Bộ tứ khởi dựng VPF: Người lao lý, kẻ giã từ bỏ bóng đá

Thể thaoThứ Năm, 07/12/2017 16:33:00 +07:00

6 năm sau ngày VPF ra đời, bầu Đức và bầu Thắng rời khỏi những cơ quan quyền lực của bóng đá nước nhà, và VPF không còn bóng những ông bầu khởi dựng.

VPF là kết quả của quá trình đấu tranh giữa những ông bầu quyền lực với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để quyết nắm quyền điều hành cuộc chơi mà những đội bóng của họ là những nhân vật chính.

Tất cả được cho bắt đầu từ vụ bầu Kiên “đại náo” VFF trong Hội nghị tổng kết mùa giải năm 2011. Và đúng 1 tuần sau, bầu Kiên góp mặt trong một cuộc đối thoại với chủ đề “Doanh nghiệp làm bóng đá” và nó được ví như Hội nghị Diên Hồng của bóng đá Việt Nam tại TP.HCM.

b2a0bfc00d7568b8f3a52be7edf05e42

Các ông bầu dự Hội nghị "Diên Hồng" tại TP.HCM tháng 9/2011 

Cuộc đối thoại này, ngoài bầu Kiên còn có sự tham dự của bầu Đức (HAGL), bầu Thắng (Đồng Tâm Long An), bầu Lê Tiến Anh (K.Khánh Hòa) và Phó Chủ tịch VFF kiêm nhà tài trợ chính cho giải vô địch quốc gia lúc đó (Eximbank) Lê Hùng Dũng.

Trong cuộc họp, bầu Đức chua xót nói: “Cách đây 5 năm, ai cũng khẳng định V-League là số một Đông Nam Á, nhưng bây giờ nhìn lại thì thua Thái Lan. Chúng ta thua Thái Lan một trời một vực. Tại sao? Đó là lỗi của VFF, của chủ tịch, tổng thư ký VFF. Các doanh nghiệp đầu tư rất nhiều mà sao vẫn vậy? Vấn đề là Liên đoàn có nhìn nhận và khắc phục hay không?”.

Còn bầu Thắng thì chia sẻ: “Tôi nhẩm tính thử có CLB Việt Nam bỏ cả 100 tỷ một mùa (khoảng 5 triệu USD) cho đội bóng. CLB bạn tôi ở Thái Lan chỉ 1 đến 1,5 triệu USD, còn ở Việt Nam có khi bỏ 3 đến 4 triệu USD, nhưng bây giờ bóng đá Việt Nam thua Thái Lan. Tại vì sao, VFF phải xem lại cuộc chơi chứ? “

Bầu Tiến Anh thì khẳng định, VFF mắc lỗi hệ thống và cần phải tiến hành việc cải tổ từ đó mới mong cải thiện nền bóng đá Việt Nam.

“Rõ ràng doanh nghiệp đang làm bóng đá, vì vậy nên trả lại các quyền quyết định cho các doanh nghiệp vì sự phát triển chung của bóng đá.

Khi bầu VFF các anh cơ cấu rồi. Phòng nào ban nào cũng đã cơ cấu. Các doanh nghiệp rõ ràng thiếu sự quan tâm đến những người mình đã đề cử. Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay Liên đoàn cũng nên có đại hội bất thường. Sự điều chỉnh là để phù hợp với thời cuộc”, ông Tiến Anh nói.

Hop3moi2 3

Bầu Kiên tại Hội nghị "Diên Hồng" năm 2011. 

Tán đồng quan điểm này, bầu Kiên nhấn mạnh: “VFF là một tổ chức xã hội. Ghế trong VFF là của các CLB nên nếu BCH không làm được thì chúng tôi có thể yêu cầu thay đổi người. Nên đưa những người nào thực tâm có thể đóng góp cho bóng đá vào Ban chấp hành Liên đoàn. Đừng có cơ cấu quá”.

Tiếp thu ý kiến, ông Lê Hùng Dũng khi đó cho biết, sẽ sớm triệu tập cuộc họp có mặt của đầy đủ 14 CLB chuyên nghiệp, 14 CLB hạng nhất và các bộ phận quản lý để tìm biện pháp cho vấn đề tổ chức, trọng tài để tạo sân chơi bình đẳng, chắc chắn đầy sức thuyết phục.

Phần sau thì mọi người đã rõ, VPF ra đời, bầu Thắng trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị, bầu Đức và ông Lê Hùng Dũng (đại diện cho VFF) trở thành phó chủ tịch. Bầu Tiến Anh làm Trưởng ban giám sát. Còn bầu Kiên dù đứng ngoài nhưng vai trò “kiến trúc sư” của ông thì phủ rộng.

Thế nhưng, từ một tương lai sáng lạn, các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam thời VPF điều hành trở thành ám ảnh với cuộc tháo chạy của hàng loạt doanh nghiệp, đẩy nhiều CLB tới cảnh giải thể. Bầu Kiên ở một lĩnh vực khác rơi lao lý khiến cho miếng bánh vẽ của VPF cũng tan thành mây khói. Bầu Tiến Anh thì lặng lẽ rút khỏi đời sống bóng đá và rời mái nhà VPF lúc nào không ai hay.

1512283835

Bầu Thắng rời PVF trong nỗi buồn. 

Bầu Đức thì tới tháng 3 này cũng sẽ rời VFF. Trong khi bầu Thắng sau nhiều năm nỗ lực chèo lái con tàu VPF đi qua sóng gió, bão táp cũng đã nói lời chia tay.

Buồn thay, ngày bầu Thắng nghỉ, những lùm xùm vẫn vây quanh ông, dù 6 năm qua ông khẳng định: “không nhận tiền lương của VPF”.

Thiên An
Bình luận
vtcnews.vn