Chuyện ít biết về những nữ phạm nhân nước ngoài ở Việt Nam

An ninh hình sựChủ Nhật, 30/04/2023 11:00:00 +07:00
(VTC News) -

Mỗi nữ phạm nhân nước ngoài đều mang trong mình những câu chuyện riêng nhưng họ đều mong muốn sớm được hoà nhập xã hội và trở thành công dân tốt.

Nữ phạm nhân bật khóc khi cán bộ trại giam hát 'Gánh mẹ' trong ngày 8/3

Ngồi lặng lẽ một góc bàn, Wang Ling Lung (35 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) khẽ lắc lư theo điệu nhạc cùng hơn 40 chị em khác đang chấp hành án tại phân trại số 4 Trại giam Vĩnh Quang (Cục C10, Bộ Công an). Thỉnh thoảng cô nén tiếng thở dài, vẻ mặt đượm nét trầm tư.

Hết buổi tiệc, Wang Ling Lung trở về khu giam giữ, đối diện với phòng giam lạnh lẽo. Ngồi dưới tán cây bưởi, Lung rơm rớm nước mắt kể về cuộc đời mình.

Cô là con gái duy nhất trong gia đình có thu nhập khá ở Trung Quốc, bố mẹ đều có công việc ổn định. Tốt nghiệp đại học sư phạm, Lung đi thực tập và chuẩn bị kế hoạch làm giáo viên thì biến cố ập đến, tương lai cô gái trẻ đặt dấu chấm hết bởi án tử hình do liên quan đến ma tuý.

Chuyện ít biết về những nữ phạm nhân nước ngoài ở Việt Nam - 1

Nữ phạm nhân Wang Ling Lung.

"Tôi được một người bạn cùng trường rủ sang Việt Nam công tác. Người này giới thiệu quốc tịch Mỹ nhưng tôi nghĩ chắc không phải", nữ phạm nhân nhớ lại.

Theo lời kể của nữ cử nhân, khi sang Việt Nam, cô được đưa tới một khách sạn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tại đây, cô gặp một phụ nữ. Sau đó, do liên quan đến chiếc túi chứa gần 4 kg heroin bị bắt ngay tại hiện trường, Lung không thể chối cãi. Năm 2012, cô bị tuyên án tử hình.

"Khi biết mình chịu án tử hình, tôi suy sụp lắm. Lúc đó tôi nghĩ nếu số phận thực sự phải chết thì tôi đành chấp nhận", Lung nói.

Thời gian đầu ngồi trong tù, Lung oán trách bản thân và xót thương cho bố mẹ ở quê nhà. "Bố tôi bị bệnh tim, từ khi tôi xảy ra chuyện, sức khoẻ ông càng yếu hơn", nữ phạm nhân day dứt.

Tưởng chừng như không còn cơ hội được nhìn mặt bố mẹ lần cuối thì may mắn đã đến với Lung. Năm 2016, Lung được giảm xuống án chung thân. Bố mẹ Lung cũng làm thủ tục để sang Việt Nam thăm con gái mỗi năm một lần. Nhìn thấy bố mẹ, nữ cử nhân sư phạm chỉ biết khóc, dù có rất nhiều chuyện muốn nói nhưng vì quá xúc động nên cô không thể nói hết thành lời.

Xem tin tức, Lung biết Trung Quốc vừa trải qua đại dịch COVID-19, lòng cô càng đau đáu. Lung oà khóc kể lại, đã 4 năm nay, bố mẹ không còn sang Việt Nam thăm Lung, cô cũng không nhận được tin tức nào từ gia đình.

"Thanh xuân của tôi bị chôn vùi trong trại giam, mọi khó khăn tôi đều chịu được, tôi chỉ lo sức khoẻ của bố mẹ bởi chỉ còn 2 người, không ai chăm lo...", Wang Ling Lung nức nở khóc. Cô vẫn khát khao một ngày nào đó có thể quay trở lại cộng đồng và phấn đấu để trở thành một công dân tốt.

Chuyện ít biết về những nữ phạm nhân nước ngoài ở Việt Nam - 2

Nữ phạm nhân Puji Astuti biểu diễn trong buổi liên hoan ngày 8/3 tại phân trại số 4, Trại giam Vĩnh Quang.

Cùng thi hành án ở Trại giam Vĩnh Quang, Puji Astuti (36 tuổi, tên thường gọi là Tuti quốc tịch Indonesia) có dáng người nhỏ nhắn, mái tóc cá tính. Trong buổi liên hoan, Tuti tự tin biểu diễn ca khúc tiếng Anh cùng điệu nhạc sôi động khiến không khí cả hội trường như được hâm nóng.

9 năm trước, Tuti lần đầu sang Việt Nam để tìm kiếm mối hàng buôn bán online. Do liên quan trực tiếp tới 5 kg heroin được giấu trong những cuốn sách mà cô đang mang theo, Tuti bị kết án tội vận chuyển trái phép chất ma tuý và đang thụ án chung thân.

Từ khi Tuti bị bắt, gia đình chưa có điều kiện để sang thăm cô nhưng thông qua Đại sứ quán, họ vẫn gửi quà và lời nhắn động viên con gái. Họ mong cô cải tạo tốt để sớm được giảm án. 

"Mẹ tôi dặn phải giữ gìn sức khoẻ, có sức khoẻ là có tất cả, hãy cười lên mỗi ngày", nữ phạm nhân nói.

Tuit được phân công làm may, công việc khá nhẹ nhàng đối với cô. Gần 10 năm cải tạo ở trại giam, Tuti học được văn hoá của người Việt. Cô thích nghe nhạc cải lương, thích không khí ngày Tết được cùng các phạm nhân khác nấu ăn.

"Sau này nếu được hoà nhập xã hội, tôi vẫn muốn quay trở lại Việt Nam nhưng với tư cách là một công dân tốt", Tuti hy vọng.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn