Bộ trưởng Cao Đức Phát: Chất cấm trong chăn nuôi như ma tuý

Sức khỏeThứ Ba, 03/11/2015 12:47:00 +07:00

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, cần coi chất cấm trong chăn nuôi như ma tuý, sử dụng chất cấm là có tội.

(VTC News) - Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, cần coi chất cấm trong chăn nuôi như ma tuý, sử dụng chất cấm là có tội.

Phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu quốc hội đã đặt ra câu hỏi về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) cho rằng, vấn đề an toàn thực phẩm được nhân dân rất quan tâm. Năm 2015 được Bộ NN-PTNT chọn là năm an toàn thực phẩm, thế nhưng sau gần 1 năm, những vi phạm trong vấn đề an toàn thực phẩm diễn biến hết sức phức tạp và thủ đoạn hết sức tinh vi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát
Bộ trưởng Cao Đức Phát 
Trước đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã được đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề cập khi đề nghị Bộ NN-PTNT làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đã nhập khẩu 68 tấn tạo nạc là chất cấm trong chăn nuôi.


“Hôm nay, tôi kính đề nghị các bác nông dân vì sức khỏe cộng đồng đừng dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau, quả đem ra thị trường. Vì yêu quê hương, đất nước thì đừng biến khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt”, ông Đỗ Văn Đương phát biểu.

Trả lời các đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Bộ Nông nghiệp nhận thức rất rõ yêu cầu bức thiết của nhân dân đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên đã luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của toàn ngành và áp dụng nhiều biện pháp.

Tuy nhiên, ông cho biết, kết quả giám sát trong 9 tháng đầu năm cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm còn cao, và chưa có cải thiện so với năm 2014.

Về thủy sản có 1,01% mẫu kiểm tra có hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng; rau có 10,3% thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng; thịt có 7,6% mẫu có thuốc kháng sinh vượt ngưỡng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã phát động đợt cao điểm hành động đảm bảo an toàn thực phẩm kéo dài đến hết tháng 2/2016. Qua đó để chấn chỉnh tình hình và rút kinh nghiệm, làm tốt hơn cho các năm tiếp theo, trong đó có kế hoạch riêng về kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Ông nhấn mạnh, trong đợt này có chương trình về cấm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ông cho biết, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh hơn thì sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có giảm, nhất là khu vực xung quanh TP.HCM, nhưng vẫn còn.

“Chúng ta kiểm tra mẫu thịt của con heo chỉ là ngọn, chúng tôi chủ trương xóa bỏ trong đợt này các đường dây mua bán chất này,” ông cam kết.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng bày tỏ sự nhất trí với đại biểu Đỗ Văn Đương là phải đấu tranh với chất cấm như với ma túy. Tôi báo cáo và nêu với các cơ quan chức năng, đối với tôi, việc sử dụng chất cấm là một tội ác”, ông Cao Đức Phát nói.

Ngoài vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, báo cáo trước Quốc hội tại phiên thảo luận sáng 3/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2015, ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân 2,1%, thấp hơn 3% của năm 2014. Lĩnh vực chăn nuôi và lâm nghiệp phát triển với tốc độ cao hơn. Sản lượng nông lâm thủy sản tăng nhưng những mặt hàng chủ lực đều tăng chậm so với cùng kỳ. 5 mặt hàng chủ lực tăng nhưng cũng không kéo lại được sự sụt giảm mạnh của kim ngạch xuất khẩu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy khả năng phát triển sản xuất để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, chúng ta cần tập trung khắc phục khó khăn về hạn hán, khắc phục thị trường xuất khẩu cho nông sản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh mở cửa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, thủy sản…

Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, mục tiêu của tái cơ cấu là nâng cao đời sống và thu nhập của nông dân, cải cách chính sách và nguồn lực. Chính phủ đã ban hành chính sách đổi mới với hầu hết các lĩnh vực. Các Bộ đã quyết liệt mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân.

“Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam”, Tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết.

Đồng thời, tại phiên thảo luận này, Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ Nghị định ban hành chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng, nhiều doanh nghiệp đã có đóng góp vào ngành nông nghiệp, cải tạo giống nông nghiệp. Áp dụng các quy trình sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp được đẩy mạnh, khuyến khích đầu tư tư nhân. Cơ cấu sản xuất đang chuyển dịch theo hướng tiếp tục phát huy lợi thế. Có khoảng 200.000 ha diện tích lúa sang trồng cây khác có giá trị hơn.

Đồng thời, các lĩnh vực sản xuất khác cũng đang có xu hướng chuyển dịch theo hướng hiệu quả.

Đối với tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bộ trưởng nhấn mạnh, tái cơ cấu chủ yếu là theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả để có thể cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, áp dụng con giống mới vào sản xuất, nuôi trồng.

Lĩnh vực thủy sản tiếp tục phát triển đánh bắt xa bờ, phát triển nuôi tôm công nghiệp và thâm canh bền vững, tập trung phát triển trồng rừng cỡ lớn.

Về giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách mạnh mẽ hơn, nhất là chính sách về đất đai, vốn…; xây dựng các công trình dự án, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Về vấn đề lưu hành phân bón giả và kém chất lượng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, theo NĐ202/2013, Bộ Nông nghiệp quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác. Nước ta cần nhiều loại phân bón là do có nhiều cây trồng, nhiều loại phân bón với tỷ lệ phối trồng khác nhau.

Hiện nay đang lưu hành 5300 tên phân bón, trong đó có 261 loại phân hữu cơ vi sinh, còn lại là phân vô cơ. Suốt 2 năm qua, Bộ Nông nghiệp đã siết chặt tình hình, quy chuẩn từng loại phân bón, yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo điều kiện kinh doanh. Đến 1/2/2016, doanh nghiệp nào không đạt yêu cầu sẽ bị đóng cửa.

Về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Nông nghiệp nhận thức rõ yêu cầu bức thiết và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ vi phạm còn cao, chưa cải thiện so với năm 2014.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn