Có bao nhiêu nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án giao thông lớn?

Đầu TưThứ Năm, 09/06/2022 16:34:46 +07:00
(VTC News) -

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đặt câu hỏi: Hiện nay Việt Nam có bao nhiêu nhà thầu thi công giao thông đủ năng lực để thực hiện các dự án giao thông lớn?

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải chiều 9/6, đại biểu Hoàng Anh nhắc lại lời ông Nguyễn Văn Thể rằng chỉ có những dự án lớn mới chậm tiến độ. Tuy nhiên, Bộ lại tham mưu với Chính phủ trình 5 dự án lớn tiếp theo tại kỳ họp này. “Như vậy, trong thời gian tới chúng ta có khoảng 9 dự án cao tốc cùng một lúc, khả năng chậm tiến độ là hiện hữu”, ông Hoàng Anh nói.

Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Thể cho biết hiện nay Việt Nam có bao nhiêu nhà thầu thi công giao thông đủ năng lực để thực hiện các dự án này và có bao nhiêu thiết bị máy móc mà có thể thi công cùng một lúc với 9 dự án? “Nếu không đảm bảo tiến độ thì trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng thế nào?", ông Hoàng Anh chất vấn.

Có bao nhiêu nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án giao thông lớn? - 1

Đại biểu Lê Hoàng Anh. (Ảnh: Quốc hội)

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết tại trang web của Cục Quản lý Hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) đã nêu đầy đủ danh mục các nhà thầu giao thông. Chúng tôi kiểm tra và thấy rằng có 48 nhà thầu từng làm công trình giao thông cấp 1 (làm được cấp 1 thì làm được cao tốc). “48 nhà thầu này đều có năng lực làm dự án từ 1.000 - 5.000 tỷ đồng. Trong đó, có 2 nhà thầu có thể làm dự án trên 5.000 tỷ đồng. Với lực lượng đông đảo như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình thực hiện dự án, không phải nhà thầu trúng thầu là sẽ làm toàn bộ. Thường thì nhà thầu chính sẽ có 30% thuê các nhà thầu nhỏ để hỗ trợ (nhà thầu sẽ phải đăng ký trong hồ sơ mời thầu). Do đó, ngoài 48 nhà thầu trên, có hàng trăm nhà thầu có thể làm được dự án 300 - 400 tỷ đồng cùng tham gia thực hiện các dự án.

Nhà đầu tư không mặn mà với BOT

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, thắc mắc: Vì sao hiện nay nhà đầu tư không mặn mà với dự án BOT, nhất là lĩnh vực cầu đường?

Ông Thân cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói rõ bao nhiêu phần trăm hoàn thành dự án trọng điểm quốc gia tới 12/2025 thì được coi là "cơ bản hoàn thành"?

Có bao nhiêu nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án giao thông lớn? - 2

Đại biểu Nguyễn Văn Thân. (Ảnh: Quốc hội)

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể một lần nữa nhắc lại sự khác nhau giữa dự án BOT trước khi có Nghị quyết 437 và hiện nay BOT được thực hiện theo hình thức PPP. Các dự án PPP hiện nay làm trên đường song hành, tuyến cao tốc, không phải trên đường độc đạo. Còn BOT trước đây thực hiện theo nghị định 108, do đó bức xúc BOT hiện nay tập trung chủ yếu trên đường hiện hữu.

Một trong những quan ngại của nhà đầu tư là nợ xấu do hụt doanh thu và một số trạm còn có vấn đề. Do đó, chúng ta cần phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong đó có quyền lợi của các nhà đầu tư, các ngân hàng có liên quan”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Thể cho biết thêm, khi giải quyết như thế này, đại diện các ngân hàng đều bày tỏ sự ủng hộ. Tuy nhiên họ mong muốn giải quyết các vấn đề cũ của BOT. Bộ Giao thông Vận tải sẽ cố gắng phối hợp với các bộ ngành, rà soát kỹ một số nguồn lực để xử lý dứt điểm.

Về câu hỏi các dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2025, Bộ trưởng Thể giải thích: “Cơ bản hoàn thành có nghĩa rằng đến thời điểm đó, những đoạn đường bình thường được rải thảm nhựa toàn bộ. Chỉ một số đoạn phải xử lý nền đất yếu cần thời gian kéo dài”.

Công Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn