Chuyện lạ về chợ đêm lềnh bềnh trên sông

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 07/01/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Đèn pin là để soi đường đi từ sườn núi xuống, bao cao su là để đám lái xe thử mùi gái sông nước sau khi đã chán chê gái rừng.

(VTC News) - Chợ họp từ chập tối hôm trước đến sáng sớm hôm sau là tan. Đoàn thuyền neo đậu ở đâu là chợ họp ở đó. Chợ nổi là nơi trao đổi hàng hóa của đồng bào sống ven sông Đà.

Chợ thuyền trên sông

Thủy điện Hòa Bình xây dựng khiến 18 xã của Hòa Bình và cả chục xã của Sơn La bị mất trắng cả đất ở lẫn đất canh tác. Một bộ phận đi định cư ở nơi khác, một bộ phận di cư lên cao hơn mỗi khi nước dâng lên, số còn lại sắm thuyền, sắm bè sống trôi nổi trên hồ. Những hộ có nhiều vốn thì sắm thuyền lớn cho cả gia đình sinh sống rồi nay nơi này, mai nơi khác để buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Chợ nổi trên sông Đà ở xã Liệp Tè (Thuận Châu, Sơn La). 

Chợ nổi đêm trên hồ Hòa Bình xuất hiện cách đây khoảng 15 năm. Những gia đình có vốn đầu tư sắm thuyền vài trăm triệu rồi liên kết với nhau tạo thành những cái chợ nổi. Những bản làng bên hồ Hòa Bình đã mất đất, mất cả chợ, nên những chiếc thuyền nổi này là cái chợ di động để họ trao đổi hàng hóa. Những cái chợ nổi rất phù hợp với địa hình núi cao, sông sâu, đường không có, nên nó đã vượt hồ Hòa Bình, ngược sông Đà lên tận Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai của Sơn La, thậm chí còn ngược lên tận đầu nguồn sông Đà thuộc đất Lai Châu.

Thông thường, mỗi chợ nổi có khoảng 10 đến 40 chiếc thuyền lớn, chở đầy đủ các loại hàng hóa thiết thực phục vụ đời sống người dân. Các chủ thuyền đề ra quy ước và mọi hoạt động đều theo những quy ước đó.

Đi chợ. 

Mỗi chiếc thuyền kinh doanh một vài loại mặt hàng khác nhau, chủ yếu là những mặt hàng mà bà con Mường, Thái, Dao, Mông… tiêu dùng trong đời sống. Từ những đôi đũa, cái đĩa, xoong nồi, đến cả tivi, tủ lạnh, xe máy, đầu nổ, điều hòa nhiệt độ… Chủ nhân của những chiếc thuyền mang hàng hóa từ vùng xuôi lên bán, rồi lại mua sắn, ngô, trâu bò, dê, gà, thú rừng… của đồng bào về miền xuôi.

Anh Đặng Tiến Dũng – một chủ thuyền người Hoà Bình cho hay: “Chúng tôi chỉ họp chợ ở những nơi nào không có chợ trên cạn để đáp ứng nhu cầu của bà con và cũng để mua được nông sản của bà con với giá rẻ. Chúng tôi chỉ đậu thuyền tập trung ở địa điểm nào đó vài lần, bà con biết kéo đến trao đổi hàng hóa là sẽ thành chợ phiên”.

Nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền ở Mường Chiên, Quỳnh Nhai. 

Mỗi lần có ý định họp chợ ở chỗ nào, trưởng chợ phải liên hệ với chính quyền địa phương để chính quyền thông báo cho đồng bào biết. Trưởng chợ thường đặt ra một ngày nhất định trong tháng sẽ đến họp chợ theo lịch trình đã vạch sẵn để không trùng lặp với phiên chợ vùng khác. Tất cả các chợ chỉ họp 3 lần/tháng. Có chợ họp đêm, có chợ họp ngày. Vì họp ít như vậy, nên bà con đều háo hức khi có phiên chợ nổi. Nhóm thuyền tạo chợ này cứ đi ngược lên sông Đà, đến những khu vực định sẵn để neo thuyền họp chợ. Họ đi ngược hết sông Đà, lại thả thuyền trôi xuôi.

Ăn chơi nhảy múa trên sông

Đêm mùng 3 âm lịch, chợ nổi họp ở bản Phố (xã Mường Khoa, Bắc Yên, Sơn La). Đứng trên Quốc lộ 37 nhìn xuống, chợ thuyền đêm như một thị trấn nổi trên sông. Trên nóc những chiếc thuyền, điện từ máy phát sáng rực rỡ một đoạn sông. Một số thuyền có cả giàn điện nháy khiến đồng bào rất thích thú. Có thuyền tầng dưới kinh doanh phở, cháo, tầng trên hát karaoke ầm ĩ. Có thuyền thì tầng dưới là quán nhậu đặc sản rừng, tầng trên cà phê, nước ngọt đủ cả, rồi thì kem que, kem hộp… Tổng cộng có tới 30 chiếc thuyền loại lớn tụ lại thành một cái chợ nổi khổng lồ.

Chợ nổi họp suốt đêm ở bản Phố (Mường Khoa, Bắc Yên, Sơn La). 

Các chàng trai Mông, Mường, Thái rất khoái uống rượu ngô, rượu sắn, ăn nậm pịa, ngẩu pín, thắng cố, nên cứ đến chợ là xà vào ăn uống no say. Rượu biêng biêng rồi thì vứt cả khèn bè, tính tẩu, vứt cả chiếc đài cát-xét thường mang đến chợ có ghi những làn điệu Khâu xìa plềnh, Inh lả ơi nhảy lên thuyền hát karaoke… Những tiếng hát nửa Thái nửa Kinh được những chiếc loa lớn kích hoạt làm ầm ĩ cả một vùng sơn thủy mênh mông.

Đối tượng đến chợ đêm chủ yếu là đồng bào và đông nhất vẫn là lớp nam thanh, nữ tú. Các cô gái Thái bỏ cả múa xòe đi chơi chợ, các chàng trai Mông, Mường, Thái thì bỏ cả việc “kéo vợ”, “ngủ thăm”, “chọc sàn” tìm vợ để đến chợ uống rượu, hát karaoke.

Cảnh mua bán náo nhiệt lúc 6h sáng ở chợ nổi bản Phố. 

Chợ càng về khuya càng xuất hiện nhiều khách bí ẩn, đáng ngờ. Những chiếc xe con, xe tải của lái xe đường dài đỗ dọc Quốc lộ 37 dài đến cả nửa cây số. Cứ mỗi phiên chợ đến, chị H. – chủ quán tạp hóa ở bản Phố lại bán được cả trăm chiếc đèn pin và bao cao su. Đèn pin để khách soi đường đi từ sườn núi xuống mặt sông, còn bao cao su là để đám lái xe thử mùi gái sông nước sau khi đã chán chê gái rừng. Mà thực tế, ở dưới những cái thuyền này làm gì có gái làng chài, gái sông nước, toàn cave hết đát, không kiếm ăn được ở trên cạn thì bám theo những chiếc thuyền này để phục vụ mấy anh miền núi ít tiền.

Anh Hà Văn Nhọt – trưởng bản Phố bảo: “Ngày xưa bản làng thanh bình lắm, ngày đi chợ, đêm “chọc sàn” tìm vợ, rồi trai gái múa xòe nhảy sạp uống rượu cần. Từ ngày những cái thuyền này đến tụ họp thành chợ, dù cũng có vui, có nhiều hàng hóa thiết yếu, nhưng kèm theo đó là gái mại dâm kéo lên, ma túy đến, các tệ nạn kéo về, đau đầu lắm”.

Đợi chợ thuyền. 
Mỗi tháng chợ chỉ họp 3 lần nên đồng bào rất háo hức. 

Quá 12 giờ đêm, chợ hoạt động có vẻ tĩnh hơn, song khách toàn là loại dặt dẹo. Ở mỗi mũi thuyền đều có 1-2 người đứng cảnh giới. Thỉnh thoảng lại có một thanh niên ngáp dài, ngáp ngắn, liếc ngang, liếc dọc rồi chui tọt vào khoang dưới, lát sau đi lên với dáng vẻ rũ rượi của người phê thuốc. Ở khoang dưới những chiếc thuyền khác thì có những tổ tụ họp chơi bạc. Vài cái đầu chụm vào một chỗ xóc đĩa, bóng điện ắc quy chỉ đủ sáng quanh cái chiếu.

Về gần sáng thì tôi giật mình khi thấy một đội quân vác những thanh gỗ đến oằn lưng xuống thuyền. Chủ nhân những chiếc thuyền này thu gom gỗ lậu. Giấu gỗ trong những chiếc thuyền chợ này thì chẳng mấy ai để ý mà kiểm tra.

Chợ tan vào lúc 7 giờ sáng. Thời gian 5-6 giờ sáng chợ lại đột nhiên đông đúc. Đây là thời gian phục vụ đồng bào ở xa, phải đi bộ suốt đêm mới đến chợ. Thuyền chuẩn bị nhổ neo, hàng trăm người nháo nhào mua bán náo nhiệt. Không phải các chủ thuyền không muốn bán nữa mà phải nhổ neo để kịp đến địa điểm khác theo đúng lịch trình.

Vị Thủy


Bình luận
vtcnews.vn