Chuyên gia phỏng đoán ‘quà Giáng sinh’ Bình Nhưỡng gửi đến Mỹ

Thế giớiThứ Năm, 19/12/2019 12:10:00 +07:00

Chuyên gia nhận định, “quà Giáng sinh” dù là phóng thử tên lửa đạn đạo hay hạt nhân tầm xa đều có nguy cơ phá hủy thành quả đàm phán giữa Trump-Kim.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae-song ngày 3/12 tuyên bố, trách nhiệm với các cuộc đàm phán hạt nhân hiện phụ thuộc vào Mỹ, đồng thời cảnh báo cách Washington hành xử sẽ quyết định “món quà Giáng sinh” mà họ nhận được vào hạn chót cuối năm.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Triều Tiên tiến hành 2 cuộc thử nghiệm bí mật cách nhau 1 tuần tại bãi phóng vệ tinh Sohae.

Đáp lại lời cảnh báo về “món quà Giáng sinh” của Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ thất vọng nếu Triều Tiên muốn lên kế hoạch gì đó. “Chúng ta cứ chờ xem. Tôi sẽ rất thất vọng nếu có gì đó đã được lên kế hoạch. Và nếu có, chúng tôi sẽ đối phó tình hình. Chúng tôi đang theo dõi rất sát sao” - ông Trump cho biết hôm 16/12.

12

 "Món quà Giáng sinh" của Bình Nhưỡng sẽ phá hủy thành quả đàm phán giữa ông Trump và ông Kim? (Ảnh: Reuters)

Theo kênh truyền hình Fox News, có những báo cáo cho rằng một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ đã từ chối cuộc nói chuyện mang tính thù địch của Triều Tiên về “hạn chót”. Quan chức này nói: “Washington sẽ không cúi đầu trước Bình Nhưỡng”. Vậy chính xác những gì có thể trở thành “món quà Giáng sinh” của Bình Nhưỡng?

Trả lời câu hỏi trên, nhà phân tích chiến lược, Tướng nghỉ hưu Jack Keane nói: “Chúng ta chỉ có thể suy đoán. Nhưng rõ ràng là Triều Tiên đang đe dọa... Họ làm điều đó trong nhiều thập kỷ. Họ đang nổi giận”.

Tại hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt. Tất cả! Nhưng bản thân họ lại không có ý định làm bất cứ điều gì để trao đổi. Không một tên lửa, không một đơn vị vũ khí hạt nhân nào được phá hủy. Và Tổng thống Trump đã làm chính xác những gì nên làm: ông rời khỏi hội nghị” - ông Keane cho biết.

Từ đó đến nay, hiệu lực của các lệnh trừng phạt được tăng dần lên. Và họ (Triều Tiên) muốn dùng cách này để khiến chúng ta (Mỹ) nới lỏng các lệnh trừng phạt. Họ có thể làm gì để thu hút sự chú ý của chúng ta? Tôi không nghĩ rằng đó sẽ là những tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung, giống như họ đã phóng trong 6 tháng qua. Nếu họ thực sự muốn làm một cái gì đó để tạo ra khủng hoảng, đó sẽ là tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc thử hạt nhân.

Đối với các thử nghiệm hạt nhân, tôi nghi ngờ là khó xảy ra. Tuy nhiên, theo tôi, bất kỳ lựa chọn nào trong số những lựa chọn này đều cũng sẽ vô hiệu hóa những thành quả đạt được trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un tại hai hội nghị thượng đỉnh và một cuộc gặp bất ngờ hồi tháng 6. Tôi nghĩ rất có khả năng điều này sẽ đưa chúng ta trở lại tình trạng khủng hoảng, và chúng ta sẽ lại phải thảo luận về khả năng của một giải pháp quân sự” - chuyên gia quân sự nhận định.

Bình Nhưỡng từng mô tả lần phóng tên lửa liên lục địa (ICBM) đầu tiên vào ngày 4/7/2017 là “món quà” cho Washington nhân dịp quốc khánh Mỹ. Tiếp đó Triều Tiên còn phóng thêm 2 ICBM với tầm bắn 10.000-13.000 km, cùng vụ thử hạt nhân lớn chưa từng có.

Sohae là nơi phát triển tên lửa đẩy mang vệ tinh và động cơ cho ICBM. Bình Nhưỡng từng thử thành công động cơ với sức đẩy lớn tại đây hồi tháng 3/2017, trước khi chúng được sử dụng trên tên lửa Hwasong-14 và Hwasong-15, giúp Triều Tiên sở hữu khả năng tấn công mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.

Triều Tiên không tiến hành vụ thử hạt nhân hay ICBM nào trong 2 năm qua. Nước này cũng cho phá hủy bãi thử Punggye-ri hồi năm ngoái. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng, Bình Nhưỡng vẫn có thể duy trì năng lực răn đe nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, cũng như buộc Washington nhượng bộ trong đàm phán.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn