di truyền - Chọn giống khóa 9, Đại học Nông nghiệp của chúng tôi có 30 sinh viên, đến hôm nay đã 9 người đi về nơi xa thẳm. Người dẫn đầu là Đinh Công Dũng (25/5-1968), người thứ 9 là Lương Hồng Việt (2/9-2021)".

Lương Hồng Việt là con trai đầu trong 5 người con của gia đình bác Lương Định Của. Việt sinh năm 1946 tại Kyoto, mang hai dòng máu Việt - Nhật. Tới 1952, anh cùng với người em trai theo gia đình về Việt Nam qua ngả Hong Kong đến Sài Gòn. Năm 1954 cả nhà tập kết ra Bắc, đến năm 1964 anh vào Đại học Nông nghiệp, chuyên ngành Di truyền chọn giống cây trồng, nối nghiệp cha. 

Ở ký túc xá, Việt với tôi cùng phòng, tôi tầng trên, anh tầng dưới. Lối sống của anh cũng hết sức bình dị, hòa đồng với những sinh viên khác xuất thân từ nông thôn. Có lần chúng tôi đi sơ tán ở nhà dân, vặt dái mít (quả mít non, nhỏ như cái ngón tay, ngón chân) chấm muối để ăn, Việt thủng thẳng “Ăn gì bổ nấy”, làm cho ai nấy đều cười.

Con trai cả của bác học Lương Định Của qua đời vì COVID-19 - 2

Ông Lương Định Của bên các con. (Ảnh: Tư liệu)

Tốt nghiệp đại học năm 1968, lớp tôi có 30 người thì 20 người trong đó có Việt về nhận công tác tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm do bác Của làm Viện trưởng. Trường có 40 người về Viện lúc đó, chia làm hai đội sản xuất, nam, nữ riêng. Khi chúng tôi về, ở tập thể đều là nhà tranh, vách đất. Bác Của cùng mấy em nhỏ của Việt ở một nhà riêng cũng là nhà tranh, vách đất bên kia bờ một cái ao còn bọn tôi ở một dãy nhà đối diện bên này bờ. Việt ở tập thể, ăn tập thể, cùng với chúng tôi”…

Cuộc rũ áo vinh hoa của người cha

Cuộc trở về của nhà bác học Lương Định Của sau quá trình đi tầm sư, học đạo thành tài rồi lấy vợ, sinh con bên nước Nhật thật cũng lắm gian nan.

Con trai cả của bác học Lương Định Của qua đời vì COVID-19 - 3

Ông Lương Định Của. (Ảnh: Tư liệu)

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên cán bộ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cùng một số đồng nghiệp thời ấy từng kể lại với tôi rằng ông Lương Định Của vốn xuất thân trong một gia đình giàu có ở tỉnh Sóc Trăng.

Có tiếng học giỏi, ban đầu ông đi Hong Kong theo học ngành bác sĩ nhưng đến năm thứ ba lại xuống tầu sang Nhật, thi vào ngành nông nghiệp của Đại học Kyushu và đỗ với số điểm rất cao. Do học giỏi, sau một năm học tiếng ông được đặc cách vào ngay năm thứ ba.

Năm 1945 ông đỗ cử nhân và kết hôn với một người con gái Nhật có tên Nobuko. Giai đoạn ấy ở Nhật con gái rất hiếm người được gia đình đồng ý cho lấy chồng ngoại đặc biệt người ấy lại là “An-na-mít” và chẳng mấy ai biết xứ An Nam ở đâu. Bà tự tay đi chợ về nấu nướng cho đám cưới của chính mình, một đám cưới mà do chính quyền chưa có thủ tục đăng ký kết hôn với người Việt nên họ chỉ làm lễ ở nhà thờ.  

Cũng năm đó tin tức về Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập giữa quảng trường Ba Đình dội sang đất Nhật. Ông Của mừng đến phát khóc, bảo với vợ rằng: “Nước mình không còn là An Nam, người mình không còn là An-na-mít nữa mà là nước Việt Nam, người Việt Nam em ạ!”.

Cái nhà nước Việt Nam non trẻ hình thành khiến cho ông nôn nóng được trở về đóng góp nhưng rồi có những người bạn tiến bộ ở Nhật khuyên nên nán lại, trau dồi thêm tri thức để khi về một nước lạc hậu có thể đem trí tuệ, tài năng phục vụ được nhiều hơn, tốt hơn. Ông Của ở lại đất Nhật học tiếp ngành di truyền chọn giống và lấy bằng tiến sĩ, là người thứ 96 trên toàn xứ sở hoa anh đào giành được học vị cao quý này.

Con trai cả của bác học Lương Định Của qua đời vì COVID-19 - 4

Vợ chồng ông Lương Định Của. (Ảnh: Tư liệu)

Chính phủ Nhật phong ông là giáo thụ của trường đại học, được trọng vọng, trả lương cao, ông bà Của và hai người con có tên là Việt, Đức có thể sống trên nhung lụa, bạc vàng.

Có người còn tới rủ ông bà sang Mỹ dạy học để phong lưu, sung sướng hơn nhưng lúc nào trong lòng ông cũng khắc khoải hai tiếng Việt Nam, hướng về núi rừng Việt Bắc ngút ngàn nơi có Chính phủ của Bác Hồ, muốn đem tài năng, sức lực ra giúp dân, giúp nước. Dù quê chồng nghèo khó lại đang có chiến tranh nhưng bà vẫn nhiệt tình ủng hộ ý định về Việt Nam của ông.

Âm thầm không nói với ai, ông bí mật tìm, chọn ra những giống lúa có năng suất cao của Nhật Bản rồi cất riêng vào một cái vali. Như sau này, bà Nobuko hồi tưởng: “Cái vali thóc là tài sản quý nhất, là vật bất ly thân của vợ chồng chúng tôi. Anh Của đã giữ gìn nó, bảo vệ nó như thể bảo vệ chính những đứa con của mình”.

Hành trình trở về gần một vạn cây số từ Nhật qua Hồng Kông trên một chiếc tàu hàng, định vào Trung Quốc nhưng thiếu giấy tờ nên không được. Cạn tiền, hành lý thất lạc hết, họ được một người bạn giúp về đến Sài Gòn với chỉ còn cái vali thóc giống trên tay. Đó là năm 1952.

Thấy tầm cỡ của một nhân tài hiếm hoi, chính quyền thân Pháp ra sức mời ông Của ra làm Bộ trưởng Bộ Canh nông nhưng dứt khoát ông không chịu, chỉ chấp nhận làm hợp đồng, chờ thời cơ ra Bắc. Họ còn mua chuộc ông bằng nhiều cách.

Biết ông nghiện thuốc lá và thích uống bia nên họ bố trí một xe ô tô đưa ông đi đón ông về, trên đó bao giờ cũng đầy ắp bia ngon và thuốc lá hảo hạng. Không chỉ thế, một thư ký nữ rất đẹp luôn kè kè ở bên ông, nước hoa thơm nức, quần áo lụa là. Thực chất người con gái đó là một cạm bẫy mỹ nhân vì ông Của hồi ấy vẫn còn rất trẻ.

Con trai cả của bác học Lương Định Của qua đời vì COVID-19 - 5

Cấy lúa thí nghiệm tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm ngày nay. (Ảnh: NNVN)

Rượu, bia, thuốc lá và gái đẹp vẫn không thể lung lay được trái tim của một trí thức lớn. Đợi mãi cuối cùng trên cũng cho người bắt liên lạc với ông Của và đưa lên chiến khu theo đường dây ra ngoài Bắc năm 1954. Bà Nobuko cùng đàn con lễ mễ cơm đùm cơm nắm theo cùng.

Ở miền Bắc, bà được bố trí làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam chương trình phát thanh tiếng Nhật còn ông dạy ở Đại học Nông nghiệp Hà Nội sau này khi Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm ở Hải Dương  thành lập được chỉ định làm Viện trưởng.

Ý tưởng của ông là 1 lao động, 2 đầu lợn, 5  tấn thóc trên 1 ha cây trồng, là ước mơ được giàu có như nông dân Nhật. Có lần bằng con đường ngoại giao ta có được một số giống lúa từ nước ngoài. Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao ngay cho ông Của. Lượng thóc giống chỉ được một nhúm.

Ông Của chia ra làm hai, một nửa để ở kho lạnh, một nửa đem ngâm rồi chia đôi. Mùa đông đó rét căm căm, ông Của đem túi vải ngâm giống đó cặp vào nách, nằm đắp chăn để lấy thân nhiệt của cơ thể ủ tạo điều kiện cho hạt lúa nảy mầm. Khi hạt lúa nảy mầm được gieo ra đĩa thủy tinh, mạ lớn mới đưa ra trồng trong chậu để cho các công việc khử đực, gắp nhụy cây mẹ cho vào cây bố lai tạo sau này.

Con trai cả của bác học Lương Định Của qua đời vì COVID-19 - 6

Ông Lương Hồng Việt (ngoài cùng, bên phải) cùng những người bạn. (Ảnh: Tư liệu)

Ông Của là cha đẻ của giống lúa lai tạo đầu tiên ở Việt Nam, giống Nông nghiệp I. Lần lượt các giống cây trồng khác mà dân quen gọi như dưa hấu ông Của, dưa lê ông Của, khoai lang ông Của, rau muống ông Của đều là những giống có năng suất cao vượt trội so với hồi đó…

Danh tiếng là thế nhưng ông Của sống rất hòa đồng, tôn trọng đồng nghiệp. Có lần cùng mấy kỹ sư trẻ của Viện từ làng sơ tán ra tới đường lớn để đi ô tô có một đoạn lội, ông Của tháo dép xách tay, đi chân đất. Một cậu thấy vậy vội vã đưa tay: “Thưa thầy, để em xách dép cho”. Ông nhẹ nhàng nhắc: “Viện cử anh đi công tác cơ mà chứ đâu phải xách dép cho tôi?”.

Anh Việt lúc đó chưa có xe đạp riêng còn ông Của thì có cái commăngca đít tròn cũ để đi lại. Thế mà từ Hải Dương về Hà Nội nếu có họp ông Của cũng không bao giờ cho Việt đi theo. Ông thường bảo: “Xe này Nhà nước trang bị cho bố đi công tác chứ không phải cho con. Con làm được tiền thì đi xe đạp còn không làm được thì đi bộ hay nhờ bạn bè đèo ra đường 5 mà bắt xe ô tô về Hà Nội”.

Ngoài lý do muốn con mình cũng như mọi cán bộ khác ông còn muốn giành chỗ trống ít trong xe cho những người phụ nữa, trẻ em con của cán bộ đi cùng.

Rèn người bằng những thử thách

Quay trở lại với những hồi tưởng của ông Đào Quang Vinh, tỉnh Hải Hưng khi ấy đã giao 150 ha đất cho Viện để làm thí nghiệm và sản xuất: “Đồng ruộng chưa hoàn thiện, theo quy hoạch chúng tôi phải tham gia san lấp, đắp bờ vùng, bờ thửa, xây dựng “cánh đồng 9 số”. Phương châm của bác Của là “Đi từ ngoài đồng vào phòng thí nghiệm” nên chúng tôi phải thực hành tất cả các khâu công việc của nhà nông như cày, cấy, làm cỏ, ủ phân hữu cơ, chăm bón, gặt, đập, phơi giống, nhập kho… theo định mức như một công nhân thực thụ. 

Việt làm khỏe và ăn cũng rất khỏe. Buổi sáng được 1 cái bánh mì, buổi trưa, buổi tối ăn cơm, thiếu thốn nên ai cũng đói nhưng vẫn làm hùng hục. Sau một năm lao động thực thụ như công nhân, biết tái tạo chu trình sống của cây trồng, chúng tôi được phân về các tổ bộ môn nghiên cứu.

Con trai cả của bác học Lương Định Của qua đời vì COVID-19 - 7

Ông Lương Hồng Việt (đứng ngoài cùng bên trái) và mẹ (ngồi giữa, đeo kính) cùng các bạn học. (Ảnh: Tư liệu)

Năm 1974, cùng với 2 đồng nghiệp, Việt được cử đi thi nghiên cứu sinh. Năm đó cả 3 người của Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm đều bị trượt bởi từ lúc ra trường toàn đi lao động, rồi nghiên cứu thực nghiệm trên đồng ruộng, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, sách vở chẳng có nên khi bất ngờ được cử đi, chẳng ai có thời gian phụ đạo gì, quên gần hết kiến thức những môn cơ bản, nhất là về toán.

Bác Của gửi Việt vào bộ đội, thuộc quân số của Cục Sản xuất, Tổng cục Hậu cần từ năm 1975. Khi bác Của đột ngột mất, anh về không kịp để nhìn bố lần cuối, chúng tôi hồi đó lên trực ở hội trường của Bộ Nông nghiệp để làm lễ tang cho ông.

Trong thời gian bộ đội, Việt được cử đi thi, đỗ, rồi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũ nhưng bị ốm rồi lại phải về giữa chừng. Năm 1987, Việt chuyển ngành, làm việc tại Viện Cây có dầu cho tới năm 2004 thì nghỉ hưu, định cư ở TP.HCM. Cả gia đình gồm mẹ và các em sau năm 1975 cũng vào Nam sinh sống.

Từ khi Đoàn Thanh niên đặt ra giải thưởng Lương Định Của, hầu như năm nào Việt cũng tháp tùng mẹ ra Hà Nội dự lễ trao giải thưởng này. Mỗi lần như thế, lớp tôi thường gặp mặt, chào đón bác Nobuko. Có lần tôi đưa bà đến thăm Viện Nghiên cứu Ngô, rồi ghé thăm gia đình ông Thưởng, cựu Bí thư huyện Đan Phượng, nơi Viện chúng tôi đang đóng trụ sở. Hai người xấp xỉ tuổi nhau, nói chuyện rất hợp, ra về bà cứ bảo: “Sao ở đây nhiều người tốt, quý người thế!”.

Nhiều lần Việt cũng đưa mẹ thăm gia đình các bạn. Ra Bắc nhiều, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của một số bạn cùng học, Việt có dự án lập quỹ lớp, do anh đóng góp phần lớn để giúp đỡ. Việc lớn chưa làm được nhưng anh đã đến thăm những bạn học khó khăn nhất và có những giúp đỡ thiết thực cả về tinh thần và vật chất.

Anh còn định mang con gái của một người bạn “về một cục” nên chẳng có lương hưu, gia cảnh rất khó khăn, vào Nam để nuôi, giúp học tập, nhưng không được. Khi đem cái máy tính xách tay đến cho con của người bạn này, thấy nhà họ có ba người phái nữ mà không có nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại nên anh băn khoăn lắm, hỏi xây những thứ như thế hết bao nhiêu tiền. Tôi tìm hiểu, người ta bảo khoảng mấy chục triệu, Việt liền mang tiền đến tặng. Trên cơ sở số tiền đó, anh em nhà vợ của người bạn nọ mới quyên góp, vay mượn để làm được cái nhà hai tầng, tuy không đẹp nhưng cũng vững chắc và tạm đủ tiện nghi. Cháu gái được chú Việt tặng máy tính năm nào nay đã tốt nghiệp Cao đẳng y và có việc làm ổn định.

Thế là Việt ra đi đúng vào ngày Quốc khánh, hàng năm đến ngày này chúng tôi lại thêm nhớ. Chắc rằng Việt thanh thản phiêu du, như tính anh vẫn vậy, vô tư, lành hiền, ít nói, nhịn nhường.

(Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn