Chuyện 'tỷ phú lại nghèo' tại các khu tái định cư ở Bình Định

Đời sốngThứ Tư, 02/08/2023 10:14:00 +07:00
(VTC News) -

Những khu tái định cư với nhà cửa khang trang mọc lên tại Bình Định sau một thời gian xuất hiện nhiều điểm bất cập, người dân trở nên bế tắc với sinh kế.

Trầy trật mưu sinh hằng ngày

Để thực hiện các đại dự án, Bình Định đã chi số tiền không nhỏ để đền bù, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Nhiều hộ gia đình trong phút chốc bỗng trở thành "tỷ phú", họ đua nhau xây dựng những ngôi nhà với giá hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng, điều mà trước đây chẳng ai dám nghĩ tới. 

Thế nhưng, đó đã là câu chuyện xưa cũ. Còn hiện tại, nhiều "tỷ phú" ở các khu TĐC lại đang phải chật vật với cuộc sống mưu sinh, bế tắc với sinh kế. Bởi "miệng ăn núi lở", tiền có nhiều nhưng tiêu mãi rồi cũng hết.

Gần 1 năm trước, gia đình bà Trần Thị M. chuyển đến sinh sống tại ngôi nhà mới ở khu TĐC Đông Chùa Bình An (tổ 15, khu phố 2, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn). Để duy trì cuộc sống, phần trước ngôi nhà được bà M. sử dụng để mở một quán bán tạp hóa. Tuy nhiên, việc buôn bán lại không diễn ra suôn sẻ như những gì bà M. dự tính. “Người mua ít nên việc buôn bán cũng trở nên ế ẩm” - bà M. cho hay.

Buôn bán ế ẩm nên cuộc sống của gia đình bà M. cũng trở nên bấp bênh, bởi quán tạp hóa là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình bà hiện nay. Theo bà M., khi chuyển đến sinh sống tại khu TĐC, dù có nhà cửa khang trang nhưng cuộc sống lại khó khăn do không có việc làm.

Trước đây, có vườn thì có cái ăn, không sợ đói. Giờ ra đây, việc làm thì không có, nhưng sáng mở mắt ra đã phải lo đủ thứ, từ tiền ăn đến tiền rác, tiền nước. Tiền đền bù sau khi xây nhà còn lại một ít giờ cũng sắp cạn vì phải đem ra chi tiêu”, bà M. buồn bã nói.

Những ngôi nhà khang trang tại khu TĐC Đông Chùa Bình An.

Những ngôi nhà khang trang tại khu TĐC Đông Chùa Bình An.

Còn tại khu TĐC Hòa Hội ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) vắng hoe. Vài ba ngôi nhà khang trang nhưng vẫn cửa đóng then cài, xung quanh cỏ dại mọc đầy do người dân chưa chịu về tái định cư. Đây là nơi ở của cư dân sau khi nhường đất cho Dự án Khu công nghiệp Hòa Hội

Là một trong những gia đình hiếm hoi ở khu TĐC, bà Nguyễn Thị Phúc (60 tuổi) luôn mong có người đến trò chuyện để xua đi không khí hiu quạnh. Trước đây, gia đình bà có đất nông nghiệp để sản xuất, mang lại thu nhập ổn định. Nhưng từ khi về nơi ở mới, vợ chồng bà trở thành… thất nghiệp.

Chồng bà đi làm thuê nhưng do sức khỏe yếu nên thu nhập chẳng đáng là bao, còn bà ở nhà nuôi 2 con bò nhưng lại không dám thả rông vì “nuôi gì ở đây cứ sểnh ra là bị trộm”. Vì vậy bò gầy tong teo, chẳng biết khi nào mới được bán để thu hồi vốn. Có những bữa trưa, gia đình bà chỉ vỏn vẹn vài con cá, mớ rau tập tàng.

Khu TĐC ngay thành phố, hơn 2 năm không có nước sạch, điện

Để thực hiện dự án Hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã bố trí tái định cư cho hơn 160 hộ dân. Tuy nhiên, các khu vực tái định cư lại chưa đảm bảo hạ tầng, gây khó khăn rất lớn đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân.

Đến tận cuối tháng 6/2023, khu TĐC này vẫn chưa được đầu tư hệ thống nước sạch, người dân phải bắt những đường ống dẫn nước tạm bợ vừa mất mỹ quan cho một khu tái định cư vừa không đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân. Do không được đầu tư hệ thống nước sạch nên hàng chục hộ dân ở đây phải mua nước từ một đơn vị thi công với giá gần 30.000 đồng/m3.

15h một ngày cuối tháng 6, Quy Nhơn nhiệt độ trên 36 độ C, ông Trần Thanh Quang (64 tuổi, Khu TĐC Đông chùa Bình An, tổ 15, khu phố 2, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) ngồi hóng mát ở hiên nhà, đợi trời mát hơn một chút thì kéo ống nước qua nhà người quen ở khu bên cạnh lấy nước sạch về nấu nướng, tắm rửa.

Người dân Khu TĐC Đông chùa Bình An, tổ 15, khu phố 2, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn phản ánh với VTC News về những bất cập tại khu TĐC.

Người dân Khu TĐC Đông chùa Bình An, tổ 15, khu phố 2, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn phản ánh với VTC News về những bất cập tại khu TĐC.

Ông Quang cho biết, gia đình ông có đất bị thu hồi để thực hiện Dự án hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh, nên được bố trí lô đất tái định cư tại đây. Nhà đã xây dựng xong, gia đình cũng đã vào sinh sống ổn định từ 2 năm nay, nhưng chờ mãi không có nước sinh hoạt.

Hằng ngày, gia đình tôi phải mua nước bình để uống, kéo nước xa hàng trăm mét từ nhà người dân ở bên cạnh khu tái định cư với giá cao để sinh hoạt. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp giúp người dân thoát cảnh này”, ông Trần Thanh Quang nói.

Không những thế, tại đây còn thiếu nhiều hạng mục hạ tầng thiết yếu như đèn chiếu sáng, cây xanh và cả hệ thống thu gom nước thải. Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Còn tại Khu quy hoạch dân cư khu phố 6, người dân ở tổ 43 (khu phố 6, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn cho hay, hàng chục hộ dân đến đây sinh sống sau 2 năm mới có lưới điện. Trước đó họ phải câu nhờ điện từ các hộ ở khu dân cư khác hoặc xin kéo điện từ tủ điện cách khu dân cư hàng chục mét về cho gia đình sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn điện chập chờn, khiến nhiều vật dụng bằng điện của gia đình thường xuyên hư hỏng.

Người dân đã nhiều lần kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay mới được khắc phục”, một người dân cho biết.

Không được đầu tư hệ thống nước sạch, người dân phải bắt những đường ống dẫn nước tạm bợ gây mất mỹ quan cho khu tái định cư.

Không được đầu tư hệ thống nước sạch, người dân phải bắt những đường ống dẫn nước tạm bợ gây mất mỹ quan cho khu tái định cư.

Nhiều khu tái định cư tiền tỷ lưa thưa vài hộ dân 

Năm 2006, UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho xây dự án Khu du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát (do Công ty TNHH MTV du lịch và khách sạn Việt - Mỹ làm chủ đầu tư) với quy mô gần 300 ha, vốn đầu tư thực hiện 250 triệu USD.

Để di dời 320 hộ dân xã Cát Hải bị ảnh hưởng do dự án trên, tỉnh Bình Định đã cho xây dựng 2 khu TĐC (TĐC 1, 2) với tổng diện tích khoảng 24 ha tại xã Cát Tiến.

Trong đó, khu TĐC tại thôn Phương Phi (khu 1) rộng 10 ha, còn khu TĐC ở thôn Phú Hậu (khu 2) có diện tích 14 ha. 2 khu này được đầu tư xây dựng vào năm 2010. Hệ thống cơ sở hạ tầng như: Điện thắp sáng, đường giao thông nội bộ, nước sạch, hệ thống thu gom nước thải, rác thải… đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2015, do chủ đầu tư chậm triển khai dự án so với cam kết nên UBND tỉnh Bình Định đã thực hiện các thủ tục để thu hồi Giấy phép đầu tư. Vì vậy, nhiều năm qua, 2 khu TĐC trên bỗng dưng không có người ở.

Khu TĐC ở thôn Phú Hậu (xã Cát Hải, huyện Phù Cát) thành "bãi tập kết" rác.

Khu TĐC ở thôn Phú Hậu (xã Cát Hải, huyện Phù Cát) thành "bãi tập kết" rác.

Cả hai khu TĐC mới có khoảng 10 hộ xây dựng nhà ở; trong đó, nhiều hộ thuộc diện tái định cư tại chỗ. Hai khu TĐC rộng hàng chục héc-ta giờ trở thành những điểm tập kết cát, nguyên vật liệu xây dựng, các phương tiện vận tải phục vụ thi công công trình...

Khu TĐC tại thôn Phú Hậu lại bất đắc dĩ trở thành... bãi rác. Nhiều người dân sống quanh khu TĐC lén lút mang các loại rác thải sinh hoạt, xác súc vật chết... bỏ vào, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch, đường ống nước thải... bị bỏ hoang lâu ngày cũng bắt đầu xuống cấp.

Khu TĐC Hòa Hội ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) vắng hoe, cỏ dại mọc đầy.

Khu TĐC Hòa Hội ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) vắng hoe, cỏ dại mọc đầy.

Khu TĐC Hòa Hội ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) được xây dựng để phục vụ nhu cầu định cư của người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Khu công nghiệp Hòa Hội. Hiện khu đất rộng hàng nghìn mét vuông có đầy đủ cơ sở hạ tầng, mới chỉ lưa thưa vài hộ vào xây dựng nhà ở. Phần đất trống được nhiều người dân địa phương làm nơi chăn thả gia súc.

Trong khi đó, nhiều hộ dân địa phương “khóc dở, mếu dở” vì diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp do ngành chức năng thu hồi để xây dựng các khu TĐC.

“Nhà nước thu hồi đất sản xuất để làm dự án thì người dân đồng ý, nhưng thu hồi rồi lại bỏ hoang vậy thì quá lãng phí. Toàn bộ khu đất bị thu hồi làm khu TĐC vốn là ruộng đất phì nhiêu, người dân trồng lúa rất tốt”, ông Nguyễn Năm người dân thôn Phú Hậu cho biết.

Và bài toán làm sao để người dân khu tái định cư thực sự “an cư lạc nghiệp” vẫn đang là một bài toán làm đau đầu chính quyền tỉnh Bình Định và các địa phương có người dân phải di dời để phục vụ các dự án.

"Quan điểm của Đảng rất rõ, khi thu hồi đất, thực hiện tái định cư phải làm sao để người dân nhường đất chuyển đi nơi khác được đảm bảo bằng hoặc hơn nơi ở cũ" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

An Yên- Nguyễn Gia
Bình luận
vtcnews.vn