Bộ TT&TT: Nhà mạng phải đảm bảo chất lượng 3G

Kinh tếThứ Bảy, 02/11/2013 12:31:00 +07:00

(VTC News) - Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhận định mặc dù giá 3G ở Việt Nam đang khá rẻ nhưng chất lượng còn có rất nhiều vấn đề.

(VTC News) - Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhận định mặc dù giá 3G ở Việt Nam đang khá rẻ nhưng chất lượng còn có rất nhiều vấn đề.

Sẽ công khai mọi thông tin về dịch vụ 3G

Tại cuộc họp giao ban nhà nước với các hãng viễn thông có hạ tầng mới đây, Thứ trưởng Bộ Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết trong tuần tới, sau khi làm việc với Bộ Công thương và báo cáo lên Chính phủ về việc điều chỉnh cước 3G, Bộ sẽ công khai những nội dung này, đồng thời giải đáp các thắc mắc của dư luận về đợt tăng cước vừa qua.

Theo số liệu của Phòng quản lý giá cước, Cục Viễn thông, đến tháng 9/2013, Việt Nam có khoảng 18,9 triệu thuê bao 3G đang hoạt động. Đợt tăng giá cước 3G vừa qua, Cục Viễn thông cho rằng chỉ tác động đến 8,9% thuê bao trong tổng số 91 triệu thuê bao di động phát sinh cước trong tháng 9.

Đại diện của Cục Viễn thông cho rằng mặc dù các nhà mạng lớn đã điều chỉnh cước 3G tăng từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng/tháng đối với các gói thuê bao không giới hạn nhưng giá cước mới vẫn chỉ đạt tới  60% giá thành dịch vụ. So với mặt bằng quốc tế, giá cước tại Việt Nam chỉ bằng 30-40% (so sánh trên thu nhập quốc dân đầu người trên toàn thế giới, khu vực và cả ASEAN).

3g
Bộ TT&TT: Nhà mạng phải công bố rõ ràng về dịch vụ 3G đồng thời đảm bảo đúng chất lượng 
Khi nói về phản ứng của dư luận với đợt tăng giá cước 3G vừa qua, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng đây là lỗi trong khâu truyền thông của các nhà mạng. Việc không công bố thông tin công khai và rõ ràng nên dư luận mới đặt ra nhiều nghi vấn như liệu nhà mạng có bắt tay với nhau tăng giá hay mức giá tăng quá cao ...

Tuy nhiên Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng khẳng định Bộ TT&TT có đầy đủ sở cứ để thông qua đợt tăng cước 3G vừa qua. 
Theo Thứ trưởng, viễn thông là lĩnh vực đặc thù, Luật giá do Chính phủ ban hành không thể bao quát được hết mà cần phải có Luật viễn thông bổ sung, đặc biệt là các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia đã quy định cụ thể về lĩnh vực viễn thông.

Mà những điều ước quốc tế và Luật viễn thông đã quy định rất cục thể là giá cước phải căn cứ trên giá thành, cung cầu thị trường và mặt bằng khu vực. 
Tất nhiên giá cước chỉ liên quan đến trong nước chỉ cần căn cứ giá thành, nhưng giá cước dịch vụ có liên quan đến quốc tế thì phải căn cứ trên mặt bằng của khu vực. 
Đó chính là lý do vì sao giá cước 3G trên di động hay trên internet phải căn cứ trên mặt bằng của khu vực, Thứ trưởng lý giải thêm về đợt điều chỉnh giá vừa qua.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng khẳng định, Bộ đã xem xét và đánh giá trên nhiều yếu tố để quyết định cho phép tăng cước 3G chứ không đơn thuần dựa trên giá thành sản xuất của các nhà mạng.

Về việc cung cấp các thông tin xung quanh dịch vụ 3G, Thứ trưởng Lê Nam Thắng yêu cầu nhà mạng viễn thông phải công khai theo quy định như Nghị định 63 đã nêu rõ. Doanh nghiệp không thể lấy lý do bảo mật mà không công bố các thông tin cần thiết cho người dùng, Thứ trưởng khẳng định.

Chất lượng 3G còn có vấn đề

Đánh giá về chất lượng của dịch vụ 3G, Thứ trưởng Lê Nam Thắng thẳng thắn nhận định: Mặc dù giá cước ở Việt Nam còn rẻ nhưng chất lượng đang có vấn đề. Có lúc vào mạng rất tốt, lúc lại chập chờn, thậm chí có lúc 3G còn mất hẳn, Thứ trưởng cho biết.

Việc quản lý chất lượng dịch vụ 3G phải tuân theo đúng quy định pháp luật, những dịch vụ nào được đưa ra thị trường thì phải công bố chất lượng đi kèm. 
Nhà mạng cần phải kiểm tra, quản lý cũng như giám sát chất lượng dịch vụ này, Thứ trưởng đưa ra yêu cầu với các doanh nghiệp viễn thông.

Ngoài ra Thứ trưởng cũng yêu cầu các nhà mạng ngoài công khai giá thành dịch vụ thì cũng phải nêu rõ chất lượng dịch vụ cho người dùng nắm bắt được. Đồng thời phải đảm bảo được chất lượng dịch vụ thực tế đúng như những gì mình đã công bố.

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ ban hành thông tư quản lý giá cước theo Luật giá mới ban hành của Chính phủ và luật viễn thông. 
Theo quan điểm của Bộ, doanh nghiệp sẽ được tăng thêm quyền chủ động, quyền định giá cước theo cơ chế thị trường và nhà nước sẽ đóng vai trò thanh tra, kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiến hành lấy ý kiến doanh nghiệp về quy chuẩn cho dịch vụ truy cập internet qua di động, lấy đó làm chuẩn để sớm ban hành nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng.

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn