'Cắt điện, nước nếu vi phạm hành chính cho thấy cơ quan công quyền rất yếu kém'

Chính trịThứ Năm, 18/06/2020 12:00:00 +07:00
(VTC News) -

Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng, bổ sung biện pháp cắt điện, nước để cưỡng chế vi phạm hành chính cho thấy cơ quan công quyền rất yếu kém, pháp luật không nghiêm.

Sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nhiều đại biểu nêu ý kiến về đề xuất bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là biện pháp cưỡng chế mới vào Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Trình bày ý kiến trước đề xuất này, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, luật xử lý vi phạm hiện hành đã có tới hơn 23 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạm vi phạm hành chính. 

"Bổ sung biện pháp cắt điện, nước cho thấy cơ quan công quyền của chúng ta rất yếu kém, bất lực, pháp luật không nghiêm. Cắt điện thì rất dễ làm, nhưng hậu quả để lại rất lớn.

Một đàn lợn hơn 3.000 con lợn nhưng vì vi phạm nhỏ mà cắt điện thì đàn lợn đó ra sao. Một nhà máy bia vi phạm ô nhiễm môi trường thì lại cắt điện trong khi họ đang khắc phục", ông nêu quan điểm.

'Cắt điện, nước nếu vi phạm hành chính cho thấy cơ quan công quyền rất yếu kém' - 1

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo ông Cầu, điện nước là nhu cầu thiết yếu của người dân. Trong trại tam giam còn phải xây cả bể nước cho tù nhân sử dụng. Nhiều người có thể nhịn ăn 1, 2 ngày nhưng không thể chịu được mất điện, mất nước 1 ngày. 

Đồng tình với quan điểm của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam) cho rằng biện pháp này chưa thuyết phục, tính khả thi không cao, trái với nguyên tắc tự chịu trách nhiệm trong Bộ luật dân sự vì điện nước không phải là tang vật, phương tiện được sử dụng cho hành vi vi phạm hành chính nên không thể là phương tiện, công cụ cưỡng chế. 

"Nếu cho rằng điện, nước là những dịch vụ thiết yếu phục vụ cho hoạt động xây dựng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nếu thiếu các dịch vụ này thì các hoạt động xây dựng, sản xuất, kinh doanh phải dừng hoạt động là không mang tính thuyết phục bởi thiếu nước có thể mua, thiếu điện có thể dùng máy phát", ông Thế phân tích. 

Vị đại biểu đoàn Hà Nam thắc mắc vì sao đề xuất cắt điện, nước nhưng không tính tới biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông bởi trong thời đại 4.0 thì dịch vụ viễn thông đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động xây dựng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nếu thiếu dịch vụ viễn thông có thể làm tê liệt hệ thống. Như vậy, ngừng dịch vụ viễn thông ở khía cạnh nào đó còn có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các biện pháp ngừng cấp điện, nước.   

"Biện pháp ngừng cung cấp điện nước còn ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của các chủ thể khác, trong khi đó các tổ chức cá nhân này không phải là những người vi phạm hành chính nhưng phải chịu chung trách nhiệm với tổ chức, cá nhân vi phạm", ông cho hay. 

'Cắt điện, nước nếu vi phạm hành chính cho thấy cơ quan công quyền rất yếu kém' - 2

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Quochoi.vn)

Cũng liên quan tới đề xuất này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) nhận định việc cắt điện, nước thể hiện sự bất lực của chính quyền và lực lượng chức năng bởi khi xử phạt hành chính mà người vi phạm không chấp hành thì lại tính tới chuyện cắt điện, cắt nước. 

"Tôi cho rằng đây là biện pháp không có tính nhân văn. Có những trường hợp người không liên quan tới hành vi vi phạm hành chính đó lại trở thành nạn nhân của hành vi đó. Chúng ta làm luật nhưng phải phù hợp với thực tiễn, phải nhìn nhận những vấn đề đó. 

Nóng 39, 40 độ lại cắt điện nước chưa kể có những người không liên quan tới hành vi hành chính. Tôi nghĩ không nên", ông Cương cho hay. 

Vị đại biểu đoàn Ninh Thuận đề xuất nếu áp dụng phương pháp này thì chỉ nên áp dụng trong lĩnh vực xây dựng chứ không nên áp dụng với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn