Cha mẹ hãy dừng ngay thói quen này nếu không muốn trẻ chậm nói

Kinh nghiệm sốngThứ Năm, 10/06/2021 07:21:27 +07:00
(VTC News) -

Các nhà nghiên cứu Pháp phát hiện thói quen xem tivi thường xuyên trong bữa ăn có thể kiềm hãm sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Trẻ em từ 3 đến 6 tuổi dành trung bình gần 2 giờ mỗi ngày trước màn hình tivi. Tuy nhiên, qua theo dõi hơn 1.500 trẻ em từ 2 đến 5 tuổi trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe quốc gia Pháp (INSERM) và Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Thống kê (CRESS) phát hiện, thời điểm dành để xem tivi nhiều nhất lại là trong bữa ăn gia đình. Đây vốn là khoảng thời gian quan trọng để bố mẹ và con cái trao đổi và có tác động đến việc tiếp thu ngôn ngữ của trẻ.

Cha mẹ hãy dừng ngay thói quen này nếu không muốn trẻ chậm nói - 1

Ngôn ngữ trẻ xem tivi vào giờ ăn thấp hơn

Việc đánh giá ngôn ngữ của trẻ được thực hiện thông qua bảng câu hỏi mà cha mẹ phải điền khi trẻ 2 tuổi và những đánh giá tâm lý khi trẻ 3 tuổi và 5 tuổi rưỡi. Những câu hỏi này chủ yếu là thông tin về tần suất xem tivi trong bữa ăn, thời gian xem tivi, máy tính và chơi điện tử.

Kết quả cho thấy, ở giai đoạn 2 tuổi, trình độ ngôn ngữ của trẻ được cho xem tivi liên tục vào giờ ăn thấp hơn so với những trẻ khác. Ở giai đoạn 3 và 5 tuổi rưỡi, xếp hạng ngôn ngữ và chỉ số thông minh bằng lời nói ở những trẻ “không bao giờ” tiếp xúc với tivi trong bữa ăn gia đình cũng cao hơn so với những trẻ “thỉnh thoảng” hoặc “thường xuyên” xem.

Màn hình tác động sự phát triển não bộ

Năm 2019, một nghiên cứu do các nhà khoa học Canada thực hiện với 2.500 trẻ em hai tuổi đã chỉ ra tác động của màn hình với sự phát triển của trẻ. Theo các nhà nghiên cứu, trẻ em từ 2-3 tuổi dành 2-3 giờ mỗi ngày nhìn chằm chằm vào màn hình có kết quả kém hơn trong các bài kiểm tra sàng lọc phát triển sau này khi còn nhỏ, tức là từ 3-5 tuổi. Khả năng giao tiếp, kỹ năng vận động hoặc khả năng giải quyết vấn đề cũng như các kỹ năng xã hội cũng có thể bị ảnh hưởng.

Một nghiên cứu khác của Mỹ với 11.000 trẻ em cũng cho kết quả tương tự: trẻ dành hơn 2 giờ mỗi ngày trước màn hình sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến trí nhớ. Trên 7 giờ mỗi ngày, trẻ có thể bị mỏng vỏ não sớm, dẫn tới suy giảm chức năng bộ nhớ, kỹ năng, cũng như khả năng nhận thức.

CTV Châu Nhi/ VOV.VN (Nguồn: TopSanté)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp