Bộ trưởng GTVT: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành 566 km đường cao tốc

Đầu TưThứ Tư, 07/06/2023 16:24:00 +07:00
(VTC News) -

Sau khi trở thành tư lệnh mới của ngành giao thông vận tải (10/2022), cho đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo hoàn thành 566km đường bộ cao tốc.

Phát biểu trước phiên trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV diễn ra chiều 7/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng thông tin, bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức đã tác động không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành GTVT. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, địa phương; sự đồng hành, ủng hộ của đồng bào, cử tri cả nước và các vị đại biểu quốc hội, toàn ngành GTVT đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cơ bản triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.

Bộ trưởng GTVT: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành 566 km đường cao tốc - 1

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn chiều 7/6. (Ảnh: Quochoi.vn).

Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 96,5% kế hoạch, 5 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 30% kế hoạch, tạo tiền đề cho ngành phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT cơ bản được đảm bảo, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 566km đường bộ cao tốc từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nâng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng là 1.729 km.

Theo ông Thắng, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc nằm trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế được Bộ GTVT và các địa phương triển khai quyết liệt, bám sát tiến độ được giao và sẽ khởi công trong cuối tháng 6/2023 theo đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế ngành cần phải tập trung, quyết liệt xử lý, tháo gỡ, trong đó có những sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm gây bức xúc dư luận; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi, quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa vẫn còn bộc lộ hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tiêu cực.

Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ của ngành GTVT từ nay đến cuối năm 2023 và các năm tiếp theo rất nặng nề, thách thức, bản thân Bộ trưởng mới chỉ có hơn 7 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, ông luôn lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến và đang nỗ lực hết sức, phấn đấu, quyết tâm thực hiện những chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm kịp thời hoàn thành những công trình hạ tầng giao thông chiến lược, hiện đại, an toàn để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng; đóng góp hiệu quả trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, tăng cường hội nhập quốc tế của đất nước.

Ngành GTVT gặp khó khăn về vốn

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: Nhiều đường quốc lộ chạy qua các tỉnh nhưng không đáp ứng được yêu cầu đi lại, nhiều tuyến xuống cấp không nhưng chưa được quan tâm đầu tư, gây khó khăn trong đi lại của người dân…quan điểm của bộ trưởng về vấn đề này?

Bộ trưởng GTVT: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành 566 km đường cao tốc - 2

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời câu hỏi này, ông Thắng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT; các tuyến đường còn lại tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm địa phương.

“Do nhu cầu lớn, ngân sách Trung ương chỉ bố trí được khoảng 66%, không thể đáp ứng đầu tư các tuyến quốc lộ. Ví dụ nhiệm kỳ này nhu cầu cần 462.000 tỷ, thì ngân sách chỉ bố trí được 366.000 tỷ và không đáp ứng được hết ngân sách đầu tư cho gần 25.000 tuyến quốc lộ”, Bộ trưởng Thắng nói.

Trong bối cảnh ngân sách trung ương có hạn, theo ông Thắng, nếu ngân sách địa phương bố trí để cùng với Trung ương đầu tư các quốc lộ rất cần thiết và phù hợp. Bộ GTVT tham mưu, xin ý kiến các bộ ngành, Chính phủ đã đề nghị trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế trong lúc luật chưa sửa được, cho phép địa phương có nguồn vốn tham gia cùng với ngân sách trung ương triển khai dự án quốc lộ, cao tốc. Trong dự thảo Luật Đường bộ sắp tới trình Quốc hội cũng đưa nội dung này vào.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn