Cảnh báo thảm cảnh lặp đi lặp lại với nông dân Việt

Kinh tếThứ Ba, 14/04/2015 07:20:00 +07:00

Dưa hấu người nông dân đổ bỏ, người tiêu dùng mua giá đắt

(VTC News) - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cảnh báo rằng, không chỉ dưa hấu rơi vào tình cảnh bán đổ đi không được, nhiều nông sản khác cũng sẽ rơi vào thảm cảnh tương tự nếu không thay đổi cách làm nông nghiệp theo trào lưu như hiện tại.

Cùng một cân dưa, nơi 500 đồng - nơi 25.000 đồng

Trong gần hai tuần qua, nhiều nông dân tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Nam vẫn đang phải bất lực nhìn dưa chín rục ngoài đồng hoặc đổ cho trâu, bò ăn vì không có thương lái đến mua, còn có cũng sẽ bị ép giá bán xuống chỉ còn 500 - 1.000 đồng/kg.

Và một nghịch lý đang xảy ra tại nhiều nơi khác đó là người dân phải mua dưa hấu với giá khá đắt.

Theo khảo sát của phóng viên VTC News, hiện nay giá dưa hấu tại các chợ trên địa bàn Hà Nội dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, giá bán buôn trung bình là 18.000 đồng/kg.


Giá dưa hấu ở Hà Nội vẫn dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg
Nhiều người như chị Hà Thu (ở Thành Công, Đống Đa, Hà Nội) không khỏi lấy làm lạ cho biết: "Không hiểu dưa hấu mất giá ở đâu chứ ở đây không khi nào mình mua được rẻ hơn 22.000 đồng/kg, thậm chí mặc cả thấp xuống một chút mà người ta còn không muốn bán".

Nhiều tiểu thương "lý giải" về nghịch lý này cho hay, nếu thu mua ngay tại ruộng của bà con nông dân thì giá sẽ rất rẻ, tuy nhiên nếu lấy từ các chủ buôn, đại lý thì chắc chắn giá sẽ bị đội cao lên rất nhiều.

Chị Tuyết Thương, chủ cửa hàng hoa quả tại chợ Thái Hà cho biết, dưa hấu từ ruộng ít nhất cũng phải qua "vài ba nước" tức nhiều người khác nhau rồi mới đến được tay chị.

"Cứ qua mỗi người giá sẽ lại tăng lên thêm một ít để họ ăn chênh lệch ở giữa, chưa kể cộng thêm tiền xe cộ, vận chuyển, bảo quản nên giá dưa chắc chắn sẽ đắt hơn rồi chứ không thể rẻ được như mua ở ruộng", chị Thương nói.


Video: Chiến dịch hỗ trợ nông dân Quảng Ngãi tiêu thụ dưa hấu

Nơi bán đi không hết, nơi tìm mua không ra

Ngoài việc mất giá phải đổ bỏ cho trâu bò ăn, hàng ngàn xe chở dưa sang Trung Quốc đã ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh trong một thời gian dài khiến cho dưa thối hỏng gần hết do thời tiết quá nắng nóng. Lượng dưa do khách phía Trung Quốc trả về phải lên đến 50-75%.

Dù đã được rất nhiều tấm lòng hảo tâm của người dân trên cả nước ủng hộ mua tới hàng trăm tấn dưa nhưng dường như chừng đó vẫn chưa thấm vào đâu so với 100.000 tấn dưa của người dân miền Trung trong mùa vụ này.

Bạn Trang Nhung trong đội Thiện nguyện bán dưa cho bà con Quảng Nam ở Hải Phòng cho biết: "Bà con trong miền Trung dưa chín thì ế không biết bán đi đâu, xuất sang Trung Quốc thì bị người ta trả về. Trong bọn mình bán ở đây, cả khách đặt trên mạng trước hay khách mua ở ngoài cũng chỉ khoảng 2 tiếng là đã hết veo 15 tấn".
15 tấn dưa thiện nguyện bán hết trong vòng 2 tiếng tại Hải Phòng
Anh Đào Ngọc Trung (ở Lê Lợi, Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết: "Trời nóng nên ăn dưa hấu rất mát, cái chính là từ trước đến nay nó vốn không rẻ mà thậm chí còn đắt lên mỗi khi vào hè. Nếu mà cứ 3.000 - 5.000 đồng một cân thì chắc chắn ngày nào nhà mình cũng sẽ mua vài quả về giải nhiệt, chẳng tội gì".

Tại nhiều nơi bán dưa thiện nguyện, có người còn mua hẳn vài tạ dưa một lúc và thậm chí còn đặt thêm vài tạ nữa cho lần sau, một phần là để ủng hộ cho bà con nông dân miền Trung và một phần là vì giá dưa quá rẻ so với bình thường bán ở chợ hoặc trong siêu thị.

Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Đào Văn Hồ, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nếu như bà con không sản xuất theo phong trào với tư duy tự phát, rồi ồ ạt xuất khẩu sang Trung Quốc như hiện nay thì dưa hấu đã không bị ế và mất giá như vậy.

Ông Hồ cho biết: "Tại sao lại cần phải liên kết "bốn nhà"? Vì người nông dân họ chỉ chuyên về sản xuất nông phẩm thôi, còn việc đánh giá nhu cầu thị trường rồi tìm đầu ra thì chắc chắn anh doanh nghiệp sẽ làm tốt hơn. Nếu như không có mối liên kết với nhau thì nông dân cũng chỉ có thể bán cho thương lái để rồi bị ép giá rẻ mạt, trong khi người tiêu dùng thì sẽ lại phải mua với giá cao gấp đến hàng chục lần."

Ông Hồ còn cảnh báo: “Gần đây nhiều bà con lại đang có phong trào chặt sạch cao su trồng hồ tiêu, rồi còn thi nhau trồng cây mắc ca mà chưa biết hiệu quả thế nào, tiêu thụ ra làm sao. Bây giờ dưa hấu đã vậy, nếu không thay đổi thì sớm muộn cũng sẽ lặp lại thảm cảnh này”.

Video: Cận cảnh chuyến xe chở dưa cuối cùng từ Quảng Nam về tới Hà Nội

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn