Chưa đưa Luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật năm 2017

Thời sựThứ Ba, 12/07/2016 17:07:00 +07:00

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật biểu tình phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên chưa đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Sáng nay, 12/7, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

le minh thong

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho biết 

Trình bày tờ trình về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho biết trên cơ sở đánh giá việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm trước, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và điều kiện thực tế, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét về từng dự án và xin báo cáo Quốc hội về một số vấn đề cụ thể, trong đó có dự án Luật Biểu tình.

Ông Thông nêu dự án Luật biểu tình đã được đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, do đây là dự án luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này. 

“Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn có ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình”, ông Thông nói.

Video: Luật sư nói gì về việc cảnh sát Mỹ "gài bẫy" Minh Béo

UBTVQH cũng tán thành với đề nghị của Ủy ban Quốc phòng An ninh bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, khắc phục bất cập của Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ với Luật tiếp cận thông tin, Luật an toàn thông tin mạng đã được được Quốc hội thông qua.

Về dự án Luật hành chính công: đây là sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội, đã được đại biểu đề nghị nhiều năm và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ dự án theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đa số ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội đưa dự án Luật này vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.

Có một số ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này để khỏi chồng chéo, mâu thuẫn với các Luật khác.

Từ những phân tích trên, Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 đối với 07 dự án luật, 02 dự án pháp lệnh, 01 dự thảo nghị quyết và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 gồm 29 dự án luật và 01 dự án nghị quyết của Quốc hội như dự thảo Nghị quyết kèm theo.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn