Bộ GTVT muốn 'xóa sổ' xe công nghệ, Grab tuyên bố: Đó là bước lùi của cách mạng 4.0

Kinh tếThứ Năm, 25/10/2018 18:06:00 +07:00

Trước việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình Chính phủ Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh vận tải hành khách, Grab cũng đã có văn bản gửi đến Thủ tướng và cho rằng Dự thảo mới là bước lùi của cách mạng 4.0.

Ngày 25/10, Công ty TNHH Grab đã có văn bản đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô.

Theo đó, qua việc rà soát, kiểm tra hồ sơ, Bộ GTVT cho biết loại hình xe công nghệ như Grab, Uber chính là loại hình kinh doanh vận tải và phải chịu sự quản lý như taxi chứ không thể gọi bằng cụm từ “xe hợp đồng điện tử”.

Trước thông tin này, Grab chia sẻ cảm thấy bất ngờ và quan ngại với những nội dung, quy định trong Dự thảo mới. Đồng thời, Grab cho rằng việc thông qua Dự thảo lần này là chiều theo ý muốn chủ quan của một số đơn vị taxi truyền thống mà bỏ qua những ích lợi và sự tiến bộ quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế.

grab

Grab cho rằng Dự thảo Nghị định mới là bước lùi của cách mạng 4.0. 

"Đây sẽ thực sự là bước lùi, là cái cúi đầu trước 'những người công nhân giận dữ đòi đập phá máy móc' trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 của ngành vận tải", Grab nêu rõ.

Cũng theo Grab, những quy định này đã đi ngược lại chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính, phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại.

Grab khẳng định rất nhiều doanh nghiệp taxi đã thức thời và hiện đang hợp tác rất tốt với hãng, cũng như nhiều đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối khác. Trong khi đó, vẫn còn những doanh nghiệp taxi truyền thống lo sợ sự đổi mới, sợ mất vị thế thống lĩnh, sợ cạnh tranh.

Video: Grab bắt đầu 'giở trò' sau khi thâu tóm Uber

Theo hãng, điều này sẽ trở thành một tiền lệ xấu đối với toàn bộ hệ thống pháp luật cũng như là dấu hiệu tiêu cực về môi trường khởi nghiệp, đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.

Trong văn bản gửi Chính phủ, Grab cũng cho biết Đề án thí điểm đã thúc đẩy phát triển thị trường vận tải, hỗ trợ cơ quan nhà nước phương án quản lý hữu hiệu bằng công nghệ và là nguồn cảm hứng cho 4.0 tại Việt Nam.

Hiện Grab đang cung cấp kết nối các dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho 20% người dân hàng tháng. Hãng có 175.000 đối tác tài xế và đã nộp 270 tỷ đồng tiền thuế trong 9 tháng đầu năm 2018.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn