Cảnh sát biển: Nếu không có cơ chế giám sát đủ tốt, sai phạm đặc biệt ắt xảy ra

Bình luậnThứ Hai, 04/10/2021 10:10:00 +07:00
(VTC News) -

Cảnh sát biển là môi trường làm việc đặc biệt, nếu không có cơ chế quản lý giám sát đủ hiệu lực, hiệu quả thường xuyên thì sai phạm đặc biệt ắt xảy ra.

Hai ngày nay, dư luận trong và ngoài quân đội rúng động vì 11 cán bộ cấp tướng từ nguyên Tư lệnh, Tư lệnh Cảnh sát biển, các Phó Tư lệnh, 4 Tư lệnh các Vùng Cảnh sát biển bị kỷ luật, 9 người bị cách hết chức vụ về Đảng, 4 người bị khai trừ đảng (có 2 người do Ban Bí thư và 2 người do Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định). Ban Bí thư thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015 - 2020 bằng hình thức Cảnh cáo.

Dư luận phần lớn cán bộ, đảng viên, nhất là các cựu chiến binh, nhân dân đặt câu hỏi, tại sao điều này có thể xảy ra?

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Là binh chủng đặc biệt của Lực lượng vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo xây dựng lực lượng, quản lý, giám sát hoạt động của Bộ Quốc phòng, Cảnh sát biển Việt Nam không chỉ phải chính quy, tinh nhuệ, hiện đại mà còn phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhân dân, Tổ quốc.

Đặc biệt, với không gian hoạt động chủ yếu trên biển, nhiệm vụ là trên mọi vùng biển chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2, tàu thuyền xuất bến, rời cảng cơ bản là hoạt động độc lập, xa chỉ huy nên con người của Cảnh sát biển Việt Nam phải có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, đặc biệt phải là những người trung thực, tự giác, đề cao danh dự, sống thanh liêm và đương nhiên tinh thông luật pháp.

Cảnh sát biển: Nếu không có cơ chế giám sát đủ tốt, sai phạm đặc biệt ắt xảy ra - 1

Cảnh sát biển Vùng 3.

Cảnh sát biển Việt Nam đã có 23 năm xây dựng và trưởng thành, không ai có thể phủ nhận sự lớn mạnh, những thành tích to lớn mà cán bộ, chiến sĩ lực lượng này đạt được, nhất là trong những chiến dịch đấu tranh, đẩy đuổi tàu nước ngoài có hành vi ngang ngược xâm phạm chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, bảo vệ cơ sở kinh tế, kỹ thuật biển của Nhà nước, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trên Biển Đông.

Cảnh sát biển: Nếu không có cơ chế giám sát đủ tốt, sai phạm đặc biệt ắt xảy ra - 2

Trinh-Thanh-Phi (1).jpg

Việc hàng loạt cán bộ chủ chốt là trung tướng, thiếu tướng, đại tá... bị kỷ luật Đảng và sẽ còn nhận kỷ luật hành chính, 2 thiếu tướng bị khởi tố, bắt giam là điều hi hữu, chưa từng có trong quân đội ta

Đại tá Trịnh Thanh Phi

Tuy nhiên, việc hàng loạt cán bộ chủ chốt là trung tướng, thiếu tướng, đại tá... bị kỷ luật Đảng và sẽ còn nhận kỷ luật hành chính, 2 thiếu tướng bị khởi tố, bắt giam là điều hi hữu, chưa từng có trong quân đội ta. Sự vi phạm của hầu hết 11 tướng không chỉ là thiếu sót trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, ý thức tổ chức kỷ luật hay có hạn chế về phương pháp, tác phong công tác, mà ai cũng rơi vào vi phạm suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, một số người nhận hối lộ...

Vì sao lại như vậy? Theo tôi,  có mấy lý do chính:

Một là, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam bị coi nhẹ. Tình trạng yếu kém kéo dài mà không được củng cố, chỉnh đốn nghiêm túc, dẫn đến cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp không giữ được vai trò lãnh đạo. Tính chiến đấu bị triệt tiêu, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bị buông lơi, việc giám sát quyền lực của cán bộ chủ chốt bị vô hiệu… Chỉ cần nhìn vào án kỷ luật mà Ban Bí thư đưa ra - cảnh cáo tập thể Ban Thường vụ, cách hết chức vụ Đảng của hầu hết cán bộ chủ chốt của Đảng ủy Đảng bộ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển là đủ rõ.

Hai là, đội ngũ cán bộ, đảng viên chủ chốt của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đến Bộ Tư lệnh các Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4 không tự giác nghiêm túc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống. Môi trường hoạt động trên biển rộng lớn, nhiều chuyến công tác dài ngày, xa sự quản lý, giám sát của cấp trên... Khi ra quyết định xử lý, họ không vượt qua nổi đòn cám dỗ vật chất, lợi ích mà đối tượng vi phạm pháp luật giăng ra để thoát tội, dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"”, nhanh chóng dẫn tới suy thoái, biến chất, tha hóa dù ve áo đeo lon trung tướng hay thiếu tướng, tá, úy.

Ba là, cũng như các quân, binh chủng khác trong quân đội, hằng năm, ngân sách Nhà nước cấp cho Cảnh sát biển Việt Nam để xây dựng cơ bản nhà cửa, cầu cảng, mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hóa, xăng dầu, sữa chữa, duy tu phương tiện tàu thuyền là rất lớn. Nếu không có quy chế rõ ràng, minh bạch, công khai trong hoạt đông, quản lý, sử dụng tài chính, vật tư, mua sắm, đấu thầu… mà lơi là giám sát, kiểm tra, kiểm toán, hậu kiểm thì đây là nơi rất dễ xảy ra sự man khai chi phí, khai khống, thiếu trung thực để rút tiền ngân sách một cách dễ dàng, khó bị kiểm soát, phát hiện.

Ví dụ, tàu cứu hộ A được lệnh cấp tốc xuất bến đến tọa độ nào đó rất xa bờ để cứu hộ tàu ngư dân, tàu Nhà nước, nước ngoài bị nạn, lượng nhiên liệu tiêu thụ đi, về là rất lớn. Dù hải trình đến nơi cứu hộ thuận lợi đi thẳng, xong nhiệm vụ là về ngay nhưng nếu không trung thực người khai sẽ khai tăng khó khăn vì gió bão, tăng độ dài hải trình tìm kiếm tàu bị nạn để quyết toán tăng rất cao lượng dầu tiêu hao nhằm trục lợi...

Bốn là, khi xử lý tàu thuyền vi phạm, nhất là buôn lậu trên biển (tàu thuyền chở hàng xuất đi và tàu thuyền chở hàng nhập lậu, đặc biệt là hàng cấm khối lượng lớn), nếu xuê xoa, kẻ vi phạm sẽ biết đưa ra mức chung chi khiến người có thẩm quyền rất dễ dao động, từ đó thay đổi thái độ kiên quyết hay thỏa hiệp để đột xuất giàu có. Hai thiếu tướng Lê Xuân Thanh và Lê Văn Minh (đều là Đảng ủy viên Đảng bộ Cảnh sát biển Việt Nam, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và 4) bị khởi tố, bắt giam có nêu là do bỏ sót tội phạm, nhận hối lộ, phải chăng đã “ăn đạn bọc đường” kiểu này?

Tôi được biết, trước và khi thành lập lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (1998), đã rất nhiều ý kiến nêu về đặc thù tổ chức, lực lượng, chức năng, nhiệm vụ, nhất là môi trường hoạt động trên biển. Để đáp ứng, con người làm nhiệm vụ Cảnh sát biển là quan trọng hàng đầu; tiếp là cơ sở vật chất, phương tiện trang bị; cơ chế, quy chế làm việc, định mức tiêu hao nhiên liệu của từng loại tàu thuyền, thiết bị và cơ chế theo dõi, giám sát hải trình, nơi đi, đến, về của tàu thuyền làm nhiệm vụ để bảo đảm hoạt động trung thực, minh bạch.

Trước sự thật đau lòng vừa xảy ra làm thất thoát, thiệt hại rất lớn tiền và tài sản của Nhà nước, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức Đảng, hình ảnh của Cảnh sát biển và Quân đội Nhân dân Việt Nam, gây bức xúc dư luận xã hội, lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các ngành chức năng cần phải chấp nhận đau đớn, mổ xẻ tìm rõ nguyên nhân tại sao lực lượng quan trọng như Cảnh sát biển lại yếu kém toàn diện như vậy và cấp thiết đưa ra được giải pháp khắc phục.

Với lực lượng đặc thù này, công tác Đảng, công tác chính trị, huấn luyện quân sự đảm bảo chức năng chiến đấu, sử dụng ngân sách, xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư trang bị... đã có quy định chung. Về hoạt động thực thi pháp luật trên biển, cứu hộ, cứu nạn, cử, giám sát tàu thuyền hoạt động, quy định xử phạt vi phạm, quy chuẩn sử dụng xăng dầu, vật tư, điều gì còn sơ hở, bỏ trống thì phải bổ sung, điều chỉnh ngay.

Nếu không, cứ tin cậy, phó mặc để nội bộ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam khép kín hoạt động, tự quy, tự xử mà cấp thẩm quyền là Bộ Quốc phòng không có cơ chế kiểm tra, giám sát, phát hiện có hiệu lực, hiệu quả, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót thì tới đây, dù có chọn, đề bạt, thay hẳn ê kíp lãnh đạo mới, với môi trường, không gian hoạt động đặc thù nói trên, tình trạng sai phạm, mất cán bộ sẽ còn tái diễn.

Trịnh Thanh Phi(Đại tá - Cựu chiến binh)
Bình luận
vtcnews.vn