‘Buôn’ trái phiếu giỏi như TCBS

Tài chínhThứ Ba, 21/06/2022 11:02:21 +07:00
(VTC News) -

Không chỉ là nhà môi giới trái phiếu lớn, TCBS cũng là doanh nghiệp có quy mô phát hành trái phiếu đáng nể, với giá trị lên tới 4.297,5 tỷ đồng (ngày 31/12/2021).

Đáng chú ý, số trái phiếu này đều không có tài sản đảm bảo.

Kể từ năm 2016 tới nay, chưa khi nào thị phần giao dịch trái phiếu của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) rời khỏi vị trí top 1 trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Dẫn đầu về thị phần, TCBS là một trong những công ty chứng khoán hưởng lợi lớn khi thị trường trái phiếu "bùng nổ".

Năm 2021, có 382 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, với tổng giá trị đạt gần 714.000 tỷ đồng (tăng 64% so với năm 2020). Trong đó, riêng TCBS đã tư vấn phát hành hơn 92.800 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 13% thị phần. Nếu loại trừ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành bởi các ngân hàng, "miếng bánh" thị phần của TCBS sẽ còn lớn hơn nữa, lên tới 19%.

‘Buôn’ trái phiếu giỏi như TCBS - 1

Thị phần TCBS.

Theo tìm hiểu, công ty chứng khoán này đã thu xếp giúp một loạt doanh nghiệp phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Trên thị trường thứ cấp, trong năm 2021, TCBS đã phân phối 41.400 tỷ đồng TPDN iBond – sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp dành riêng cho khách hàng cá nhân với mức đầu tư ban đầu chỉ từ 1 triệu đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; và 22.235 tỷ đồng chứng chỉ quỹ trái phiếu Techcom (TCBF).

Ở một diễn biến khác, trong giai đoạn 2018 - 2021, TCBS còn nắm giữ lượng lớn trái phiếu, ghi nhận dưới dạng tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).

Tại ngày 31/12/2021, TCBS nắm giữ tới 5.920,3 tỷ đồng trái phiếu, tăng gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, lượng trái phiếu chưa niêm yết chiếm tới 75,9%, đạt mức 4.497,8 tỷ đồng.

‘Buôn’ trái phiếu giỏi như TCBS - 2

Khối lượng trái phiếu đã phân phối của TCBS giai đoạn 2014 - 2021. (Nguồn: BCTN 2021)

Hoạt động "trading" trái phiếu chưa niêm yết, lưu ý rằng, còn đem lại những khoản lợi nhuận vượt trội cho TCBS. Đáng chú ý, TCBS còn ghi nhận khoản lãi 252,1 tỷ đồng nhờ các giao dịch bán tổng cộng 12.988,5 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư Golden Hill (Golden Hill).

Thành lập từ tháng 1/2017, Golden Hill, nên biết, là chủ đầu tư dự án 87 Cống Quỳnh, quận 1, TP.HCM. Dự án này có tên thương mại là Alpha City, từng nằm trong danh sách những dự án của Tập đoàn Alpha King.

Khi các nhà đầu tư Hồng Kông âm thầm rút khỏi Việt Nam, một loạt dự án của Alpha King cũng được chuyển giao cho các cá nhân, pháp nhân có liên hệ tới Masterise Group. Dự án 87 Cống Quỳnh cũng không nằm ngoài sự dịch chuyển này.

Cập nhật tới ngày 7/4/2021, các vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Golden Hill lần lượt được thay thế bởi ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1971) và bà Trần Thị Bích Phương (SN 1958). Trong đó, ông Bình có nhiều năm công tác với vai trò quản lý tại CTCP Đầu tư TCO Việt Nam, CTCP May thêu Mỹ Sơn - những thành viên của Masterise Group.

Chặng đường phát triển của Masterise Group cũng gắn liền với dòng vốn tín dụng từ một nhà băng tư nhân hàng đầu, cụ thể là Techcombank. Và TCBS - công ty con của Techcombank - cũng không ít lần đứng ra thu xếp cho các thương vụ phát hành trái phiếu của những thành viên liên quan tới tập đoàn bất động sản này. Kể như Golden Hill, hậu "thay máu"  thượng tầng, doanh nghiệp này đã huy động thành công 5.760 tỷ đồng trái phiếu mã GHICB2124001 với sự thu xếp của TCBS.

Các đối tác thân hữu càng lớn mạnh, khá trùng hợp, lượng trái phiếu mà TCBS thu xếp phát hành cũng lớn theo.

Không chỉ là nhà môi giới trái phiếu hàng đầu thị trường, TCBS cũng là doanh nghiệp có quy mô phát hành trái phiếu đáng nể, với giá trị lên tới 4.297,5 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2021).

TCBS cho biết, số trái phiếu này có kỳ hạn từ 2 - 5 năm, không có tài sản đảm bảo, với lãi suất trái phiếu cố định kỳ đầu, trả lãi sau vào ngày tròn 6 tháng hoặc 12 tháng kể từ ngày phát hành và ngày đáo hạn, gốc được trả cuối năm.

Nguyên Minh
Bình luận
vtcnews.vn