Bóc trần thủ đoạn của các trùm ma tuý: Đặt tên giả, giả tâm thần, tự sát khi bị bắt

Bản tin 113Thứ Năm, 22/06/2023 16:55:00 +07:00
(VTC News) -

Khi bị bắt, những kẻ cầm đầu, chủ mưu đường dây ma tuý giả tâm thần, khai báo quanh co, thậm chí tự sát, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Ngày 22/6, đại diện Cục C04, Bộ Công an thông tin về những thủ đoạn của kẻ cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, gây khó khăn cho công tác điều tra.

C04 cho biết, đối tượng cầm đầu, chủ mưu luôn tìm mọi cách để tạo bằng chứng ngoại phạm, chối tội khi bị bắt giữ hoặc lợi dụng những sơ hở của pháp luật để gây khó khăn cho công tác điều tra như giả tâm thần, khai báo không thành khẩn, quanh co, “nhỏ giọt”, thông cung, thậm chí tự sát ....

Những kẻ chủ mưu, cầm đầu tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đã triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 để hoạt động với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, khiến tình hình tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp.

Các ông trùm, bà trùm cư trú ở trong nước cũng như nước ngoài thường núp dưới danh nghĩa hoạt động kinh doanh để chỉ đạo toàn bộ đường dây. Do có sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên những kẻ này không cần ra mặt chỉ đạo trực tiếp, ở bất cứ nơi đâu cũng có thể điều hành toàn bộ đường dây mà khó có thể bị phát hiện, bắt giữ.

Bóc trần thủ đoạn của các trùm ma tuý:  Đặt tên giả, giả tâm thần, tự sát khi bị bắt - 1

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04 thông tin tại hội nghị.

Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh "Hà") là ví dụ điển hình trong việc sử dụng công nghệ 4.0 điều hành toàn bộ đường dây phạm tội ma túy hoạt động từ nước ngoài về Việt Nam và chỉ đạo các mắt xích ở trong nước hoạt động vận chuyển, mua bán ma túy, trong đó có cả đi nước thứ 3 tiêu thụ.

Công nghệ 4.0 được các ông, bà trùm sử dụng đó là hệ thống các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội máy chủ đặt ở một nước thứ 3, có tính bảo mật cao như Facebook, Zalo, Instagram, Viber, Telegram, Whatsap, Line, wechat, Signal... Trùm đường dây ma tuý còn sử dụng sim số điện thoại nước ngoài như của Anh, Mỹ, Campuchia... để kết nối toàn cầu, hầu như không để lại dấu tích phạm tội trên điện thoại thông minh khi bị phát hiện bắt giữ hoặc rất khó để áp dụng biện pháp nghiệp vụ đối với các hoạt động của các đối tượng đó.

C04 cũng chỉ ra thủ đoạn khác của tội phạm ma tuý là dùng “xe ôm công nghệ” để nhận và vận chuyển ma túy trong nước, sử dụng các công ty vận tải để nhận và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia (giấu ma túy trong các container hàng hóa như hạt đậu, hạt nhựa pp, dạ dày lợn...).

Tội phạm dùng tên giả, cải trang hoặc bịt mặt khi trực tiếp sử dụng video call chỉ đạo “đàn em” hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy. Mỗi người quan trọng trong đường dây, tổ chức đều được đặt một biệt danh như: Mưu, Ốc, Vít, Mẩy, Khẹc, Tép, Búa, Kìm...., để tránh cơ quan chức năng có thể tìm được, nhận dạng được khi bị phát hiện.

Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, hoạt động kinh doanh, giao thương khu vực  biên giới giữa Việt Nam và các nước, lợi dụng chính sách quản lý rủi ro của thủ tục Hải Quan (làn xanh, làn đỏ, làn vàng), các đối tượng thuê các công ty logictic làm thủ tục hải quan điện tử để cất giấu ma túy vào các kiện hàng hóa, vận chuyển về Việt Nam qua đường hàng không, đường biển và đường bộ. 

Theo C04, tội phạm ma túy ngày càng có xu hướng cấu kết chặt chẽ trong từng khâu nhưng triệt để sử dụng thủ đoạn “ngắt đoạn” trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, điều này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý triệt để.

C04 cũng cảnh báo, xuất hiện việc vận chuyển nhiều loại ma túy từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó ma túy được pha trộn với nhau và với bột phụ gia, hương liệu để đóng gói thành các gói thành phẩm với tem nhãn mác và các loại hương vị hoa quả, cà phê…(thường gọi là “nước vui”). Tội phạm bán loại ma túy này nhắm tới người sử dụng là thanh thiếu niên.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn