Bức bối giao thông thủ đô: Chánh thanh tra nói gì?

Thời sựThứ Sáu, 08/02/2013 07:15:00 +07:00

(VTC News) - Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Giao thông vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) vừa lý giải về các vấn đề “nóng” của giao thông thủ đô.

(VTC News) - Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Giao thông vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) vừa lý giải về các vấn đề “nóng” của giao thông thủ đô.

- Liên quan tới tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, như chúng tôi đã phản ánh việc hàng loạt ô tô, xe máy trong đó có cả xe biển xanh đỗ/đậu sai nơi quy định ở khu vực gần tượng đài Lý Thái Tổ. Lực lượng thanh tra giao thông đã có những biện pháp gì để xử lý những sai phạm trên?

Tại một số khu vực, đặc biệt là trung tâm thành phố, hiện nay các điểm đỗ xe vẫn còn ít và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân cũng như một số cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt tại quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa là những nơi cần thiết phải đầu tư thêm các điểm trông giữ xe, giao thông tĩnh để đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Giao thông vận tải  
Tuy nhiên, thành phố cũng đã có những chỉ đạo là tại các trục đường chính thuộc trung tâm thành phố phải hạn chế tới mức thấp nhất việc dừng đỗ, trông giữ phương tiện.

Gần đây, báo chí cũng có nêu tại khu vực đường Đinh Tiên Hoàng có xảy ra chuyện dừng đỗ phương tiện không đúng quy định. Việc này UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý.

Trong quá trình kiểm tra xử lý các vi phạm, chúng tôi không phân biệt đối tượng nào mà cứ xử lý theo quy định của pháp luật thôi. Ngoài việc kiểm tra xử lý, chúng tôi còn kết hợp với công tác tuyên truyền, tăng cường thêm hệ thống biển báo, quy định những nơi không được dừng đỗ xe.

Những trường hợp cố tình vi phạm đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Trong năm 2012, tại Hà Nội, nhiều người đã “hô biến” gầm cầu thành bãi trông giữ xe. Thanh tra giao thông đã xử lý những trường hợp này ra sao?

Tại các gầm cầu không phải là bị lấn chiếm. Trước đây, giao thông tĩnh của thành phố Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Do vậy, tạm thời UBND Tp Hà Nội cho phép tổ chức trông giữ xe tại các gầm cầu.

Đến nay, với sự phát triển của xã hội, với sự quan tâm của thành phố, việc đáp ứng nhu cầu của người dân đã dần tốt lên. Sở giao thông vận tải Hà Nội đã chính thức báo cáo với UBND Tp thu hồi tất cả các điểm trông giữ phương tiện tại khu vực trung tâm thành phố.

Ngoài ra, Sở cũng đề xuất thành phố đầu tư 50 tỷ đồng để làm hệ thống chiếu sáng, tôn tạo các cây cầu trong trung tâm thành phố. Ví dụ đoạn từ sân bay Nội Bài trở về hiện đang được chỉnh trang, lắp hệ thống chiếu sáng và triển khai các điểm trông giữ xe.

 

Xử lý hàng rong, vỉa hè là vấn đề mà chúng ta phải làm một cách thường xuyên, lâu dài và phải gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương. 

Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Giao thông vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội)
 
Chúng tôi muốn đưa ánh sáng vào để tôn tạo chúng thành các công trình kiến trúc giao thông nhằm làm đẹp hơn cho thành phố cũng như giải quyết luôn vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông.


- Đến nay, việc xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh trên những con đường đau khổ như Quốc lộ 32 thế nào?

Vừa qua, thực hiện chương trình mục tiêu của UBND TP về giải tỏa các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng thanh tra chủ trì, phối hợp với các ban, ngành chức năng và các lực lượng khác một cách đồng bộ trong việc giải tỏa các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên 24 tuyến phố và 3 quốc lộ trong đó có quốc lộ 32.

Có thể nói, việc giải tỏa các vi phạm đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Đến nay, các lều quán, điểm tập kết vật liệu xây dựng lớn đã được giải quyết một cách cơ bản.

Chúng tôi đang tổ chức các hoạt động duy trì. Còn lại một số hàng quán treo biển nhỏ lẻ, hoặc đặt đồ không đúng nơi quy định, chúng tôi vẫn tiếp tục nhắc nhở.

Việc này phải được thực hiện từ ngay chính quyền cơ sở và chúng ta phải làm thường xuyên mới triệt để được.

Tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, buôn bán, xe của hành khách đỗ sai nơi quy định vẫn tái diễn hàng ngày  

- Tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, buôn bán, xe của hành khách đỗ sai nơi quy định vẫn tái diễn hàng ngày dù nhiều lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý. Theo ông, vì sao lại có thực trạng trên?


Xử lý hàng rong, vỉa hè là vấn đề mà chúng ta phải làm một cách thường xuyên, lâu dài và phải gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đặc thù thành phố Hà Nội có 4 mùa, mỗi mùa có loại hình vi phạm khác nhau. Với tất cả những đặc điểm đó, các lực lượng chức năng cần phải nắm rõ để có những biện pháp điều chỉnh thích hợp.

Theo tôi, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức, sắp xếp, bố trí làm sao để hoạt động kinh doanh, buôn bán mưu sinh của người dân được thuận lợi, nhưng vẫn đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quân
Bình luận
vtcnews.vn