Con dâu hiện đại "trốn" Tết: nhiều ý kiến trái chiều

Sức khỏeThứ Năm, 26/01/2012 08:18:00 +07:00

Họ quan niệm, suốt năm đã làm quần quật, Tết là dịp để nghỉ ngơi, tránh xa gia đình - nơi có những tập tục, lễ nghi mà họ cho là phiền phức.

Họ quan niệm, suốt năm đã làm quần quật, Tết là dịp để nghỉ ngơi, tránh xa gia đình - nơi có những tập tục, lễ nghi mà họ cho là phiền phức.

Họ là những nàng dâu hiện đại, trình độ cao, thu nhập đáng mơ ước và tất nhiên là cực kỳ bận rộn. Họ quan niệm, suốt năm đã làm quần quật, Tết là dịp để nghỉ ngơi. Họ sắp xếp cùng chồng con đến một nơi sang trọng, tiện nghi để hưởng thụ, tránh xa gia đình - nơi có những tập tục, lễ nghi mà họ cho là phiền phức; họ kiếm cớ công việc bận rộn để nghỉ Tết ngắn ngày nhất nhằm tránh phải phục vụ Tết cho đại gia đình; họ chuẩn bị Tết kiểu “công nghiệp” với những món được chế biến sẵn cho khỏe thân…

 

1. Cuối năm, trong khi mọi người đang lo vé xe về quê ăn Tết thì Lan Thanh (trưởng phòng mar keting một công ty nhập khẩu hàng tiêu dùng ở TP.HCM) lại khoe: “Đã đặt được chuyến du lịch Singapore giá rẻ”. Bạn bè ngạc nhiên: “Tết mà không về quê à? Chồng không bắt về quê chồng sao?”. Thanh chia sẻ đầy hoan hỉ: “Mình năn nỉ được ổng rồi, gửi cho hai bên ít tiền, lấy lý do là công ty nước ngoài không cho nghỉ Tết ta dài ngày, lại việc nhiều nên không sắp xếp về quê được. Cả năm mới có dịp nghỉ, đi chơi cho sướng, dại gì về quê làm người hầu”.

Bạn bè vốn biết Lan là người sống hiện đại và có phần thực dụng, nhưng không ngờ cô dám trốn cả cái Tết, lại chẳng tỏ ra áy náy gì với gia đình. Lan tiết lộ: “Dịp Tết Tây, mình đã sắp xếp đưa cả nhà về bên nội hai ngày, coi như một “bước đệm” để Tết ta vắng mặt, nhà chồng đỡ bị sốc”.

Còn vài ngày nữa là hết năm, Lan gửi về cho mẹ chồng một ít tiền và đẩy cho chồng “nói khó” với mẹ: “Vợ bị phân đi công tác ở Singapore, sẵn có vé máy bay giá rẻ, hai bố con đi theo chơi luôn”.

Minh, chồng Lan đắng họng khi nghe vợ thỏ thẻ kế hoạch “trốn Tết”. Lúc gọi điện báo cáo với bà cụ rằng “xuân này con không về”, anh buồn não nề. Nhà có hai anh em, cô em gái chưa lập gia đình, mẹ anh mới có đứa cháu đầu. Minh hiểu mẹ mong con, mong cháu đến nhường nào.

Lan không ngại thể hiện quan điểm “miễn cưỡng khó hạnh phúc”, thích gì là làm nấy. Cô xem Tết là thời điểm thuận lợi nhất trong năm để đi du lịch. Nếu anh không chịu, làm căng? Minh thừa biết, người có cá tính mạnh như vợ sẽ vẫn ôm con đi du lịch, mặc cho chồng về quê một mình. 

Sắp xếp êm xuôi, trước ngày đi Singapore, Minh vẫn thấy ấm ức, bày tỏ: “Tết để lại trong anh nhiều kỷ niệm nhất. Hồi nhỏ, bằng tuổi thằng Tôm nhà mình bây giờ, anh xúng xính áo mới, đi chúc Tết ông bà, canh pháo nổ xong là cùng lũ bạn đi nhặt pháo tịt. Không khí gia đình rõ nét nhất trong ngày Tết, vì người thân ở xa mấy cũng về sum vầy, kể cả ông cậu bộ đội nhà anh cũng quảy ba lô lặn lội từ xa về ”.

Lan buông thõng một câu: “Mệt! Giờ là thời đại nào rồi mà cứ gặm nhấm mấy cái kỷ niệm cũ rích đó. Đi Singapore vui chơi không sướng hơn về quê vật vờ, mà nhà lúc nào cũng ồn ào, chật chội”.

2. Khi mới lập gia đình, Phong thống nhất với vợ, mỗi năm đón Tết một quê. Sau năm cái Tết, anh phát hiện, hễ năm nào về quê ngoại ở Nam Định ăn Tết là Hằng (vợ anh) thu xếp rất giỏi để nghỉ thật dài, chưa lần nào dưới 10 ngày. Nhưng, đến lượt nghỉ Tết ở Đăk Lăk, quê chồng, là Hằng viện đủ cớ để thu ngắn thời gian nghỉ.

Năm nay, cô tuyên bố “chỉ về được ba ngày, mùng hai phải có mặt để đi làm, vì cơ quan thiếu người phục vụ nên quản lý phải tăng cường hỗ trợ”. Phong nổi điên: “Tại sao cứ đến lượt về quê chồng là em lại phải đi làm tăng cường, phải đi làm sớm? Sao mấy lần về Nam Định, em được nghỉ lâu thế?”. “Ai mà biết được. Mỗi năm công việc mỗi khác chứ! Mà anh có biết là về Đăk Lăk, vợ anh cực lắm không? Tiếng là ăn Tết nhưng chẳng khác nào về làm người hầu”.

Nghe vợ nói, Phong điếng người. Hóa ra, vợ anh trốn Tết bên nội vì sợ cực. Hằng vốn được mẹ cưng chiều từ bé, mỗi lần về Tết ở Nam Định, nhiều lúc Phong còn cảm thấy ái ngại cho mẹ vợ vì Hằng cứ vùi mình trong chăn, đến giờ thì dậy ăn, ăn xong lại nằm xem tivi. Khách đến nhà, Hằng còn lẩn vào buồng. Dù vậy, người mẹ chẳng phản ứng gì.

Cứ sau kỳ nghỉ ở nhà mẹ ruột là Hằng lại than “tăng mất mấy cân, ăn Tết xong lại phải đi giảm béo”. Phong nói mé: “Phải rồi, cả chục ngày chỉ có ăn với ngủ, có làm gì đâu mà không béo”.

Chính vì về ngoại quá sướng nên Hằng cảm thấy như bị “đi đày” khi ăn Tết bên nội. Nhà chồng ở quê, không được tiện nghi khiến Hằng không thoải mái trong sinh hoạt. Tâm lý làm dâu cũng phải giữ kẽ, rồi cô còn phải giúp mẹ chồng làm cỗ, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa, cứ làm luôn tay không được nghỉ. Khách khứa đến liên tục, Phong lại mãi bù khú với bà con, họ hàng, ít ngó ngàng đến vợ con. Thế nên, Hằng dần mang tính đối phó khi về quê chồng ăn Tết.

Dù biết vậy, nhưng Phong đâu dễ chấp nhận việc vợ “bớt xén” Tết. Vợ chồng đôi co, Hằng nói thẳng: “Về nội ăn Tết là vợ anh khổ lắm, anh có thương vợ không? Muốn vợ sướng hay vợ khổ?”. Sau khi “trả giá”, anh “xin” thêm vợ được một ngày, nhưng lòng vẫn ấm ức.

3. Cả nhà chuẩn bị về bên nội ăn Tết, Thịnh trố mắt ngạc nhiên khi thấy vợ khuân về lỉnh kỉnh đồ ăn sẵn từ siêu thị. “Nhà mình sắp về quê rồi, em mua chi nhiều vậy?”. “Mua để mang về quê đó. Thời hiện đại quá tiện, muốn món gì cũng có”. Sáng 30 Tết, Nhi (vợ Thịnh) bày mâm cúng, chỉ có con gà luộc là món “tươi” (nhưng cũng là gà làm sẵn mua từ siêu thị), còn lại là đồ chế biến sẵn.

Mẹ  Thịnh có ba con trai, vợ Thịnh là con dâu đầu. Sức khỏe bà cụ yếu, nên trông cậy vào con dâu. Nhìn mâm cúng, nhìn những bữa ăn ngày Tết với các món chế biến sẵn: chả giò đóng gói, thịt xông khói, thịt hộp… Bếp ngày Tết lạnh hẳn đi, Thịnh nghĩ, ăn Tết kiểu “công nghiệp” như vậy, không biết con trai của mình cảm nhận về Tết như thế nào. Những vị Tết, “mùi” Tết  mà Thịnh từng được hưởng đã mất đi bởi sự sắp xếp tiện lợi, đỡ cực thân của vợ.

Trưa mùng hai Tết năm đó, sẵn không vui trong lòng, Thịnh đã gây với vợ khi cô hớn hở phân tích cho mẹ chồng thấy, thời nay mọi thứ phải nhanh chóng, thuận tiện như thế nào để đỡ cực thân. Anh bảo: “Em làm như vậy thì còn gì phong vị ngày Tết?”. Nhi chẳng vừa: “Tôi không rảnh để hầu hạ anh như các cụ ngày xưa, anh có giỏi thì làm đi”. Anh không còn biết nói gì thêm. Suốt cái Tết, vợ chồng lạnh nhạt với nhau.

4. Trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, một chị có nick thuhuongdang viết về chủ đề chuẩn bị Tết: “Mình xin chia sẻ với các mẹ khác (mẹ là tiếng gọi thân tình của những người tham gia diễn đàn - PV) rằng, Tết mà trốn đi du lịch thì cũng hay. Đi Đà Lạt hay Sapa đều thích, nếu có điều kiện đi nước ngoài thì càng tuyệt.

Nhưng nghĩ lại, Tết cổ truyền không hẳn là kỳ nghỉ như kiểu của người phương Tây. Tết cũng là dịp con cháu tề tựu, họ hàng gặp nhau để gợi lại tình thân, con cháu gặp ông bà để thêm gắn bó. Cũng là cách để các mẹ giáo dục con về lễ hiếu”. Lập tức một số ý kiến của các mẹ phản đối.

Nick dungvui chia sẻ: “Nói như mẹ thuhuongdang thì cũng đúng, nhưng như mình đây, về quê chồng để làm dâu thì cực lắm. Lựa cách nói khéo, đưa cả nhà đi du lịch cho khỏe, thế mới gọi là hưởng Tết. Nhưng các mẹ nhớ là phải làm “công tác tư tưởng” cho anh xã thật tốt vào, không thì sinh chuyện không vui...”.

Đọc những dòng trên diễn đàn vừa nêu, anh Công Thành, một giáo viên dạy Văn tại Q.Gò Vấp, TP.HCM bày tỏ: “Nếu các nàng dâu hiện đại có tư tưởng Tết hưởng thụ thì thật đáng lo. Tuy tổ chức tiệc tùng, mâm cỗ, người phụ nữ trong gia đình là cực nhất, nhưng nếu sợ cực mà trốn luôn bổn phận thì coi như các nàng đã chối bỏ vai trò của mình.

Việc này không chỉ liên quan đến các nàng dâu, mà còn ảnh hưởng xấu đến nhiều việc khác. Những đứa con nhỏ không được vòng tay chúc Tết ông bà, không được thấy những hình ảnh rất Tết như câu đối, dưa hấu đỏ, thì làm sao nối tiếp được truyền thống gia đình?

Việc các nàng tránh Tết cũng vô tình đẩy chồng vào thế kẹt. Chọn cha mẹ ở quê hay chọn vợ? Khi đó, dù có du lịch đến tận đâu chăng nữa, thì các chàng cũng sốt ruột vì luôn nghĩ đến thời khắc giao thừa ở quê, nhớ người thân, họ hàng.

Có thể, trong cái nhìn của các nàng dâu hiện đại, chuyện ăn Tết bên nhà chồng là rườm rà, tẻ nhạt, nhưng các nàng không biết, ba ngày Tết có rất nhiều cảm xúc mà chồng của họ mong đợi suốt cả năm để được hưởng”.

Nguyệt Lam, chủ một shop thời trang trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp, TP.HCM) có cái nhìn khá hay: “Phụ nữ vốn dĩ đã cực, về quê chồng để trọn phận làm dâu trong mấy ngày Tết, lại càng cực. Dù vậy, các chị em không thể xem những ngày xuân là những ngày thuần nghỉ ngơi được. Hãy xem đó là dịp quan trọng để các chị thể hiện rõ nhất vai trò làm vợ, làm dâu.

Theo tôi, các chị em nên chọn thời điểm đi du lịch vào một dịp lễ khác trong năm, còn Tết thì phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Hầu như năm nào tôi cũng phải về quê chồng sớm để lo Tết, nhưng tôi thấy đó là việc hiển nhiên, nên làm cũng thoải mái, vui vẻ, nhờ vậy nên ít thấy mình cực khổ”.

Theo PNO

Bình luận
vtcnews.vn