Chủ tịch Quốc hội: Các dự án luật chưa đủ điều kiện, chưa 'chín' thì để lại

Chính trịThứ Năm, 14/04/2022 11:58:00 +07:00
(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, các dự án luật chưa đủ điều kiện, chưa "chín" thì để lại.

Sáng 14/4, phát biểu khai mạc tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng các dự án luật, nghị quyết dự kiến đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đảm bảo tính khả thi cao nhất sát hợp với yêu cầu thực tiễn. Dự án luật, nghị quyết chưa đủ điều kiện, chưa "chín" thì để lại, không đưa vào chương trình.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường kỷ luật kỷ cương với công tác xây dựng pháp luật, kiên trì khắc phục những hạn chế yếu kém bất cập như điều chỉnh nhiều lần chương trình hay chậm gửi hồ sơ đến các cơ quan của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội: Các dự án luật chưa đủ điều kiện, chưa 'chín' thì để lại - 1

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 10. (Ảnh: Quochoi.vn)

Bảo đảm các nội dung trình Quốc hội đủ "chín"

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một mặt tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện thể chế, một mặt thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ông đồng thời lưu ý về trách nhiệm của các cơ quan đề xuất, thẩm tra nội dung đưa vào chương trình nhưng sau đó không thực hiện được.

Dẫn chứng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là hết sức cần thiết, cấp bách nhưng cũng phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai lần mới đủ điều kiện để đưa vào chương trình, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội hết sức coi trọng công tác này, không chỉ “đánh trống ghi tên” đưa tên dự án Luật vào chương trình mà ngay từ đầu phải xem xét chính sách kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội: Các dự án luật chưa đủ điều kiện, chưa 'chín' thì để lại - 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng các dự án luật, nghị quyết dự kiến. (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận cho ý kiến một cách toàn diện về các dự án luật dự kiến trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 tới gồm sự cần thiết ban hành, tính đầy đủ về hình thức hồ sơ, văn bản, sự phù hợp của dự thảo văn bản với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế; các kết cấu cụ thể và nội dung của dự thảo luật; các nội dung trình xin ý kiến và các vấn đề lớn, quan trọng còn ý kiến khác nhau.

Các dự án luật này gồm: dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

"Qua theo dõi công tác lập pháp, nếu xem xét kỹ lưỡng, đúng hướng từ đầu thì sẽ bảo đảm chất lượng dự án luật", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự tham gia của TAND tối cao, Viện KSND tối cao và các cơ quan hữu quan trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 42.

Sau khi được ban hành, Nghị quyết mang lại chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý ngân hàng yếu kém. Trên cơ sở tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thảo luận kỹ lưỡng, tập trung cho ý kiến đánh giá ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết; kết quả thực hiện thời gian qua nhất là kết quả xử lý nợ xấu, tổng số nợ xấu được xử lý, làm rõ thêm nợ xấu phát sinh mới, xem xét trách nhiệm các cơ quan trong thực hiện Nghị quyết. Từ đó xem xét các đề xuất kiến nghị có kéo dài hay không và kéo dài bao lâu, thủ tục xem xét quyết định.

Liên quan đến nội dung cho ý kiến về việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là nội dung được các chủ thể chịu sự tác động rất quan tâm từ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước. Đây là nội dung chưa có luật, có tính chất quan trọng, nhạy cảm, tác động đến quyền công dân. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần cân nhắc kỹ lưỡng, hết sức trách nhiệm; thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát các yêu cầu, căn cứ khoa học thực tiễn, bảo đảm chỉ trình khi đủ chín, đủ rõ các vấn đề. 

Đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát 

Về hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho hay, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Để chương trình được triển khai hiệu quả, khả thi, tiếp tục tạo ra chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực thuộc phạm vi và đối tượng giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì việc rà soát lựa chọn nội dung giám sát cần thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng toàn diện, cân nhắc hài hòa giữa các lĩnh vực, bám sát tình hình thực tiễn; các chuyên đề giám sát bảo đảm đúng, trúng trọng tâm, tập trung vào những vấn đề lớn quan trọng hoặc những vấn đề bức xúc nổi lên đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, cử tri cả nước và yêu cầu quản lý Nhà nước, hoạt động của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội: Các dự án luật chưa đủ điều kiện, chưa 'chín' thì để lại - 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý các nội dung thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

"Qua thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, ban hành Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát, các kế hoạch, đề cương giám sát huy động sự tham gia của tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân 63 tỉnh/thành phố", Chủ tịch Quốc hội nói.

Với tinh thần đổi mới quyết tâm nâng cao chất lượng hiệu quả giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, khách quan, khoa học bám sát thực tiễn để cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát. Nhất là kiến nghị, đề xuất cả về hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi để tháo gỡ vướng mắc trong công tác quy hoạch hiện nay.  

Bên cạnh đó, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 (trong đó có báo cáo kết quả xử lý nợ hằng năm theo Nghị quyết số 94/2019/QH14); báo cáo tài chính Nhà nước năm 2020; kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Đây là các báo cáo thường niên, báo cáo định kỳ với Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích, làm rõ các vấn đề để bảo đảm chất lượng nội dung trình Quốc hội, phản ánh đánh giá đúng tình hình, cung cấp đầy đủ thông tin và có đủ căn cứ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước, có căn cứ trong nhận định đánh giá tình hình quản lý sử dụng tài chính, tài sản công.

Ngoài ra, để tiếp tục nâng cao hiệu quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tiếp công dân, xử lý đơn thư, tiếp nhận giải quyết kiến nghị cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội và việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tập trung xem xét cho ý kiến kỹ lưỡng, cụ thể các nội dung, xem xét có đủ điều kiện chất lượng để trình Quốc hội. Đây là Đề án rất quan trọng thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo triển khai ngay từ những ngày đầu nhiệm kỹ với quyết tâm và nỗ lực đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội. 

Theo thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số lượng thành viên của Uỷ ban Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Nhấn mạnh khối lượng công việc tại phiên họp thứ 10 là rất nhiều, thời gian chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cao nhất, tốt nhất cho các nội dung bảo đảm chất lượng trình Quốc hội. 

Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn