Cổ tích những chàng trai bị 'quý ám' ở Mường Chiềng

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 25/08/2012 06:23:00 +07:00

(VTC News) - Em ngồi bên bậu cửa, nhìn chúng tôi len lén, đôi tay cứ gãi xoành xoạch không ngừng.

(VTC News) - Em ngồi bên bậu cửa, nhìn chúng tôi len lén, đôi tay cứ gãi xoành xoạch không ngừng.

Sau lần chúng tôi lên Mường Chiềng phản ánh tình trạng căn bệnh “quỷ ám” gớm ghiếc hoành hành ở đây, khiến cả nước sửng sốt, đầu năm 2010, Viện Da liễu Quốc gia đã lên tận nơi tìm hiểu nguồn gốc, hiện trạng căn bệnh. Viện đã đưa một số bệnh nhân về Hà Nội điều trị.


Xa Văn Hiệp và Xa Văn Tâm đã may mắn được chọn là bệnh nhân điều trị thí điểm. Nếu việc điều trị thành công, Viện sẽ mở rộng điều trị cho các bệnh nhân còn lại.

Anh Xa Văn Anh và cậu con Xa Văn Hiệp. 

Các bác sĩ ở Viện Da liễu Quốc gia đã mang lại niềm hy vọng lớn cho các gia đình nơi đây, bởi họ đã thực sự vái tứ phương, thực sự bất lực vì căn bệnh khủng khiếp này. Người dân nơi đây đã tin rằng, họ bị “quỷ ám” thật.

>> Video: Gặp lại những người bệnh khủng khiếp ở Hoà Bình

Bà Xa Thị Hạc, mẹ của Xa Văn Hiệp đã mang theo ước mong của cả xứ Mường xuống Hà Nội. Các bác sĩ đã tận tình chăm sóc, điều trị thuốc men, máy móc tốt nhất cho Hiệp và Tâm. Thế nhưng, sau 3 tháng điều trị, đồng bào xứ Mường Chiềng lại rơi vào tuyệt vọng: Căn bệnh vô phương cứu chữa.

 
Được chăm sóc, thuốc thang, vết thương trên cơ thể Hiệp đã không còn rỉ máu. 

 

Nhờ có sự giúp đỡ của độc giả Báo điện tử VTC, các cháu bị bệnh ở Mường Chiềng được chữa bệnh, chăm sóc tốt hơn, nhờ đó mà sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Điều đặc biệt là cả cộng đồng quan tâm, hướng về các cháu. Có bác sĩ từ mãi TP.HCM bay ra rồi tìm lên đây thăm khám, bốc thuốc cho các cháu. Đặc biệt là Viện Da liễu Quốc gia, đã thăm khám nhiều lần, gửi rất nhiều thuốc men để điều trị cho các cháu, giúp các cháu chống chọi với căn bệnh quái ác này.
Ông Xa Văn Cò,
Bí thư Đảng ủy xã Mường Chiềng
Bác sĩ nói rằng, căn bệnh khô da sắc tố vô cùng hiếm gặp, trên thế giới cả triệu người mới có người mắc bệnh này. Tỷ lệ thấp là vậy, sao ở Mường Chiềng lại lắm người mắc thế. Chẳng phải “quỷ ma” đang “ám” cuộc sống nơi đây. Ý nghĩ đó khiến người Mường Chiềng càng hoang mang, lo lắng.

Vậy là, những thân phận Mường Chiềng rơi vào tuyệt vọng. Bẵng đi thời gian, chẳng ai quan tâm đến họ nữa, họ bị bỏ quên giữa đại ngàn hoang thẳm. Cho đến một ngày, chúng tôi trở lại vùng đất đau thương ấy.

>>Toàn bộ bài viết, clip về bệnh nhân quỷ ám ở Mường Chiềng
Sự vào cuộc của giới truyền thông, dù không giúp họ trị khỏi căn bệnh quái ác này, nhưng đã giúp họ có thêm chút ý nghĩa với cuộc sống.

Các GS-TS. đầu ngành về da liễu, về gen tiếp tục về Mường Chiềng thăm khám, điều trị. Độc giả cả nước gửi tiền, quà, giúp những gia đình bệnh nhân vốn đã kiệt quệ về kinh tế có được cái ăn, cái cần câu cơm.

Hôm Báo điện tử VTC News dắt những con bò độc giả tặng lên Mường Chiềng nhiều người rơi nước mắt. Tài sản lớn cứ như thể từ trên trời rơi xuống khiến những thân phận nghèo hèn xúc động.

Mấy đứa trẻ trong bản túa lên núi một lúc, thì kéo được anh Xa Văn Anh về. Thấy nhà báo, anh cứ nắm tay xúc động. Anh bảo: “Sao đất nước mình lắm người tốt bụng vậy nhà báo ơi. Con bò người tốt bụng tặng béo lắm. Ngày nào Hiệp cũng đi chăn, nay trái gió trở trời em nó mệt, nên mình phải đi chăn thay em nó”.

Năm 2011, người bạn duy nhất của Xa Văn Thành là chú chim chào mào. 
Không gian của Thành là khung cửa sổ không có chấn song. 

Nói rồi, anh Văn Anh dẫn tôi vào buồng trong của căn nhà sàn. Cửa vẫn đóng, màn vẫn buông. Trời nóng mà Hiệp vẫn đắp chăn bông. Thấy khách, Hiệp chui ra khỏi màn. Em ngồi bên bậu cửa, nhìn chúng tôi len lén, đôi tay cứ gãi xoành xoạch không ngừng.

Lần gặp Hiệp năm ngoái, thú thực, tôi nghĩ chàng trai này khó có thể sống được thêm một năm nữa. Những vết loét không ngừng mở rộng, ăn sâu vào da thịt em. Toàn bộ da mặt, cổ, lưng bị bong tróc, môi phồng rộp, mắt đục mờ. Em cởi áo ra, trông chả khác gì quả đào gọt vỏ. Đã 22 tuổi mà em teo tóp như cậu bé lên 10. Cả ngày em chỉ ru rú ở góc nhà, không dám tiếp xúc với ai.

Giờ Thành đã có bạn. 

Anh Xa Văn Anh bảo, từ khi được báo chí quan tâm, rất nhiều bác sĩ dưới Hà Nội, thậm chí trong Sài Gòn ra thăm khám cho em. Viện Da liễu Quốc gia cũng gửi rất nhiều thuốc lên cho gia đình, cả thuốc uống và thuốc rửa. Độc giả lại gửi tiền ủng hộ, nên Hiệp được bồi dưỡng ăn uống tốt hơn.

Chính vì thế, từ một năm nay, sức khỏe của Hiệp tốt hơn hẳn. Những vết loét dừng lại, không lan rộng, không ăn sâu nữa. Sáng nào cũng vậy, Hiệp dắt bò lên núi thả. Khi nắng lên thì em về nhà. Chiều xuống, mặt trời lặn bên kia dãy Nà Mười, em lại vào rừng dắt bò về.

Chẳng ai chơi với Hiệp, có con bò làm bạn em vui hơn, thấy cuộc sống có ý nghĩa. Chú bò của Hiệp được chăm bẵm cẩn thận nên béo núc ních.

Vết loét trên cơ thể Xa Văn Thành đã ngừng lại. 

Rời nhà Hiệp, chị Xa Thị Thành, Trạm trưởng Trạm y tế Mường Chiềng dẫn chúng tôi đi sâu vào núi tìm nhà em Xa Văn Thành.

Hồi năm ngoái, lên Mường Chiềng, tôi cũng đến nhà Thành. Tôi cứ bị ám ảnh với cậu bé sống cô độc trong ngôi nhà giữa rừng hoang. Hầu như ngày nào bố mẹ và mấy đứa em cũng quần quật trên nương, tối mới về. Chỉ có mình Thành lẩn trốn trong bóng tối. Khi chúng tôi đến, gọi mãi mà Thành chẳng ló đầu ra.

>>Toàn bộ bài viết, clip về bệnh nhân quỷ ám ở Mường Chiềng

Khi chị Xa Thị Thành vào trong buồng, kéo Thành ra, thì em mới nem nép ra ngoài. Thế giới bên ngoài của Thành chỉ là manh cửa sổ không có chấn song. Hàng ngày, em xách lồng chim chào mào ra cửa sổ, rồi trò chuyện với chim, phóng ánh mắt ra ngoài, đếm từng cành cây ngọn cỏ, từng đám mây lang thang trên bầu trời.

Xa Văn Thành. 

Lần này tôi đến, thấy có mấy đứa trẻ cùng Thành ngồi ở chân cầu thang. Chị Xa Thị Thành gọi, em chạy ra ngay. Có vẻ như em đã hòa đồng hơn. Bọn trẻ trong xóm cũng không coi Thành như “con quỷ” nữa.

Chị Xa Thị Thành vạch áo kiểm tra vết loét trên người Thành, rồi cho chúng tôi xem. Tôi thực sự ngỡ ngàng vì sự chuyển biến bệnh tật của em. Từ ngày được cấp thuốc miễn phí, được ăn uống đủ dưỡng chất, căn bệnh lở loét đã dừng lại, không phá hoại cơ thể em ghê gớm nữa. Các vết loét dù không thể lành, nhưng đã khô miệng.

Điều đặc biệt là Thành đã giúp được cha mẹ việc nhà. Cha mẹ lên nương, em ở nhà nhặt rau, nấu cơm.

Thành đã làm được việc nhà. 

Như để chúng tôi tin đó là sự thật, Thành đã lấy gạo trong nhà đem xối nước vo sạch, đổ vào xoong, rồi bê lên bếp. Thành nhóm lửa như người thành thục.

Theo chị Xa Thị Thành, hầu hết những người mắc căn bệnh quái ác này đều bị khó vận động, thiểu năng trí tuệ, chẳng làm được việc gì ngoài ru rú trong nhà và gãi xoành xoạch suốt ngày.

Thành sống được đến ngày nay đã là niềm mơ ước của ông Xa Văn Lằm và bà Hà Thị Khoa, huống chi em đã khỏe mạnh hơn, nhanh nhẹn hơn, hòa đồng hơn. Có được sự giúp đỡ, chăm sóc của cộng đồng, em như được tái sinh lần nữa.
Gia phả thể hiện những bệnh nhân khô da sắc tố ở Mường Chiềng có họ hàng với nhau.  (Bệnh nhân khô da sắc tố có nét gạch chéo)


Lần trở lại Mường Chiềng, chị Xa Thị Thành đã cung cấp cho tôi một gia phả khiến tôi ngỡ ngàng. Nguyên nhân mắc bệnh của những bệnh nhân khô da sắc tố ở Mường Chiềng đã hé lộ phần nào.

Toàn bộ 10 trường hợp mắc bệnh khô da sắc tố ở Mường Chiềng đều có liên hệ họ hàng với nhau. Trường hợp gần thì con chú, con bác, anh em đằng ngoại, xa nhất thì chung cụ tổ 6 đời.

Điều đặc biệt là căn bệnh này xảy ra hàng loạt ở đời thứ 6. Theo chị Xa Thị Thành, có thể gen lặn từ đời tổ tiên đã phát tác, khiến các cháu chắt phải chịu căn bệnh khủng khiếp này.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn