Chóng mặt khi nằm là dấu hiệu của bệnh gì?

Gia đìnhThứ Tư, 12/04/2023 14:05:00 +07:00

Chóng mặt khi nằm là trạng thái thường gặp ở người mắc chứng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, ngoài ra,còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này.

Chóng mặt khi nằm là dấu hiệu của bệnh gì? - 1

Chóng mặt khi nằm là dấu hiệu của nhiều loại bệnh.

Nằm xuống bị chóng mặt là bệnh gì?

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính - nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nằm xuống bị chóng mặt là do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính.

Cơn chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là một dạng rối loạn hệ thống tiền đình xảy ra khi chúng ta đột ngột thay đổi vị trí của đầu, chẳng hạn như bạn cảm thấy chóng mặt khi đang ngồi bỗng đứng dậy hoặc chóng mặt khi đang ngồi và nằm xuống. Lúc này, bạn cảm thấy bản thân đang xoay quanh các vật thể khác hoặc các vật thể đang xoay quanh mình. 

Cơn chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thường xảy ra bất ngờ và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Các cơn chóng mặt có thể nhẹ cũng có thể vô cùng dữ dội nhưng thường có đặc tính chung là không kéo dài quá vài phút. Đa số trường hợp cơn chóng mặt tư thế kịch phát lành tính chỉ lặp lại trong vài tuần và tự hết nhưng cũng có trường hợp bệnh trở thành mãn tính.

Chấn thương đầu - là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến chóng mặt khi nằm xuống

Bạn không may bị tai nạn xe hơi hoặc bị té ngã dẫn đến chấn thương đầu.

Chấn thương đầu hay chấn thương sọ não có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng chóng mặt khi nằm xuống.

Các nguyên nhân hiếm gặp khác

Có một số trường hợp chóng mặt khi nằm không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, một số tình trạng hiếm gặp sau đây có thể là nguyên nhân khiến bạn bị chóng mặt, đặc biệt là khi nằm xuống:

  • Bệnh Meniere, một tình trạng hiếm gặp ở tai trong có thể gây chóng mặt nghiêm trọng, giảm thính lực hoặc ù tai
  • Viêm mê cung, là một bệnh nhiễm trùng tai trong do virus cúm hoặc cảm lạnh gây ra
  • Viêm dây thần kinh tiền đình
  • Đau nửa đầu
  • Căng thẳng thần kinh kéo dài
  • Nằm xuống trong thời gian dài
  • Lạm dụng rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích khác
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc. 

Những dấu hiệu và triệu chứng chóng mặt khi nằm

Triệu chứng chóng mặt khi nằm xuống có thể đi kèm:

  • Chóng mặt đột ngột khi vừa nằm xuống, có cảm giác bản thân hoặc căn phòng đang quay cuồng và chuyển động
  • Chóng mặt với các chuyển động cụ thể của mắt xảy ra khi bạn nằm ngửa, đầu quay sang một bên và hơi nghiêng qua mép giường
  • Mất thăng bằng
  • Buồn nôn,nôn mửa
  • Ù tai, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng
  • Mạch đập nhanh
  • Hạ huyết áp
  • Mệt mỏi
  • Mất ngủ

 Các triệu chứng chóng mặt khi nằm có thể xuất hiện và kéo dài dưới một phút. Tình trạng này có thể biến mất trong một thời gian và sau đó tái phát trở lại. Chuyển động mắt bất thường thường đi kèm với các triệu chứng chóng mặt khi nằm.

Cách điều trị 

Việc điều trị trạng thái nằm xuống bị chóng mặt còn phụ thuộc vào nguyên nhân bệnh của bạn là gì. Thông thường, tình trạng này không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau một khoảng thời gian nên không cần phải quá lo lắng.

Tuy nhiên, bạn thường xuyên gặp tình trạng nằm xuống bị chóng mặt mà không rõ nguyên nhân, tốt nhất nên sớm đến chuyên khoa Thần kinh tại các bệnh viện thăm khám để tìm hướng khắc phục phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, bệnh nhân nên thay đổi lối sống để giảm chóng mặt, cụ thể như sau:

  • Tránh thay đổi tư thế và di chuyển đầu đột ngột khi nằm
  • Tránh các cử động mắt, chẳng hạn như nhìn lên, có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt khi nằm
  • Duy trì chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ, tránh làm việc căng thẳng quá độ
  • Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thể thao thường xuyên
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích khác
  • Nếu chóng mặt do bệnh đau nửa đầu thì nên tránh một số các loại thực phẩm có khả năng kích hoạt cơn đau như socola, bột ngọt (mì chính)…
  • Sử dụng ánh sáng tốt nếu bạn thức dậy vào ban đêm
  • Đi bộ bằng gậy để ổn định nếu bạn có nguy cơ bị ngã
  • Phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để kiểm soát các triệu chứng một cách hiệu quả.

Tình trạng chóng mặt khi nằm có thể tái phát ngay cả sau khi điều trị thành công. Mặc dù không có cách chữa trị dứt điểm nhưng tình trạng này có thể được kiểm soát bằng vật lý trị liệu và các phương pháp điều trị tại nhà.

Lam Nguyn
Bình luận
vtcnews.vn