Chênh lệch tỷ giá, mỗi bình gas “đội” thêm 24.000 đồng

Kinh tếThứ Tư, 08/12/2010 10:00:00 +07:00

Phải mua USD với giá thị trường, nhưng doanh nghiệp lại không được tính vào giá sản phẩm, khiến mỗi bình gas 12kg hiện phải “cõng” thêm khoảng 24.000 đồng.

Phải mua USD với giá thị trường, nhưng doanh nghiệp lại không được tính vào giá sản phẩm, khiến mỗi bình gas 12kg hiện phải “cõng” thêm khoảng 24.000 đồng.


Theo tính toán của đại diện một đơn vị kinh doanh gas tại TP.HCM, so với giá niêm yết tại ngân hàng, mỗi kg gas phải “cõng” thêm gần 2.000 đồng
Đại diện một đơn vị kinh doanh gas tại TP.HCM cho biết, mới đây, để có ngoại tệ thanh toán lô hàng 900 tấn gas cho đối tác, doanh nghiệp này phải mua USD của ngân hàng với giá 21.480 đồng/USD, tương đương với giá thị trường tự do. Vị này tính toán, so với mức niêm yết tại ngân hàng (19.500 đồng/USD), mỗi kg gas phải “cõng” thêm gần 2.000 đồng. Tuy nhiên, khoản chênh lệch này doanh nghiệp lại không được cộng vào giá thành sản phẩm. Trong khi đó, mỗi tháng trung bình doanh nghiệp này nhập khoảng bốn lô hàng, mỗi lô 900 tấn. Như vậy, tính ra, với việc chênh lệch tỷ giá như trên, mỗi tháng doanh nghiệp này lỗ khoảng 7,2 tỉ đồng.

Vị này cho biết thêm, từ trước đến giờ, doanh nghiệp gas vẫn có thể mua ngoại tệ của ngân hàng, tuy nhiên không phải theo giá niêm yết chính thức. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn dùng chiêu bán euro cho doanh nghiệp, sau đó chuyển đổi qua USD với giá thỏa thuận, cũng tương đương giá thị trường tự do để lách luật. Để tránh việc chênh lệch tỷ giá quá cao, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang vay ngoại tệ thay vì mua, tuy nhiên cũng không thoát khỏi tay của các ngân hàng. “Với lãi suất 4%/năm, cộng với các khoản phạt vì quá hạn… Đâu cũng vào đấy!”, vị này nói.

Tổng giám đốc một đơn vị khác cũng cho biết, thời gian gần đây, đều đặn mỗi tháng, doanh nghiệp này kiến nghị hai lần với ngân hàng Nhà nước được mua USD theo giá niêm yết của ngân hàng, song vẫn chưa có kết quả. Vị này cho biết thêm, đợt tăng tỷ giá vừa qua, doanh nghiệp của ông thiệt hại gần 30 tỉ đồng vì được ngân hàng bán ngoại tệ ngay đợt ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá. “Nhiều đại lý đề nghị lấy thêm sản phẩm, nhưng chúng tôi không dám nhập nhiều, vì càng nhập nhiều càng lỗ. Với tình trạng hai tỷ giá như hiện nay, chúng tôi chỉ đảm bảo cung cấp theo định mức mà đại lý đã đăng ký hồi đầu năm”, ông này cho biết.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, các ngân hàng rất linh hoạt trong việc sử dụng các khoản phí, khiến ngoại tệ bán ra luôn bằng với giá thị trường tự do. Nhiều ngân hàng vẫn có nguồn ngoại tệ để cung cấp cho doanh nghiệp nhưng chỉ cho vay, chứ không bán. Lý do được các ngân hàng cho rằng, nguồn ngoại tệ này do họ huy động, chứ không phải mua được. Tình trạng căng thẳng ngoại tệ khiến nhiều doanh nghiệp nghĩ đến nguồn gas trong nước, tuy nhiên để hiện thực hoá suy nghĩ này không phải chuyện dễ, bởi số lượng có hạn. Ngoài ra, chất lượng gas nội và gas nhập khẩu không đồng nhất, nên doanh nghiệp gặp khó về kho chứa.

Trước tình trạng khan hiếm ngoại tệ trong khi giá gas thế giới tăng cao, ngày 3/12 vừa qua, hiệp hội Gas Việt Nam đã có công văn gởi Thủ tướng Chính phủ và bộ Tài chính xin giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống còn 2%, đồng thời đề nghị cho phép 23 doanh nghiệp đủ điều kiện được mua USD theo tỷ giá của ngân hàng. Ông Nguyễn Sỹ Thắng, chủ tịch hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, giá gas thế giới đang tăng cao, khiến giá gas trong nước cũng tăng theo. Nếu tình trạng khan hiếm ngoại tệ vẫn tiếp diễn, doanh nghiệp kinh doanh gas không thể mua ngoại tệ từ ngân hàng với giá niêm yết, giá gas trong nước có thể sẽ cao hơn giá thế giới.


Theo Sài Gòn tiếp thị

Bình luận
vtcnews.vn