Cẩn thận khi mua hàng online để tránh đồ giả, đồ kém chất lượng

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Tư, 15/11/2023 15:17:00 +07:00
(VTC News) -

Lượng hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tăng, đặc biệt là ở hình thức bán hàng trên mạng đã quá phổ biến hiện nay.

Báo điện tử VTC News nhận được đơn thư của nhiều độc giả phản ánh về tình trạng họ thường gặp phải với các trang bán hàng thương mại điện tử (TMĐT) phổ biến hiện nay. Theo độc giả, nhiều cửa hàng trên các sàn TMĐT đăng nội dung sản phẩm một đằng, nhưng khi mua hàng về chất lượng lại một nẻo. Thậm chí hàng nhận về không phải là hàng đã mua, nhưng chưa kiểm soát chặt chẽ được vấn đề này.

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Có những kẽ hở này trên các sàn TMĐT, đặc biệt là những trang không phổ biến hoặc những nền tảng mạng xã hội không hỗ trợ chức năng bán hàng, việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ. Lợi dụng kẽ hở này, các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm lên bày bán công khai trên các sàn này.

Các trang mạng, website TMĐT thường sử dụng các hình ảnh có thể hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu nhưng với giá rẻ. Điển hình là các mặt hàng đồng hồ, kính mắt, quần áo, giày dép...

Các đối tượng vi phạm thường tận dụng mọi kẽ hở để vừa cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên Internet, quảng bá trực tuyến và khuyến mãi rầm rộ, vừa thẩm lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay... bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô ngày một lớn.

Để qua mắt người tiêu dùng, các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, địa chỉ không có thật hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.

Những đối tượng vi phạm thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ bán hàng đa kênh, ngồi một nơi nhưng có thể quản lý bán hàng ở nhiều điểm khác nhau. 

Các đối tượng này cũng sử dụng thành thạo các công cụ marketing trực tuyến; đầu tư mạnh vào các tiện ích của mạng xã hội để thu hút người mua hàng và lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng Internet, gây khó khăn cho việc xác minh thông tin.

Báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương, trong những tháng đầu năm 2023, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, không hóa đơn, chứng từ vẫn còn diễn ra. 

Các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trước đó, năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021).  

Vì vậy, để có thể phòng, tránh được hàng giả, hàng lậu trên môi trường TMĐT, người tiêu dùng cần lựa chọn các sàn uy tín, có cơ chế đảm bảo hậu bán hàng, có cơ chế khiếu nại cũng như kiểm soát tốt các cửa hàng kinh doanh buôn bán trên sàn này. 

Mi Vi
Bình luận
vtcnews.vn