Bộ GD&ĐT lọc ảo tuyển sinh chung cả nước: Nhiều ý kiến trái chiều

Diễn đànThứ Ba, 19/04/2022 16:16:12 +07:00
(VTC News) -

Các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về việc lọc ảo chung cho tất cả thí sinh, các trường trên cùng một hệ thống.

Theo Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022 vừa được Bộ GD&ĐT công bố lấy ý kiến đóng góp, nhiều thay đổi lớn của mùa tuyển sinh năm nay liên quan đến thời gian đăng ký xét tuyển, lọc ảo chung...

TS Trần Khắc Thạc, Phó phòng Đào tạo, Đại học Thủy lợi cho rằng, những thay đổi đó hướng tới mục tiêu tăng tính tự chủ, chịu trách nhiệm của các trường. Đồng thời cũng thống nhất sự kiểm soát, giám sát của Bộ trong kỳ xét tuyển, tăng tính minh bạch và công bằng cho thí sinh.

Ông Thạc lấy ví dụ, điều 18 về tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm bằng các phương thức khác. Năm nay, các trường không được phép yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn kế hoạch chung của Bộ; mà chỉ công bố và cập nhật thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống. Thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn tiếp tục phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống, và được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất. 

Bộ GD&ĐT lọc ảo tuyển sinh chung cả nước: Nhiều ý kiến trái chiều - 1

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Sau khi có điểm thi tốt nghiệp, Bộ sẽ xử lý nguyện vọng của thí sinh ở tất cả phương thức trên hệ thống chung. "Đây là điều chỉnh về kỹ thuật, giúp giảm thí sinh ảo không ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh", ông Thạc nói.

Ở các năm trước, với thí sinh trúng tuyển ngành A tại trường B theo phương thức xét học bạ, trường sẽ yêu cầu em xác nhận nhập học trước khi biết điểm chuẩn của phương thức thi tốt nghiệp. Lúc này có thể xảy ra trường hợp, thí sinh chưa thực sự hài lòng với ngành A nhưng vẫn nhập học "cho chắc suất". Sau đó thí sinh trúng tuyển vào ngành khác tốt hơn bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, em sẽ gặp khó khăn, thậm chí không thể thay đổi lựa chọn.

Tuy nhiên, theo quy chế năm nay, nếu thí sinh biết bản thân đủ điều kiện trúng tuyển ngành A và vẫn có cơ hội xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, thí sinh chỉ cần đặt nguyện vọng yêu thích theo thứ tự ưu tiên cao hơn.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân ủng hộ quy chế tuyển sinh mới. Ông nhận định, việc yêu cầu đăng ký tất cả các nguyện vọng theo mọi phương thức trên cùng hệ thống sẽ giúp hạn chế tình trạng một thí sinh trúng tuyển nhiều trường, nhiều ngành bằng các phương thức khác nhau. Vì thế, thí sinh phải cân nhắc thật kỹ về ngành, trường mình yêu thích cũng như năng lực của mình để chọn phương thức có khả năng trúng tuyển cao nhất.

Những năm trước đây, các trường phải đối mặt tình trạng thí sinh ảo là do hệ thống lọc ảo chỉ thực hiện với các em xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, không tính đến những em xét tuyển theo phương thức riêng của các trường. Quy định mới giúp thí sinh năm nay không phải xác nhận nhập học sớm mà có thêm nhiều thời gian hơn để cân nhắc trước khi đưa ra quyết định chọn trường, chọn ngành.

Bộ GD&ĐT lọc ảo tuyển sinh chung cả nước: Nhiều ý kiến trái chiều - 2

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Ngược lại, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, khó có thể đăng ký xét tuyển tất cả phương thức trên cùng hệ thống và lọc ảo chung tất cả các phương thức xét tuyển trong năm nay. Nguyên nhân, việc xét tuyển của các trường đại học hiện đa dạng với hơn 20 phương thức.

"Mỗi phương thức có thời gian xét tuyển, tiêu chí và điều kiện mỗi trường khác nhau nên phần mềm khó đáp ứng được. Hiện khá nhiều trường đã xét học bạ, có kế hoạch gọi trúng tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp THPT", ông nói.

Vị chuyên gia dẫn thêm, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2022 của Đại học Quốc gia TP.HCM vừa diễn ra với hơn 79.000 thí sinh dự thi, khoảng 300.000 nguyện vọng xét tuyển được thí sinh đăng ký. Nếu theo quy định đăng ký xét tuyển trên cùng một hệ thống của Bộ GD&ĐT thì liệu thí sinh có phải "xóa bài làm lại".

Về thí sinh ảo, TS Nghĩa cho hay, hàng năm để giảm thiểu tác động của trúng tuyển ảo, trung bình các trường đại học phía Nam gọi trúng tuyển 175% chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Thậm chí, ở phương thức xét học bạ, có trường gọi 300% chỉ tiêu nhưng chỉ 10% thí sinh nhập học.

Các phương thức xét tuyển khác có kết quả trúng tuyển trước xét bằng điểm thi. Do đó, các trường buộc thí sinh đã trúng tuyển các phương thức khác phải xác nhận nhập học bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT bản chính trước khi xét tuyển phương thức điểm thi tốt nghiệp. Thí sinh đã xác nhận nhập học không được xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp nữa do đã bị loại khỏi dữ liệu xét tuyển.

Đại diện Đại học Lạc Hồng cũng cho rằng, rất khó để Bộ GD&ĐT lọc ảo chung cho tất cả các trường trên cùng hệ thống, và làm như vậy thậm chí là "tước đoạt" quyền tự chủ của các trường và thí sinh.

"Đề án tuyển sinh được trường xây dựng dự kiến với thời gian xét tuyển khác nhau theo các phương thức khác nhau. Mặt khác, các trường đang hướng đến tự chủ tuyển sinh để tránh lệ thuộc nhiều vào kỳ tốt nghiệp THPT và tuyển được thí sinh học đáp ứng đúng nhu cầu đào tạo theo định hướng của từng trường. Việc lọc ảo lại tiếp tục gây khó cho các trường trong việc chủ động tuyển sinh", vị đại diện nói.

Không gây bất lợi cho các trường

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Bộ GD&ĐT khẳng định, dự thảo mới năm nay không ảnh hưởng đến quyền tự chủ của trường trong công tác tuyển sinh.

Các trường phải chủ động tiếp nhận và xử lý thông tin dữ liệu của thí sinh khi các em đăng ký xét tuyển theo các phương thức (ngoài xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT) của nhà trường như hàng năm. Khi xét thấy thí sinh đã trúng tuyển theo các phương thức đó, trường có thể thông báo cho thí sinh biết đủ điều trúng tuyển để thí sinh biết.

Về phía thí sinh, nếu ngành trúng tuyển là sự lựa chọn của thí sinh thì các em phải điều chỉnh thứ tự nguyện vọng phù hợp để hoàn thành quy trình xét tuyển. Ví dụ, thí sinh Nguyễn Văn A đỗ vào Đại học B bằng phương thức xét học bạ (đã được nhà trường thông báo trước thời gian Bộ mở cổng đăng ký xét tuyển). Thì khi Bộ mở cổng đăng ký, các em cần đăng ký và đặt nguyện vọng đầu tiên vào trường, ngành đã đỗ ở Đại học B. Như vậy, sẽ tránh tình trạng thí sinh ảo như các năm trước, một em chỉ đỗ vào một trường duy nhất.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp