Chủ tịch Quốc hội: Tiến độ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đang chậm

Tin nhanh 24hThứ Tư, 11/05/2022 11:30:09 +07:00
(VTC News) -

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc triển khai gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đang chậm dù đã gần hết nửa năm 2022.

Sáng 11/5, phát biểu khai mạc tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, các nội dung được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 và một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm.

Năm 2022, ngoài thực hiện nghị quyết của kỳ họp Quốc hội thường kỳ còn có việc triển khai thực hiện nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Gói hỗ trợ 347.000 tỷ đồng của chương trình này chỉ được giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023. Tuy nhiên, dù gần hết nửa năm 2022 nhưng việc triển khai gói chính sách này đang chậm.

Chủ tịch Quốc hội: Tiến độ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đang chậm - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Q.H)

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). 

Trong đó, chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Nhiều kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư, có sử dụng đa dạng nguồn vốn của ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương, vốn đầu tư thuộc vốn đầu tư trung hạn và vốn đầu tư từ gói kích thích kinh tế cũng như các nguồn vốn khác.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết, cấp bách, việc phân kỳ đầu tư, sự phù hợp với kế hoạch, chiến lược, hình thức đầu tư, cơ cấu các nguồn vốn đầu tư, nhất là tính khả thi của việc bố trí vốn đầu tư, tránh hiện tượng có vốn đầu tư rồi nhưng không triển khai được.

Quang Tuyền
Bình luận
vtcnews.vn