Cổ phiếu ngân hàng Eximbank bị đưa vào diện cảnh báo, trách nhiệm kiểm toán ở đâu?

Kinh tếThứ Năm, 07/04/2016 02:46:00 +07:00

Eximbank không phải là trường hợp đầu tiên gây choáng cho cổ đông về số liệu trình bày trên báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Ernst & Young Việt Nam.

Eximbank không phải là trường hợp đầu tiên gây choáng cho cổ đông về số liệu trình bày trên báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Ernst & Young Việt Nam.

Trước Eximbank 2 đơn vị mang đậm “dấu ấn EY Việt Nam” là Dược phẩm Viễn Đông và Habubank.

 Ảnh minh họa.
Ngày 8/4/2016 tới đây, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (mã EIB) sẽ bị đưa vào diện cảnh báo do có lợi nhuận chưa phân phối trong 2 năm 2014 và năm 2015 bị âm.

Các sai phạm của ban điều hành EIB đều đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố và lãnh đạo EIB thông báo đến các cổ đông. Nhưng các sai phạm này một lần nữa khiến báo cáo tài chính của EIB trở nên u ám hơn là điều các cổ đông không lường trước. 

Bán - mua lại tài sản không đúng quy định từ năm 2010 - 2015

Theo kết luận thanh tra do NHNN ban hành ngày 19/10/2015 EIB đã bán một số tài sản cố định là bất động sản cho CTCP Bất động sản Exim (Eximland) trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2013 và đã ghi nhận các khoản lợi nhuận vào báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của các năm 2010 - 2013. Sau đó, EIB đã mua lại các tài sản này từ Eximland trong thời gian từ 2011 - 2015.

Theo kết luận thanh tra trên, EIB phải ghi nhận giảm thu nhập do bán các tài sản không đúng quy định và ghi giảm các chi phí liên quan khác để khôi phục giá trị tài sản về giá trị ban đầu.

Với điều chỉnh nói trên, khoản mục lợi nhuận chưa phân phối của EIB trên bản cân đối kế toán phải điều chỉnh 948,6 tỷ đồng, qua đó làm cho lợi nhuận chưa phân phối năm 2014 chuyển từ lãi 114 tỷ đồng sang lỗ chưa phân phối 834,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận chưa phân phối năm 2015 là âm (-) 817,5 tỷ đồng. Đây cũng là lý do chính khiến Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đưa cổ phiếu EIB vào diện cảnh báo kể từ ngày 8/04/2016 theo quy định của Quy chế Niêm yết chứng khoán tại HOSE.

Trách nhiệm của Ernst & Young ở đâu?

Trong giai đoạn 2010 - 2014 Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) là đơn vị được lựa chọn để kiểm toán báo cáo tài chính của EIB. Ở giai đoạn này, trong các báo cáo kiểm toán của EIB, kiểm toán viên của EY đều “tin tưởng rằng các bằng chứng kiểm toán mà chúng tôi đã thu thập được là đầy đủ và thích hợp làm cơ sở cho ý kiến kiểm toán của chúng tôi”.

Đồng thời kiểm toán viên đưa ra ý kiến “các báo cáo tài chính hợp nhất phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính hợp nhất của ngân hàng và các công ty con” tại ngày kết thúc năm tài chính 31/12 hàng năm; “kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất và tình hình lưu chuyển tiền tệ hợp nhất cho năm tài chính kết thúc cùng ngày phù hợp với các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) và Hệ thống Kế toán các Tổ chức tín dụng Việt Nam và tuân thủ theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

Bỏ qua năm 2010 khi EIB đã bán các tài sản bất động sản ghi nhận doanh thu và lợi nhuận, nhưng chưa mua lại các tài sản nói trên thì từ năm 2011 đến năm 2014 EIB đã tiến hành mua lại tài sản và vẫn ghi nhận lợi nhuận trong 3 năm 2011, 2012, 2013.

Việc bán rồi mua lại và ghi nhận các bút toán kế toán trong sổ sách EIB cho hoạt động nói trên được NHNN kết luận là không đúng quy định. Vậy nhưng EY đã không phát hiện ra điều này trong 4 năm qua để có ý kiến hay lưu ý đối với người đọc báo cáo tài chính, mà đích danh chính là các cổ đông, nhà đầu tư của EIB.

Liệu đây có phải “lỗi” phát sinh từ sự khác biệt trong đánh giá báo cáo tài chính theo VAS và đánh giá báo cáo trên cơ sở tính mức rủi ro cao nhất của NHNN không? Khó có thể nói đây là lỗi từ sự khác biệt trong 2 cách đánh giá của 2 tổ chức bởi bản thân EY cũng đánh giá báo cáo tài chính dựa vào các quy định của NHNN.

Đây không phải là lần đầu tiên EY không phát hiện ra các vấn đề có ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Còn nhớ năm 2012, tại Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) cho năm tài chính kết thúc 2011, cổ đông của Habubank đã choáng khi biết vốn chủ sở hữu của Habubank chỉ còn 195 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ 4.050 tỷ đồng và mức vốn chủ sở hữu 4.051 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2011. Bởi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 là EY cho rằng “xét trên các khía cạnh trọng yếu, phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính hợp nhất của ngân hàng và các công ty con….”.

EY cũng là đơn vị kiểm toán cho CTCP Dược phẩm Viễn Đông (mã DVD) từng niêm yết trên HOSE và kiểm toán viên của EY đã không phát hiện ra lãnh đạo của DVD đã “phù phép” như thế nào với nghiệp vụ mua bán để có lợi nhuận ảo.

Thay lời kết, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo của một doanh nghiệp từng là kiểm toán viên công tác tại Big 4 nhận xét, hiện các công ty kiểm toán khá vô tâm với những lợi ích của cổ đông và bị chi phối quá nhiều bởi áp lực tài chính dẫn đến chất lượng báo cáo kiểm toán giảm sút nghiêm trọng. Báo cáo kiểm toán là căn cứ “bám víu” của cổ đông/nhà đầu tư để hiểu biết về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp nhưng nay chất lượng báo cáo kiểm toán giảm sút, độ tin cậy thấp cổ đông, nhà đầu tư phải làm gì để tránh mất tiền oan khi nắm giữ/đầu tư cổ phiếu?!

Nguồn: BizLIVE
Bình luận
vtcnews.vn