Chuyên gia giải đáp các vấn đề liên quan sức khỏe khi sử dụng mì ăn liền

Dinh dưỡngThứ Hai, 07/11/2022 12:00:00 +07:00
(VTC News) -

Là món ăn yêu thích của nhiều người nhưng mì ăn liền cũng làm người dùng băn khoăn với các thông tin về sức khỏe, cùng tham khảo ý kiến chuyên gia về vấn đề này.

Mì gói có phải nguyên nhân đầy bụng, khó tiêu?

Theo TS. BS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chứng đầy bụng, khó tiêu là bệnh lý ở đường tiêu hóa và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tự bản thân thực phẩm nói chung và mì ăn liền nói riêng không thuộc trong số đó.

Về khía cạnh dinh dưỡng, khó tiêu là do dinh dưỡng mất cân bằng, ví dụ như bạn ăn quá nhiều, nhai quá nhanh, thưởng thức một bữa tiệc với nhiều món khác nhau (tôm, cá, thịt…). Thiếu rau xanh, thiếu chất xơ cũng là nguyên nhân khiến cơ thể mắc chứng khó tiêu.

Một số nguyên nhân khác đến từ lối sống lối sống thiếu khoa học, ít vận động. Nếu như ăn vừa đủ, nhai kỹ, kết hợp đa dạng các nhóm chất vào bữa ăn thì mì ăn liền không phải là nguyên nhân gây khó tiêu. Người tiêu dùng có thể yên tâm thưởng thức mì ăn liền và nên kết hợp thêm nhiều loại thực phẩm dinh dưỡng khác nhau như tôm, cá, thịt, rau củ… vào tô mì của mình.

Mì ăn liền gây ung thư vì chứa nhiều chất bảo quản không tốt cho sức khỏe?

Cũng theo TS. BS Trương Hồng Sơn, hiện trên thế giới chưa có ghi nhận nghiên cứu khoa học nào chứng minh mì ăn liền gây ung thư.

Chuyên gia giải đáp các vấn đề liên quan sức khỏe khi sử dụng mì ăn liền - 1

Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh mì ăn liền gây ung thư.

Mì ăn liền có thể bảo quản được lâu trong thời gian dài là do vắt mì có độ ẩm rất thấp sau khi chiên qua dầu hoặc sấy bằng nhiệt gió trong quá trình sản xuất. Việc sử dụng đến chất bảo quản như nhiều thông tin lan truyền là không chính xác. Đi cùng với sự phát triển của thế giới hiện đại, công nghệ mì ăn liền hiện nay cũng ngày càng tiến bộ hơn, theo đó, các nhà sản xuất đã chủ động kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất của mình, chẳng hạn như kiểm soát chất lượng dầu chiên, kiểm soát nhiệt độ ổn định khi chiên cũng như các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm.

Thưởng thức mì ăn liền thường xuyên nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe

Chia sẻ về cách để ăn mì thường xuyên nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe, PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, một chế độ ăn đủ để đáp ứng nhu cầu các chất dinh dưỡng của cơ thể, cân đối giữa các chất dinh dưỡng và đa dạng các loại thực phẩm, vận động hợp lý, có lối sống khoa học luôn là câu trả lời cho sức khỏe tốt. Để tạo được 1 bữa ăn tốt cần có sự kết hợp của ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm và có không ít hơn 15 loại thực phẩm.

Chuyên gia giải đáp các vấn đề liên quan sức khỏe khi sử dụng mì ăn liền - 2

Kết hợp các nhóm thực phẩm để món mì ăn liền trở nên hấp dẫn, thơm ngon, bổ dưỡng.

Sau đây là một số gợi ý để giúp món mì ăn liền trở nên hấp dẫn, thơm ngon lại bổ sung đủ chất cho cơ thể:

Nên chủ động thêm vào món mì ăn liền lượng chất đạm từ các loại đậu, nấm (đạm thực vật), hoặc tôm, mực, cá, thịt bò, trứng… (đạm động vật). Tuy nhiên, lưu ý là lượng đạm bổ sung chỉ cần vừa đủ nếu không sẽ vô tình biến “bữa ăn mì gói” thành một món gây khó tiêu và thậm chí dư thừa năng lượng có thể gây tăng cân nếu thường xuyên sử dụng không đúng cách.

Trong tủ bếp, tủ lạnh nên có sẵn các loại rau củ để kết hợp với mì ăn liền. Có thể xào rau củ cùng với mì, một ít cải thìa, giá đỗ và cà chua, rau sống… để biến một thực phẩm mì gói thành món ăn dinh dưỡng thơm ngon. Đây là cách giúp bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất cho món mì ăn liền.

Có thể chọn lựa một số sản phẩm mì ăn liền đã được nhà sản xuất bổ sung thêm mè (vừng), rong biển, các loại rau củ, thịt, trứng… để tạo sự cân bằng dinh dưỡng tốt hơn cho bữa ăn và thêm phần ngon miệng.

Nên ăn đúng thời điểm, tránh ăn quá khuya.

1 tuần ăn bao nhiêu gói mì thì phù hợp?

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, mì ăn liền thuộc nhóm lương thực, cung cấp chất bột đường và tạo năng lượng. Mỗi gói mì ăn liền đáp ứng khoảng 15 – 17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày. Người dùng có thể sử dụng tùy theo nhu cầu của bản thân và khi sử dụng, để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, chúng ta nên phối hợp thực phẩm này với các thực phẩm khác để tạo thành 1 bữa ăn hoàn chỉnh, cân đối và đảm bảo tính đa dạng thực phẩm của mỗi bữa ăn.

Ví dụ như ăn mì ăn liền cùng với các loại thực phẩm ở nhóm cung cấp chất đạm (như thịt, hải sản, trứng…) và nhóm cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ (rau các loại, giá đỗ…). Trong trường hợp quá bận rộn không có nhiều thời gian, có thể ăn tô mì úp nhưng sau đó ăn thêm trái táo, trái mận hay ly nước trái cây và ăn vài miếng fomai hoặc quả trứng, ly sữa,…

Ngoài ra, để có sức khỏe tốt, bữa ăn với mì ăn liền nên đảm bảo nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý là bữa ăn phải đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể về số lượng (bao gồm 4 nhóm chất dinh dưỡng là chất bột đường, chất đạm, chất béo, khoáng chất và vitamin), cân đối về chất lượng và đa dạng thực phẩm,… Nếu bữa ăn chỉ bao gồm một vài loại thực phẩm đơn điệu thì dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng và dễ dẫn đến các vấn đề bất lợi về sức khỏe. Do đó, nên kết hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn và có chế độ sinh hoạt hợp lý để có một cơ thể khỏe mạnh.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn