Cảnh giác gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Giáp Thìn 2024

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Ba, 12/12/2023 13:38:00 +07:00
(VTC News) -

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp sát Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng cấm (như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ,...) và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng (như xăng dầu, khí hoá lỏng, khoáng sản, phân bón, đường cát, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử,...) có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, hiện đại hơn trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, nhất là tuyến biên giới đất liền, vùng biển, cảng hàng không quốc tế và địa bàn nội địa trọng điểm trong cả nước.

Đột kích khám xét và niêm phong tổng kho hàng lậu 10.000m2 ở Lào Cai.

Đột kích khám xét và niêm phong tổng kho hàng lậu 10.000m2 ở Lào Cai.

Để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với mục tiêu tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Các cơ quan liên quan cần thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển.

Hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế; hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Ngoài trách nhiệm của các cơ quan liên quan, các bộ, ban, ngành có nhiệm vụ phòng, chống gian lận thương mại, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng khi mua hàng trong thời gian này. Đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử vốn quen thuộc hiện nay. Môi trường mua bán này khó kiểm chứng và truy nguồn gốc nên người mua hàng có thể bị lừa đảo mà không biết. 

Khi gặp vấn đề với hàng giả, hàng kém chất lượng không đúng mô tả, cam kết của người bán, người tiêu dùng cần có biện pháp khiếu nại trên trang mua bán, sàn thương mại điện tử, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng liên quan để bảo vệ quyền lợi của chính mình. 

Mi Vi
Bình luận
vtcnews.vn