Con công nhân đói sữa, sinh viên tăng độ cận vì... điện

Kinh tếThứ Tư, 28/12/2011 05:19:00 +07:00

(VTC News) – Giá điện tăng “đến chóng mặt” đang đẩy cuộc sống của nhiều sinh viên, công nhân và những người có thu nhập thấp khác rơi vào cảnh khốn cùng.

(VTC News) – Giá điện tăng “đến chóng mặt” đang đẩy cuộc sống của nhiều sinh viên, công nhân và những người có thu nhập thấp khác rơi vào cảnh khốn cùng.

Kể từ vài ngày qua, giá điện tại nhiều khu trọ trên địa bàn Hà Nội đã bất ngờ tăng lên từ gấp rưỡi tới gấp đôi so với trước đây khiến cuộc sống của nhiều sinh viên, công nhân và những người có thu nhập thấp khác càng lúc càng trở nên khốn khó.

Công nhân cắt tiền sữa cho con

Dạo qua một vài xóm trọ của công nhân ở khu công nghiệp Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) có thể thấy, bóng tối bao trùm nhiều lối nhỏ ngay từ lúc chập choạng. Mới chỉ 6h tối, nhưng nhiều nhà vẫn tối om như thể đã “tắt đèn đi ngủ”.

Hiền, một công nhân hiện đang sinh sống ở khu vực này cho biết, mọi ngày cứ đi làm về là inh óc với tiếng nhạc, tiếng ti vi ồn ào, náo nhiệt, nhưng dạo này nhà nào cũng im ắng lắm.

“Nhiều xóm trọ của bạn bè tôi ở quanh đây, người ta đóng cửa đi đâu đó cả ngày khiến quang cảnh trông thật ảm đạm như thể nhà bị bỏ hoang”, Hiền nói.

Tại nhiều xóm trọ, giá điện tăng làm công nhân điêu đứng (Ảnh: KV) 

Chị Hà, chủ một xóm trọ ở đây cho hay: “Từ ngày 20 vừa qua, tôi đã quyết định tăng tiền điện lên 4 nghìn/số. Thế là còn rẻ đấy chứ nhiều chủ xóm trọ khác còn tăng khủng khiếp hơn. Có nhà tăng giá điện lên gấp đôi, tầm 6 – 7 nghìn/số khiến dân tình kêu oai oái. Nhiều người bỏ cả hợp đồng, chuyển sang xóm trọ khác có giá điện rẻ hơn để thuê nhà”.

Anh Dương, một người thuê nhà ở tổ 16, Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) kể, nhiều công nhân ở cùng xóm trọ của anh đã phải đổi lịch làm việc từ ca sáng sang ca đêm để bớt được chút tiền điện nào thì hay chút đó.

“Ban ngày họ tắt điện cả ngày, ti vi cũng không bật, hoạ hoằn lắm mới dùng tới các thiết bị điện trong nhà. Chủ yếu người ta ngủ để lấy sức đêm đi làm. Tầm khoảng 6h tối là trong xóm trọ gần như chẳng còn ai do họ đăng kí làm ca đêm, vừa giúp họ có thu nhập cao hơn vừa tiết kiệm được chút tiền điện thắp sáng cũng như tiền điện để nấu ăn”, anh Dương cho biết thêm.

Trong khi đó, chị Minh, hàng xóm của anh Dương than thở: “Gia đình tôi có 3 người, hai vợ chồng và một đứa con nhỏ. Giờ giá điện tăng gấp rưỡi như thế này, tính trung bình mỗi ngày nếu cứ sử dụng điện như xưa thì con tôi mất toi một hộp sữa. Trước mỗi tháng gia đình tôi tiêu tốn gần 200 nghìn tiền điện.

Nhà có trẻ nhỏ, muốn tiết kiệm cũng khó nên theo dự kiến tháng này gia đình tôi phải tốn gần 400 tiền điện là ít. So với đồng lương vừa thấp vừa không ổn định của vợ chồng tôi, thì nói các anh chị đừng cười chứ có khi bố hoặc mẹ phải nhịn ăn sáng để bù vào khoản tiền điện phát sinh thay vì cắt giảm khẩu phần ăn vốn đã không sung sướng gì của con mình”.

Các thiết bị như ti vi, tủ lạnh đều tạm ngừng hoạt động (Ảnh: KV) 

Theo khảo sát, một số người thuê trọ ở đây thậm chí còn thanh lý hoặc gửi gần hết các thiết bị điện mà họ cho là không còn cần thiết nữa về nhà. Chẳng hạn, nhà anh Anh, chị Trang vừa chấp nhận lỗ 1 nửa, bán lại chiếc tủ lạnh mới mua với mức giá 2 triệu cho một người quen do họ “không chịu được nhiệt nữa” khi giá điện tăng cao.

Chị Trang chia sẻ: “Vợ chồng tôi mới cưới nhau chưa được bao lâu, giờ nuôi 2 miệng ăn còn chưa đủ nói gì có của để dành. Vậy nên những thiết bị xa xỉ như tủ lạnh, ti vi tôi dẹp tất. Tới đây, tôi sẽ thanh lý nốt chiếc loa công suất lớn – quà cưới của một người bạn cho đỡ chật nhà, đỡ tốn tiền điện. Để chẳng ai dùng tới cũng hỏng đi thì phí. Tôi đang xem xét tới khả năng dùng bếp than tổ ong thay vì dùng nồi cơm điện, chứ lương thì còm cõi, suốt ngày giảm, trong khi tiền nhà trọ, tiền điện nước cứ tăng vùn vụt thế này thì chết”.

Sinh viên: Có cận thêm vài điốp cũng quyết không bật đèn!

Thuấn, sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải, hiện đang trọ ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, từ nhiều ngày nay cậu và bạn bè thường xuyên lui tới thư viện để học cho đỡ tốn tiền điện ở nhà. Tại xóm trọ của Thuấn, chủ nhà đã tăng lên 5 nghìn/số điện do vậy cậu sinh viên này thà “chết cóng chứ không chịu cắm nước nóng tắm”.

Nhiều sinh viên dùng bếp than tổ ong để nấu ăn thay vì dùng các thiết bị điện (Ảnh: KV) 

“Vào thứ Bảy, Chủ nhật, thư viện đóng cửa, em thường lên tầng thượng của nhà trọ, nơi có nhiều ánh sáng để ngồi học. Rét một tí nhưng còn hơn cuối tháng sống xo xưới với số tiền ít ỏi xin từ gia đình. Cả xóm em cũng đã sử dụng bếp than tổ ong từ hơn một tuần nay để nấu ăn và đun nước tắm. Máy tính gần như chỉ khi nào có việc không đừng được em mới vào, còn đâu đến đọc tin tức em cũng hạn chế”, Thuấn tâm sự.

Cùng cảnh ngộ với Thuấn, Duyên, cô bạn cùng xóm trọ nói: “Nghe mấy cậu bạn trai trên lớp mách nước, em chuyển sang dùng đèn USB. Khổ nỗi mắt em đã bị cận hơn 2 phẩy từ lâu rồi, giờ dùng cái đèn này, ánh sáng yếu có khi tiền cắt kính mới còn tốn hơn tiền điện nên nhiều lúc muốn tiết kiệm mà không được em cũng lo lắm”.

Nhiều cô cậu sinh viên khác còn nghĩ ra những chiêu độc hơn để tiết kiệm điện như: nghe nhạc bằng Ipod, tắt điện đi ngủ từ sớm, góp gạo thổi cơm chung, cả xóm trọ xem chung một chiếc ti vi, …nhưng theo Mai Anh (22 tuổi, sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội) thì cuối tháng hoá đơn tiền điện vẫn tăng ầm ầm.

Mai Anh tiết lộ: “Nhiều khi chủ nhà trọ cũng dở chiêu trò để kể cả chúng tôi không sử dụng thiết bị điện nào thì đồng hồ vẫn cứ chạy như xe xuống dốc không phanh. Đến cuối tháng, nhiều người méo mặt do đi vắng cả ngày mà vẫn tốn hàng trăm nghìn tiền điện”.

Nam, (23 tuổi, sinh viên năm cuối của trường Đại học Hà Nội) trần tình, trước còn hay thức nói chuyện với người yêu cả đêm, có thể nói là đúng chất sinh viên ngủ ngày cày đêm, nhưng từ hồi điện tăng giá và chủ nhà trọ “làm giá” thêm một chút nữa đến giờ, đồng hồ chưa điểm 12h đêm là “tôi đã nhắn tin chúc người ấy ngủ ngon rồi”.

“Chỉ cần tốn thêm tầm 100 ngàn đồng tiền điện nữa thôi, thì hết tiền nạp điện thoại, hết tiền chở nàng đi chơi, ăn uống này nọ. Suy cho cùng, cái khó nó bó cái khôn. Biết là ít liên lạc thì tình cảm có thể sẽ bị phai mờ dần, nhưng còn hơn suốt ngày phải đi vay tiền bạn bè hoặc giật khoản nọ bù khoản kia chỉ vì… tiền điện”, Nam nói thêm.

M.Q

Bình luận
vtcnews.vn