TS Bùi Quang Tín rơi lầu: 7 cán bộ ĐH Ngân hàng TP.HCM đối diện mức phạt nào?

Pháp đìnhThứ Sáu, 10/04/2020 19:21:27 +07:00
(VTC News) -

Các cán bộ ĐH Ngân hàng TP.HCM tụ tập ăn nhậu trong thời gian cách ly xã hội trước khi TS Bùi Quang Tín rơi lầu thiệt mạng có thể chịu nhiều hình thức xử lý.

Sau vụ TS Bùi Quang Tín rơi lầu thiệt mạng ngay sau bữa tiệc với một số lãnh đạo và cán Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, 7 cán bộ của trường này, trong đó có hiệu trưởng, bị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày để tổ chức kiểm điểm, xem xét xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về cách ly phòng, chống dịch COVID-19. 

Ngoài xử lý vi phạm quy định về cách ly, 7 cán bộ này còn chịu hình thức kỷ luật nào khác? Phóng viên VOV.VN trao đổi với Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc hãng luật TGS - Đoàn Luật sư TP Hà Nội để làm rõ hơn về vấn đề này.

TS Bùi Quang Tín rơi lầu: 7 cán bộ ĐH Ngân hàng TP.HCM đối diện mức phạt nào? - 1

Khu căn hộ New Saigon ở huyện Nhà Bè, nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

 

- Theo luật sư, những cán bộ của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tham gia bữa tiệc trong lúc cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng phải chịu mức phạt thế nào?

Ngày 31/3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản 2601 hướng dẫn thực hiện chỉ thị 16, đó là "không được tụ tập quá 2 người, phải giữ cự ly 2m".

Tụ tập nhiều người để ăn nhậu là vi phạm Chỉ thị của Thủ tướng. Hành vi này có thể bị xử phạt 5-10 triệu đồng, căn cứ khoản 4, điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, nếu việc tổ chức ăn nhậu - không chấp hành biện pháp hạn chế tập trung đông người dẫn đến phát tán, lây lan dịch bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng (phát sinh người nhiễm bệnh hoặc phát sinh chi phí của xã hội để cách ly y tế, chữa trị,…), người vi phạm có thể sẽ bị xem xét xử lý hình sự.

Nếu người vi phạm là công chức thì còn bị xem xét xử lý kỷ luật theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP, nếu là viên chức thì bị xem xét kỷ luật theo Nghị định 27/2012/NĐ-CP.

- 6 người tham gia bữa tiệc đều là lãnh đạo các phòng, ban của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, trong đó có cả hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. Vậy, với trách nhiệm đứng đầu đơn vị, hai ông này bị xử lý thế nào?

Với những người tham gia bữa tiệc có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như tôi vừa nêu trên, cần xem xét họ có là đảng viên hay không? Nếu họ là đảng viên thì có những quy định riêng về việc xử lý đối với các đảng viên vi phạm.

Cán bộ, đảng viên tụ tập ăn nhậu rõ ràng là vi phạm quy định, cần xử lý nghiêm. Đã có chỉ thị của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, của Thủ tướng xuống tới các địa phương về phòng chống dịch bệnh, đó là các văn bản có tính quy phạm bắt buộc tuân thủ.

Các đảng viên tụ tập ăn nhậu thì vừa không gương mẫu chấp hành chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, vừa không chấp hành quy định của Nhà nước là vi phạm quy định 102-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đồng thời, việc tụ tập ăn nhậu lại xảy ra tai nạn đáng tiếc hoặc sự cố ngoài ý muốn gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên thì vi phạm quy định 47-QĐ/TW (những điều đảng viên không được làm).

Như vậy, đảng viên tụ tập ăn nhậu có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm "thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước".

Giữa lúc toàn dân phải hy sinh nhiều thứ để tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng nhằm phòng chống dịch bệnh mà đảng viên lại không tuân thủ, làm gương, tổ chức nhậu nhẹt đông người thì cần phải kỷ luật thật nghiêm.

- Được biết, người tổ chức bữa tiệc là ông Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế. Vậy ông này chịu trách nhiệm thế nào khi tổ chức bữa tiệc và sau đó xảy ra việc ông Tín rơi lầu thiệt mạng?

Trường hợp ông Trần Việt Dũng là người tổ chức bữa tiệc thì ông này sẽ bị xử lý hành chính khi không chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng như các quy định khác đối với đảng viên, công chức, viên chức.

Về nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Bùi Quang Tín, các cơ quan đang tiến hành điều tra, xác minh.

Trong quá trình điều tra nếu xác định được ông Dũng có liên quan trực tiếp đến cái chết của ông Tín thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Sau khi ông Bùi Quang Tín qua đời, gia đình có đơn đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ nguyên nhân. Theo luật sư, trong hoàn cảnh này, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành trình tự các bước tiếp theo thế nào?

Đối với trường hợp này, cơ quan cảnh sát điều tra bước đầu khởi tố vụ án hình sự theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự khi có tố giác của cá nhân.

Bước 2 là xác định thẩm quyền điều tra vụ án hình sự, căn cứ theo khoản 1 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự thì cơ quan điều tra của Công an Nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra trong Quân đội Nhân dân và cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Bước 3, cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Khởi tố và hỏi cung bị can; lấy lời khai người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đối chất và nhận dạng; khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật; khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể nạn nhân, thực nghiệm điều tra; giám định và định giá tài sản (nếu có).

Bước 4, kết thúc điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát truy tố nếu có đủ chứng cứ, hoặc đình chỉ điều tra theo Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hay hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can là người đã thực hiện hành vi phạm tội.

Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra có thể kiến nghị Viện Kiểm sát tạm đình chỉ điều tra vụ án theo Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

- Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có người đẩy nạn nhân ngã xuống đất hoặc sát hại nạn nhân rồi đẩy nạn nhân rơi xuống thì người này sẽ bị truy cứu thế nào?

Hiện nay, sự việc vẫn đang được cơ quan điều tra tích cực làm rõ. Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan điều tra phát hiện người có hành vi đẩy ông Bùi Quang Tín rơi từ lầu 14 xuống thì đây được coi là hành vi giết người. Bởi vì, người phạm tội nhận thức rõ được hành vi đẩy người từ trên cao xuống có thể dẫn đến chết người, cụ thể hơn là tước đoạt tính mạng của người khác.

Người có hành vi đẩy nạn nhân xuống đất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Người phạm tội thực hiện tội phạm bằng các hình thức, động cơ được nêu tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.

Nguyễn Hiền/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn