Cảnh báo số người Việt tử vong do khói thuốc tăng gấp đôi vào năm 2023

Tin tứcThứ Sáu, 22/09/2023 06:20:00 +07:00
(VTC News) -

Việt Nam nằm trong top những nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới, ước tính đến năm 2030 sẽ có khoảng 70.000 người dân tử vong vì khói thuốc.

Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo cung cấp thông tin báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm diễn ra tại Hải Phòng (ngày 20-22/9).

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá (sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 bệnh). WHO dự báo đến 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 70.000 người tử vong/năm (tăng 57,1%, gấp đôi so với 2023) nếu không có các biện pháp mạnh trong phòng chống tác hại thuốc lá. 

Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.

Thuốc lá là nguy cơ gây ra tử vong, bệnh tật và gây ra đói nghèo.

Thuốc lá là nguy cơ gây ra tử vong, bệnh tật và gây ra đói nghèo.

Theo bà Hương, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu thụ thuốc lá ở Việt Nam lớn là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp.

Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng. Nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 38,8%. Mức thuế thuốc lá còn rất thấp so với khuyến cáo của WHO là đánh thuế các sản phẩm thuốc lá chiếm 70 - 75% giá bán lẻ. 


Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước phát triển.

Theo TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, ở Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính hàng năm thuốc lá gây thiệt hại về kinh tế lên đến 4,5 tỷ đô la Mỹ. Điều này không chỉ gây ra thiệt hại với sức khỏe người dân mà còn giảm năng suất lao động, cuối cùng gây ra tử vong do nhiều bệnh liên quan thuốc lá. 

Một trong những biện pháp quan trọng để phòng chống bệnh không lây nhiễm là đánh thuế các sản phẩm không lành mạnh, không tốt cho sức khỏe như thuốc lá, đồ uống có đường qua đó giảm bớt tiêu thụ. 

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, giá thuốc lá tại Việt Nam hiện vẫn rất rẻ so với nền kinh tế tương đồng khác. Nguyên nhân là do tỷ lệ thuế áp trên thuốc lá quá thấp. Nhiều người nói rằng hút thuốc thật là dễ dàng vì sẵn có trên thị trường, giá rẻ, ai cũng có thể mua để hút, trong khi nó gây tử vong cho một nửa số người sử dụng. 

Theo bà, thuế là công cụ mạnh nhất để giảm tiêu thụ các sản phẩm này. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong những năm vừa qua của Việt Nam có giảm nhưng chưa nhiều. Tăng thuế thuốc lá tác động hiệu quả tới nhóm người thu nhập thấp và đặc biệt giới trẻ. Đây là những nhóm nhạy cảm hơn với việc tăng giá, nhóm bỏ thuốc nhiều nhất và ít bắt đầu hút thuốc nhiều nhất.

NHƯ LOAN
Bình luận
vtcnews.vn