Chuyên gia dinh dưỡng: Nên hướng dẫn trẻ ăn mì ăn liền đúng cách thay vì cấm đoán

An toàn thực phẩmThứ Hai, 31/07/2023 19:45:00 +07:00
(VTC News) -

Thay vì ra sức ngăn cản việc trẻ em sử dụng thức ăn nhanh, thì cha mẹ nên hướng dẫn trẻ sử dụng các món ăn đúng cách, kể cả mì ăn liền cũng vậy.

Có nhiều các bậc cha mẹ hiện nay lo lắng về việc trẻ em sử dụng quá nhiều thức ăn nhanh, lơ là các món ăn truyền thống, từ đó có thể dẫn đến thói quen ăn uống sai lệch, kéo theo mất cân bằng dinh dưỡng, thừa cân, béo phì.

Nhưng thực tế cho thấy, cha mẹ rất khó kiểm soát và cấm đoán trẻ trong việc ăn uống. Do đó, hãy hướng dẫn trẻ cách ăn sao cho đúng khoa học, lành mạnh, để trẻ có thói quen ăn uống đúng ngay từ khi còn nhỏ. 

Chương trình tọa đàm với chủ đề "Hiểu đúng về Mì ăn liền" do Báo điện tử VTC News tổ chức với những chia sẻ của Chuyên gia dinh dưỡng PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề đã đưa ra lời khuyên bổ ích giúp các bậc phụ huynh, người tiêu dùng có cái nhìn thấu đáo hơn về mì ăn liền.

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: Khổng Chí)

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: Khổng Chí)

Trước câu hỏi đặt ra rằng, hiện nay, một số sản phẩm mì gói đã được nhà sản xuất bổ sung rau củ, thịt, các loại vitamin, khoáng chất… nhằm tạo nên “bữa ăn mì gói” đa dạng hơn về thực phẩm, cân đối hơn về giá trị dinh dưỡng, góp phần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày của người dân, thì chúng ta có cần bổ sung thêm các loại dưỡng chất nào khác nữa không? Nên hướng dẫn trẻ sử dụng thức ăn nhanh như thế nào nếu cha mẹ không thể kiểm soát hay cấm trẻ ăn quá nhiều thức ăn nhanh? PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung cho biết, trong những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, ví dụ dịch COVID-19, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác thì vẫn phải sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, mì ăn liền.

Trong hướng dẫn dinh dưỡng mà PGS Nhung từng thực hiện, lời khuyên đầu tiên phải ăn đủ năng lượng. Nếu trong tình trạng khẩn cấp, không có cái gì để ăn, chúng ta phải đảm bảo đủ năng lượng cho việc sống còn. Có thực phẩm nào thì ăn thực phẩm đó.

Tuy nhiên, hiện nay, việc cung ứng, cấp cứu, hỗ trợ cho cộng đồng rất tốt, nên sẽ không gặp phải tình trạng này kéo dài, kể cả khi thiên tai, bão lụt. Nếu chẳng may có rơi vào tình huống đó thì cũng sớm được giải quyết. Còn nếu gặp phải thì có gì cũng phải ăn nấy. Khi ấy, có một chút bánh kẹo trong nhà thì cũng phải sử dụng để đảm bảo cho việc sống còn.

Với mô hình ăn hiện đại, xu hướng của các gia đình trẻ là ăn thức ăn nhanh, giảm bớt các món ăn truyền thống. Một số bạn trẻ hiện nay không biết những món như ốc chuối đậu, cà bung… Do vậy, vẫn cần giáo dục cho các con, rằng xét ở góc độ dinh dưỡng thì truyền thống ăn uống của người Á Đông, đặc biệt là người Việt rất tốt và đa dạng. Ví dụ như một món nộm thì trong đó có rất nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải hướng dẫn các bạn nhỏ ăn các món ăn nhanh, ví dụ như mì gói một cách hợp lý. Một gói mì cho bữa sáng không gây ra thừa cân béo phì. Nhưng vào giờ tan trường, buổi đêm do thức khuya lúc 1 - 2h sáng…, khi ấy chúng ta không cần tiêu hao năng lượng nữa mà lại ăn mì gói thì mới gây thừa cân, béo phì. 

Do vậy, càng ở trong thời đại đang thay đổi không ngừng, chúng ta càng phải giáo dục dinh dưỡng cho trẻ, hướng tới việc ăn uống kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, làm sao cho đảm bảo bữa ăn hợp lý.

Không ai có thể ăn mì gói cả 1 tuần, bởi ngay cả những món ăn yêu thích nhất cũng không thể ăn liền trong một tuần. Do đó, chúng tôi khuyến khích các bậc cha mẹ luôn luôn hướng dẫn cho trẻ về bữa ăn đa dạng và thay đổi các bữa ăn cho trẻ em cũng như người trưởng thành.

Không có một chất dinh dưỡng nào là đủ mà chúng ta phải ăn phối hợp để chất này bù cho sự thiếu hụt của chất khác, như vậy chúng ta sẽ có chế độ dinh dưỡng toàn diện hơn.

Không nên quá cực đoan hoặc “cách ly” những thực phẩm mà chúng ta nghĩ rằng nó không có lợi cho sức khỏe. Nếu chúng ta cảm thấy gói mì quá dầu mỡ thì có thể không bỏ gói dầu mỡ đó vào, thay vào đó là cho thêm thịt, rau hay quả trứng, sử dụng các loại gia vị hấp dẫn khác để sử dụng.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến, PGS Nhung cũng nhấn mạnh, thực tế cho thấy, chúng ta càng cấm đoán trẻ, trẻ càng tò mò và yêu thích các món ăn nhanh. Do đó, thay vì cấm đoán, hãy hướng dẫn trẻ những kiến thức toàn diện về dinh dưỡng, giúp trẻ tạo thói quen ăn uống lành mạnh. Ngay kể cả mì ăn liền, trẻ có thể ăn bình thường miễn là đảm bảo được sự cân bằng dinh dưỡng.

Các khách mời tại trường quay Đài truyền hình KTS VTC (Ảnh: Khổng Chí).

Các khách mời tại trường quay Đài truyền hình KTS VTC (Ảnh: Khổng Chí).

Kính mời quý vị theo dõi nội dung đầy đủ chương trình tọa đàm "Hiểu đúng về Mì ăn liền" tại đây.

Vân Hồng
Bình luận
vtcnews.vn