Cô gái 19 tuổi mắc chứng rối loạn máu hiếm gặp sau khi nổi ban đỏ

Bệnh và thuốcThứ Tư, 02/11/2022 07:01:22 +07:00

Sau khi thấy cơ thể nổi mẩn đỏ lạ thường, Pascarella đến bệnh viện và được chẩn đoán mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch, nhưng may mắn, cô không bị chảy máu trong.

Theo Insider, Juliana Pascarella, 21 tuổi, đến từ Virginia, Mỹ, được chẩn đoán mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP) năm 19 tuổi. Bệnh này đặc trưng bởi lượng tiểu cầu thấp, tế bào hình thành cục máu đông để cầm máu.

Theo Johns Hopkins Medicine, tiểu cầu thấp có thể dẫn đến tình trạng dễ bị bầm tím, chảy máu nướu răng và chảy máu trong bao gồm cả vùng xung quanh não.

ITP xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phá hủy các tiểu cầu, nhưng chúng ta không biết tại sao điều này lại xảy ra. Thông thường, trường hợp của cô Pascarella không rõ nguyên nhân, nhưng một số loại thuốc, việc mang thai, nhiễm virus hoặc rối loạn tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp có thể gây ra bệnh.

Theo Tổ chức Quốc gia về Rối loạn Hiếm gặp, khoảng 3 người trong số 100.000 người được chẩn đoán mắc bệnh này mỗi năm.

Cô Pascarella cho biết cô muốn giúp những người khác hiểu được tình trạng mà cô ấy "từng không biết gì về nó".

Cô Pascarella không bị chảy máu trong

Cô Pascarella cho biết vào một đêm nọ, chỉ trong khoảng 15 phút, cả cơ thể và chân của cô xuất hiện nhiều “vết chấm”, trên môi dưới có vảy và mũi không ngừng chảy máu. Trong vòng một giờ, những chấm đó đã biến thành vết bầm tím. Ban đầu, cô nghĩ những vết phát ban này vô hại.

Cô đến bệnh viện và xét nghiệm máu cho thấy số lượng tiểu cầu là 3.000 trong khi số lượng tiểu cầu bình thường là 150.000-450.000. Bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch được chẩn đoán khi lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 100.000.

Các triệu chứng của ITP có thể bao gồm: Đốm xuất huyết (chấm nhỏ, màu đỏ trên da hoặc tím dưới da), ban xuất huyết (vùng tổn thương lớn hơn có màu đỏ, tím hoặc vàng nâu), cục máu đông dưới da, chảy máu cam, chảy máu lợi, tiểu tiện hoặc đại tiện ra máu, kinh nguyệt nhiều và rất mệt mỏi.

Cô Pascarella cho biết mình phát hiện ra những chấm trên chân của mình là đốm xuất huyết. Gần đây, cô cũng cảm thấy mệt mỏi và buồn nôn.

Các bác sĩ nói với cô rằng cô rất may mắn vì không bị chảy máu trong, và nếu không đến bệnh viện, khả năng cao, cô không thể được cứu.

Cô gái 19 tuổi mắc chứng rối loạn máu hiếm gặp sau khi nổi ban đỏ - 1

Tiểu cầu thấp có thể dẫn đến tình trạng dễ bị bầm tím, chảy máu nướu răng và chảy máu trong bao gồm cả vùng xung quanh não. (Ảnh: Orlandohealth)

Cách điều trị bệnh ITP

Bác sĩ điều trị cho cô Pascarella bằng cách truyền tiểu cầu kéo dài 3-7 giờ và cô cảm thấy rất đau đớn.

Theo Johns Hopkins Medicine, việc điều trị bệnh ITP phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau bao gồm tuổi tác, mức độ nghiêm trọng của bệnh và các tình trạng y tế khác. Nhưng cách điều trị có thể bao gồm dùng steroid hoặc kháng thể làm chậm quá trình phá hủy tiểu cầu, truyền tiểu cầu và thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.

"Việc thay thế hoàn toàn máu của mình bằng máu người khác là điều mà tôi không thể chấp nhận được. Quá trình điều trị luôn khiến tôi buồn nôn và đau đớn", cô Pascarella chia sẻ.

Cô Pascarella cũng cho biết các bác sĩ đã cho cô xuất viện sau khi truyền máu và sau vài tháng nghỉ ngơi. Cô đã ổn và xét nghiệm máu 3 tháng/lần để theo dõi tiểu cầu.

"Tôi nói chung là ổn. Ngoài nỗi sợ hãi một ngày nào đó mình sẽ cảm thấy mệt mỏi hoặc ốm yếu, tôi có nguy cơ phát bệnh lần nữa", cô nói.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn