Bộ trưởng TT&TT: Giá sim số đẹp sẽ do thị trường quyết định

Chính trịThứ Năm, 22/06/2023 12:51:24 +07:00
(VTC News) -

Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh mã đẹp, sim số đẹp sẽ do thị trường quyết định thay cơ quan Nhà nước như trước đây.

Thông tin trên được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu trong phần phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề được đại biểu thảo luận ở nghị trường liên quan đến dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, diễn ra sáng nay 22/6.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, dự thảo Luật sửa đổi lần này thay đổi quan trọng nhất mã đẹp, sim số đẹp sẽ do thị trường quyết định thay cơ quan Nhà nước như trước đây. Thời điểm đấu giá, xác định giá khởi điểm sẽ không cố định vì kho số đẹp còn rất nhiều và quan điểm số đẹp thế nào tuỳ vào từng người, rất khó xác định. Nếu mã, số điện thoại đưa ra đấu giá nhưng không có người mua, thì Bộ sẽ cấp về cho doanh nghiệp.

Theo ông, với cơ chế mới này sẽ dễ dàng thực hiện hơn, minh bạch hơn tạo thuận lợi cho Chính phủ khi quản lý các Bộ, ngành, đơn vị.

Bộ trưởng TT&TT: Giá sim số đẹp sẽ do thị trường quyết định - 1

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu sáng 22/6.

Bộ trưởng cũng làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu.

Thứ nhất, về quỹ dịch vụ viễn thông công ích, quốc gia nào cũng phải đặt mục tiêu phổ cập viễn thông, internet, phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... để phát triển kinh tế số xã hội số. Bởi vậy, đa số quốc gia đều yêu cầu nhà mạng có trách nhiệm với cộng đồng.

Ông nêu lên hai cách để thực hiện việc này. Một là yêu cầu các nhà mạng phải phủ sóng rộng, nhưng có khó khăn cho các nhà mạng nhỏ. Hai là các nhà mạng phải đóng góp một phần doanh thu vào quỹ phổ cập. Sau đó Nhà nước dùng quỹ này để phổ cập dịch vụ - đa số các quốc gia đang thực hiện theo cách 2 này.

Với Việt Nam, quỹ này đang giao cho chính các nhà mạng thực hiện tự phổ cập, từ 2G đến 3G, 4G, 5G và tiếp tục không ngừng lại. Bộ trưởng Hùng đánh giá, quỹ này đã góp phần thiết thực giúp Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới có độ phủ sóng rộng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây quỹ này tồn tại một số vấn đề như giải ngân chậm, tồn quỹ. Do vậy đòi hỏi cần sửa đổi quy định trong dự thảo Luật, xác định mục tiêu, doanh thu, quản lý sử dụng quỹ vận hành tốt hơn thay vì đề xuất dừng hoạt động quỹ như ý kiến của một số đại biểu nêu trước đó. "Bộ sẽ đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội đổi tên thành Quỹ dịch vụ phổ cập và thay đổi một số cơ chế hoạt động quỹ", Bộ trưởng nói.

Thứ hai, về trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây, ông Hùng nêu, cần đưa trung tâm dữ liệu này về đơn vị quản lý cụ thể để chính danh và giải quyết các vấn đề tranh chấp, phát sinh giữa doanh nghiệp, đảm bảo phát triển cho doanh nghiệp, Nhà nước. 

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất Chính phủ chỉnh lý quy định trên để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ hạ tầng dịch vụ này mà vẫn đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia.

Thứ ba, dịch vụ viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo Chính phủ nghiên cứu quản lý xử phạt dựa trên những gì mà nhà dịch vụ đã có để phát hiện và có cơ chế sát hơn. Đồng thời, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải minh bạch thông tin đối với khách hàng về giá, hợp đồng, chất lượng dịch vụ. Đặc biệt cần yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ bảo mật thông tin khách hàng. Ngược lại, khách hàng khi đăng ký sử dụng dịch vụ cần cung cấp thông tin, số điện thoại để dễ quản lý.

Bộ trưởng TT&TT: Giá sim số đẹp sẽ do thị trường quyết định - 2

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng nay 22/6.

Thứ tư, phát triển hạ tầng viễn thông, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng quan điểm chung, hạ tầng viễn thông là hạ tầng thiết yếu được nhà nước ưu tiên xây dựng và hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả đầu tư và liên kết. Đặc biệt khi sang 5G, 6G hệ số cao sẽ cần nhiều trạm phát sóng hơn để phục vụ con người.

Do vậy sẽ làm rõ hơn việc chia sẻ chung hạ tầng và Luật sẽ sửa đổi quy định, làm rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn và xử lý tranh chấp xây dựng hạ tầng.

Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông cho hay, thời gian tới Bộ sẽ nghiên cứu và tiếp tục xây dựng dự thảo Luật sửa đổi này theo hướng tập trung giải quyết cân đối quy định cứng, nguyên tắc của luật và linh hoạt của nghị định với vấn đề mới, công nghệ mới, dịch vụ mới đang có thay đổi nhanh... hài hoà lợi ích ba nhà: nhà dân - nhà cung ứng dịch vụ - Nhà nước.

Bộ cũng nghiên cứu các vấn đề quản lý viễn thông, chi phí doanh nghiệp và chi phí thực thi pháp luật, viễn thông, công nghệ thông tin và công nghệ số. Theo ông Hùng: "Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng số dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn".

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn