Bí ẩn cổ đông 'gom' cổ phiếu FLC

Kinh tếThứ Sáu, 05/09/2014 11:46:00 +07:00

Ai đang là cổ đông lớn và nắm giữ bao nhiêu cổ phần FLC vẫn là câu hỏi trong vòng bí ẩn.

Ai đang là cổ đông lớn và nắm giữ bao nhiêu cổ phần FLC vẫn là câu hỏi trong vòng bí ẩn.

Chưa đầy 1 năm, Công ty CP Tập đoàn FLC (mã: FLC) đã huy động được hơn 2.314 tỷ đồng để tăng vốn gấp 4 lần, lên 3.148,9 tỷ đồng nhờ phát hành cổ phiếu. Biến động tỷ lệ sở hữu, ai là cổ đông lớn và nắm giữ bao nhiêu cổ phần FLC vẫn chưa lộ diện.

Kế hoạch tăng vốn "thần tốc" của FLC vẫn chưa dừng lại ở con số này và mốc 4.550 tỷ đồng vốn điều lệ cũng sắp sửa chạm tới trong nay mai.

Chủ tịch FLC sở hữu bao nhiêu?

Ngày 4/9, Tập đoàn FLC cho biết đã hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ lần 2 trong năm 2014, từ 1.543 tỷ đồng lên 3.148,9 tỷ đồng. Cụ thể, các cổ đông hiện hữu đã thực hiện quyền mua gần 100,3 triệu cổ phiếu FLC, đạt tỷ lệ 64,98% (tổng lượng chào bán là 154,36 triệu cổ phiếu), thu được gần 1.003 tỷ đồng (mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu). Số cổ phiếu còn lại hơn 54 triệu cổ phiếu đã phân phối cho các NĐT có nhu cầu, tương ứng số tiền 540,6 tỷ đồng.
flc
 

Cùng ngày, UBCK Nhà nước cũng có văn bản xác nhận kết quả chào báo cổ phiếu này và yêu cầu FLC tiến hành các thủ tục niêm yết chứng khoán trên sàn HoSE.

Trước đó, tháng 4/2014, FLC cũng đã thành công khi phát hành 77,18 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng 771,8 tỷ đồng để tăng vốn gấp đôi, lên 1.543 tỷ đồng. Số cổ phiếu tăng vốn này đã nhanh chóng được các cổ đông hiện hữu "vét sạch".

Như vậy, chỉ sau 2 đợt phát hành, vốn điều lệ của Tập đoàn FLC đã tăng thêm 2.314 tỷ đồng, lên mức 3.148,9 tỷ đồng, gấp 4 lần mức vốn điều lệ năm 2013.

Mặc dù cả hai đợt tăng vốn có quy mô rất lớn, song FLC hiện chưa công bố cụ thể danh tính các nhà đầu tư, cổ đông mua cổ phiếu phát hành thêm. Nhất là tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn (trên 5%).

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2014, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, là cổ đông cá nhân lớn nhất, sở hữu 15,526 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 10,05% (vốn điều lệ cũ là 1.543 tỷ đồng). Các thành viên gia đình ông Quyết không sở hữu cổ phiếu FLC.

Mặc dù không phản ánh chi tiết, song báo cáo này cho thấy ông Trịnh Văn Quyết đã tăng mua cổ phiếu FLC để duy trì tỷ lệ nắm giữ trên 10% từ lúc vốn điều lệ khiêm tốn hơn 7,76 tỷ đồng cho đến mức 1.543 tỷ đồng (tính tới 30/6/2014). Hiện, chưa rõ sau đợt tăng vốn lên 3.148,9 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của ông Quyết tăng/giảm ra sao.

Giả sử, ông Quyết muốn đảm bảo tỷ lệ sở hữu 10,03% trên vốn điều lệ mới (3.148,9 tỷ đồng) thì cần mua thêm 16,88 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng số tiền bỏ ra khoảng 168,8 tỷ đồng.

Chia sẻ với báo chí cuối tháng 8 vừa qua, ông Quyết cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục mua thêm cổ phiếu FLC bởi "nhà đầu tư thông minh sẽ không từ bỏ quyền mua cổ phiếu FLC" khi nói về chuyện phát hành tăng vốn năm 2014.

Trong khi đó, các thành viên HĐQT, lãnh đạo khác chỉ có lượng cổ phiếu FLC rất nhỏ hoặc không sở hữu. Đơn cử: Tổng Giám đốc Doãn Lê Phương chỉ nắm giữ 0,07%, ông Lê Thành Vinh nắm 0,19%, Hương Trần Kiều Dung 0,13%, ông Lưu Đức Quang và Lê Bá Nguyên là 0%...

Trước đó, việc cổ đông lớn - Công ty TNHH bất động sản Sài Gòn Invest - bán toàn bộ 43,36% vốn tại FLC (tháng 7/2013) cho ai cũng không được công bố. Do đó, những cá nhân, tổ chức nào khác đã mua hơn 2.314 tỷ đồng cổ phiếu để giúp FLC tăng vốn "thần tốc" trong thời gian ngắn vẫn là điều bí ẩn.

"Tiêu" nghìn tỷ bán cổ phiếu

Một điểm đáng chú ý là giá cổ phiếu FLC cũng liên tục tạo "sóng" trên thị trường chứng khoán trước mỗi đợt phát hành cổ phiếu. Diễn biến giao dịch trên sàn HoSE cho thấy, giá cổ phiếu FLC trước thời điểm đề xuất tăng vốn (tháng 4/2013) chỉ giao dịch dưới mức 7.700 đồng/cổ phiếu. Tuy thế, giá chào bán đưa ra là 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn trên dưới 30% thị giá và hàng "nóng" FLC vẫn đắt khách mua.

Khi FLC đăng kí chào bán 154 triệu cổ phiếu tăng vốn đợt 2 (tháng 6/2014), giá cổ phiếu này cũng liên tiếp tăng trần, có thời điểm lên tới 13.000 đồng/cổ phiếu, tức là tăng tới 70%. Cơn sóng này đã tạo hứng khởi cho nhà đầu tư vào thời điểm FLC "mở hàng" mới với mức giá khiêm tốn chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu.

Chưa có đủ dữ liệu để đánh giá xem nhà đầu tư, cổ đông gom cổ phiếu FLC có mua giá hời không, nhưng tiền huy động được sử dụng như thế nào thì cần được xem xét. Vì thực tế, đã có không ít doanh nghiệp "vẽ" ra dự án để bán cổ phiếu, trái phiếu huy động hàng nghìn tỷ đồng, nhưng sau đó lại đổ tiền vào dự án khác. Thậm chí, đem tiền quay vòng "đảo nợ" cho ngân hàng.

Thời gian qua, Tập đoàn FLC liên tục có thông tin "hâm nóng" hàng loạt dự án bất động sản "khủng" của mình tại nhiều địa phương. Đi liền đó là nhu cầu vốn rất lớn để triển khai và FLC cũng đã thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành 77,1 triệu cổ phiếu.

Theo tờ trình, tiền huy động được dùng cho 2 dự án lớn (Nhà máy sản xuất bao bì carton tại tỉnh Vĩnh Phúc và dự án sân golf - nghỉ dưỡng Hồ Cẩm Quỳ). Nhưng sau đó, FLC lại đem tiền đầu tư xây dựng một dự án đô thị ở Thanh Hóa, bổ sung vốn lưu động…

Việc thay đổi mục đích sử dụng phần vốn huy động thêm liệu đã được doanh nghiệp tính toán kỹ hiệu quả, rủi ro đầu tư, khả năng sinh lợi, thu hồi vốn… là điều không ít cổ đông băn khoăn, lo ngại?

Theo Thời báo kinh doanh
Bình luận
vtcnews.vn