Bí thư TP.HCM: Sau 10 năm đổi mới giáo dục, sự chuyển biến chưa như mong muốn

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 09/01/2024 21:00:00 +07:00
(VTC News) -

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, sau 10 năm đổi mới, ngành giáo dục đạt được một số thành tích, tuy nhiên sự chuyển biến chưa được như mong muốn.

Chiều 9/1, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, sau khi Nghị quyết 29 ra đời, UBND, HĐND và ngành giáo dục thành phố đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết, quyết định cụ thể hóa nghị quyết này.

TP.HCM dành nguồn lực lớn cho giáo dục và đào tạo, trong đó có nhiều điểm sáng như đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho cán bộ giáo viên, nhân viên bậc mầm non.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hữu Long)

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hữu Long)

Bên cạnh đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định những mặt hạn chế ngành giáo dục cần lưu ý khắc phục: “Nhìn lại 10 năm, có thể thấy một điểm cần nỗ lực đặc biệt hơn nữa là công tác truyền thông còn nhiều hạn chế vì 10 năm rồi thực hiện cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo nhưng sự lan tỏa sâu rộng vẫn chưa đồng cấp, người dân chưa thấu được. Sự chuyển biến chưa như mong muốn của chúng ta”.

Ông dẫn chứng trên mạng xã hội nhiều người dân vẫn còn trách, còn buồn, còn nhìn nhận ngành giáo dục theo góc độ tiêu cực, chưa đúng với phương hướng lãnh đạo.

Theo Bí thư TP.HCM, nguyên nhân do người dân chưa hiểu hết được những quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của Nhà nước trong công tác giáo dục. Nhiều người phê phán ngành Giáo dục Việt Nam còn chậm phát triển, dạy và học chỉ chạy theo thành tích.

“Đành rằng chỗ này, chỗ khác còn hạn chế, chúng ta phải luôn luôn phấn đấu, không thể một lúc là có thể giải quyết được. Nhưng chúng ta có chủ trương, đang từng bước chuyển đổi căn bản, toàn diện, toàn hệ thống của chúng ta", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành uỷ cũng yêu cầu lãnh đạo ngành Giáo dục TP.HCM sau tổng kết phải tìm cách tăng cường các khâu truyền thông, để dân biết, dân bàn, dân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát đúng theo phương châm đã đề ra.

Cùng với đó, ngành Giáo dục TP.HCM phải huy động sức mạnh toàn xã hội để chăm lo cho giáo dục, thúc đẩy xã hội hóa, vận động tối đa chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 để phát triển giáo dục và đào tạo thành phố.

Việc nâng cao cơ sở vật chất, nâng cao chế độ tiền lương, thưởng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ giáo dục vẫn còn là nỗi băn khoăn của lãnh đạo thành phố.

Việc nâng cao cơ sở vật chất, nâng cao chế độ tiền lương, thưởng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ giáo dục vẫn còn là nỗi băn khoăn của lãnh đạo thành phố.

Theo báo cáo của Thành ủy TP.HCM, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia hàng năm, TP.HCM có điểm trung bình các môn thi xếp trong nhóm 10 cả nước và nhiều năm liên tiếp đứng đầu trong khối thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Về môn Tiếng Anh, TP.HCM có kết quả cao nhất cả nước. Các môn Toán và Ngữ văn cũng nằm trong số các địa phương hàng đầu trong việc thực hiện đổi mới theo Nghị quyết số 29.

Trong giai đoạn từ 2013 đến 2023, tỷ lệ chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo so với tổng chi ngân sách của TP.HCM hàng năm dao động từ 20% đến 31%, trung bình khoảng 24%, đảm bảo tỷ lệ chi tối thiểu là 20% so với chỉ tiêu đề ra.

Trong giai đoạn từ 2013 đến 2022, TP.HCM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 10.000 phòng học, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh.

Trịnh Trang
Bình luận
vtcnews.vn